Dáng người thanh mảnh, nhanh nhẹn, gương mặt luôn nở nu cười tươi, ít ai biết chị Nga vừa đi qua “sóng gió” tưởng chừng như không gượng dậy được. Nhưng nghị lực vươn lên và đam mê làm kinh tế, chị đã tìm đến những mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao nhất.
Từng là một cô giáo dạy Văn cấp 2, đạt thành tích cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngoài công tác dạy học, vì đam mê làm kinh tế nên chị Nga tìm tòi, học hỏi trên các kênh như báo đài về các mô hình làm kinh tế vườn đồi, trang trại. Khi có kiến thức trong tay, chị bắt tay vào nuôi ba ba, ếch. Tuy nhiên, do khí hậu khắc nghiệt nên làm không hiệu quả.
Thành công hôm nay ít ai biết chị vợ chồng chị Nga đã trải qua rất nhiều thất bại.
Chị Vương Thị Minh Nga kể: “Ngày còn đi dạy học, láng giềng ít ai biết tôi làm cô giáo. Vì khi về đến nhà cất chiếc cặp là tôi xắn tay áo lên “lăn lộn” với công việc chăn nuôi trên nông trại. Hai vợ chồng tôi luôn cố gắng học hỏi, tìm hiểu các kiến thức về cây trồng, vật nuôi để làm có hiêu quả. Nhiều lần thất bại nhưng không làm chị nản chí. Năm 2012, tôi được một người quen hướng dẫn và thả nuôi 300 con heo, đàn heo cho thu nhập lời hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2015 tôi đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo lớn hơn, cuối 2016 nghỉ hưu, tôi băt đầu tập trung thả nuôi hàng nghìn con heo. Nhưng sau một thời gian, đàn heo gặp dịch bệnh tai xanh, trang trại dường như mất trắng. Hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau khóc. Chị lại tiếp tục thả đàn heo mới nuôi chuẩn bị xuất chuồng thì lại gặp dịch tả Châu Phi. Nhìn hàng tỷ đồng phải đưa đi tiêu hủy mà xót xa. Quay lại với khoản nợ hàng tỷ đồng, hai vợ chồng nhiều đêm không tài nào chợp mắt được. Khi bắt tay vào làm trang trại đến nay chỉ có hai vợ chồng tự tìm hiểu về kỹ thuật cũng như tự lo nguồn vốn, không nhận được bất cứ nguồn hỗ trợ nào”.
Kỳ vọng những con ruồi lính đen
“ Chưa đau thương chưa phải người từng trải
Chưa thất bại chưa phải bước vào đời
Nhưng lòng ta chớ sợ mưa rơi
Thì nắng đẹp có ngày sẽ đến”
Nói về thất bại làm ăn tưởng chừng không gượng dậy được, chị Nga đọc bốn câu thơ và nở nụ cười ánh lên niềm tin vào hướng đi mới. Sau dịch tả Châu Phi, đàn lợn chết trắng, chị Nga và chồng là anh Phan Xuân Hải đóng trang trại quyết định khăn gói vào miền Nam học hỏi các mô hình làm kinh tế mới. Cuối cùng chị chọn mô hình nuôi ruồi lính đen.
Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, được nhiều nước trên thế giới nuôi. Vòng đời phát triển của ruồi lính đen khoảng 40 – 45 ngày (trước tiên hình thành trứng, ấu trùng, nhộng và ruồi).
Mô hình nuôi ruồi lính đen đem lại hiệu quả kinh tế cao
Chị Nga kể tiếp: “Trong thời gian heo chết vì dịch tả Châu Phi, 2 vợ chồng tôi tưởng như không thể gượng dậy. Nhưng rồi tôi nghĩ, mình mà nhụt chí thì nợ nần biết bao giờ trả được? Tôi tiếp tục hành trình vào miền Nam tìm hiểu mô hình nuôi ruồi lính đen. Ban đầu, tôi mua một lạng về nuôi thì do chưa có sự chuẩn bị về chuồng trại, thức ăn nên không thành công. Sau khi giăng màn, dọn sạch chuồng heo cũ tôi vào Nam mua thêm một lạng với giá 2 triệu đồng. Lần này, thả nuôi thành công và cho ra 4 tạ ấu trùng. Ấu trùng này đem cho ăn thức ăn hữu cơ, bã đậu nành mua ở nhà máy sữa. Chúng tôi vẫn thường gọi nguồn thức ăn không đồng vì tận dụng các loại rau cũ quả hư hỏng cho ăn. Nuôi nó còn có tác dụng xử lí môi trường chứ không gây ô nhiễm môi trường như nhiều người nghĩ”.
Ấu trùng còn gọi là sâu canxi vì nó là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, sạch và khi cho lợn, gà, vịt ăn rất nhanh lớn mà không bị dịch bệnh. Chị Nga đã nuôi thử một đợt 300 con gà cho ăn ấu trùng không tiêm phòng đàn gà nhưng, tất cả không bị chết con nào, thịt gà ngon sạch.
Đàn gà hàng trăm con của chị Nga
Hiện tại, cứ 40 ngày có hàng chục tấn ấu trùng là nguồn thức ăn sạch giàu dinh dưỡng cho đàn gà vịt hơn 3 nghìn con và 15 con heo nái, rắn mối. Riêng đàn gà vịt đã gần 4 tháng chưa tiêm phòng nhưng không bị chết con nào.
Ngoài ra, chị Nga đã giúp thêm một số hộ tại địa phương nhân rộng mô hình nuôi ruồi lính đen, để làm thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Với nguồn ấu trùng sạch dồi dào chị Nga tự tin để cung cấp làm thức ăn chăn nuôi trên thị trường Hà Tĩnh.
Vợ chồng chị Nga và anh Hải rất kỳ vọng vào sự phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen và theo như chị Nga chia sẻ, nếu có 200 con heo nái thả nuôi thì 4 tháng sau cho thu nhập lãi 300 triệu. Nhưng bây giờ nguồn vốn có hạn, chị không còn biết vay mượn ở đâu.
Bà Chu Thị Thanh Thủy (hủ tịch xã Cẩm Dương) cho biết: Gia đình chị Nga Hải làm trang trại nuôi lợn mấy năm phát triển tốt, năm 2019 do dịch tả Châu Phi nên phần lớn lợn bị tiêu hủy. Do khó khăn trong nuôi lợn nên gia đình chị Nga tự phát nuôi ruồi trên cơ sở các chỉ dẫn của ngành nông nghiệp. Hiện gia đình đang nuôi ruồi để lấy thức ăn chăn nuôi gia cầm. Xã chưa chỉ đạo trực tiếp và chưa có chính sách hỗ trợ. Theo gia đình, bước đầu, đây là giải pháp tốt để duy trì phát triển kinh tế khi chưa khôi phục được đàn chăn nuôi lợn.
Link gốc: https://tuoitrexahoi.vn/ha-tinh-co-giao-nuoi-ruoi-va-nghi-luc-vuot-len-chinh-minh--167570.html