Đất sử dụng làm nền đường xấu và chứa nhiều đá |
Theo thiết kế, đường đạt tiêu chuẩn cấp VI đồng bằng, có chiều dài hơn 1,8km, điểm đầu giao với quốc lộ 8C điểm cuối nối tiếp đường bê tông tại cầu Kênh. Nền đường rộng 6,5m bao gồm mặt đường 3,5m và 2 lề mỗi bên 1,5m. Kết cấu nền đường được chia ra 2 loại, nền đường cũ chỉ bù vênh bằng đá dăm còn nền mở rộng đổ đất k98 dày 30cm và 15cm cấp phối đá dăm loại 2. Mặt đường bê tông xi măng M300# dày 20cm phía dưới lót bạt xác rắn. Làm mới 7 cống và giữ nguyên cầu Phụ Lão (rộng 3m, mới hoàn thành và bàn giao năm 2018). Mục tiêu của dự án là nhằm tạo điều kiện cho người dân trong vùng đi lại, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Liên quan đến điều kiện năng lực quản lý dự án trên 5 tỷ, ông Trần Quang Trung – Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Ngay từ khi có quết định phê duyệt chủ trương đầu tư, do không đủ điều kiện năng lực nên xã đã liên hệ thuê Ban quản lý dự án khu vực của huyện nhưng bị từ chối vì thiếu nhân lực. Bởi vậy, chúng tôi phải tự thành lập ban quản lý để kịp triển khai các bước tiếp theo cho kịp tiến độ. Vừa rồi Sở Giao thông vận tải vào kiểm tra phát hiện việc xã trực tiếp quản lý dự án trên là không đúng theo các quy định của pháp luật, chúng tôi lại tiếp tục làm việc với BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau một tuần nghiên cứu hồ sơ, họ lại từ chối vì nếu nhận thì phải nhận ngay từ đầu, nghĩa là từ lúc có chủ trương đầu tư.
Xe trọng tải lớn chở đất chạy qua chiếc cầu trong tải 10 tấn |
Về nguồn đầu tư, ông Trung khẳng định, “công trình này là do nhà thầu tự xin vốn về và nhờ xã làm chủ đầu tư. Mang tiếng là chủ đầu tư vậy thôi nhưng tiền chuyển về chia như thế nào là do họ quyết định. Việc mở thầu là làm cho đúng thủ tục còn kết quả thì đã biết trước và đơn vị tư vấn giám sát cũng do họ giới thiệu, mình không từ chối được. Cơ chế giờ là như thế, nguồn họ xin chứ mình không xin được thì thế thôi”.
Có mặt tại hiện trường thi công, chúng tôi quan sát thấy nhà thầu đã bóc một lớp phong hóa mỏng và đổ đất chứa nhiều đá xuống để thi công nền đường mà không hề có sự xuất hiện của đơn vị tư vấn giám sát. Đặc biệt, toàn bộ máy đào, máy lu rung và nhiều xe tải cỡ lớn vận chuyển đất đá qua lại trên cầu Phụ Lão có trọng tải 10 tấn để thi công. Trực tiếp trao đổi với anh Thủy cán bộ kỹ thuật đơn vị thi công, anh thừa nhận nhà thầu sử dụng xe chở đất vượt quá trọng tải của cầu và anh cho rằng xe chở không đầy thùng thì chỉ nặng khoảng 13 tấn chứ không quá nhiều.
Cầu Phụ Lão nằm giữa công trình mới hoàn thành năm 2018 nay đã bị sụt lún nứt bể do xe quá tải |
Liên quan đến chất lượng công trình, ông Trần Quang Trung – chủ tịch UBND xã Cẩm Quan thừa nhận, nhà thầu sử dụng đất đổ nền không đạt chất lượng. Từ đầu chúng tôi đã trao đổi với nhà thầu về việc mỏ Cẩm Hưng đất xấu và nhiều đá nhưng họ vẫn nhất quyết sử dụng vì cự li vận chuyển gần. Trong quá trình thi công, BQL đã nhiều lần nhắc nhở bắt xử lý lại những điểm phình vênh co dãn do nền đường cũ dân tự làm kém chất lượng. Còn về việc xe chạy quá tải trọng cầu gây nứt bể thì chúng tôi cũng đã biết nhưng thú thật không còn cách nào khác vì đây là con đường độc đạo chạy đến điểm thi công.
Nói về khó khăn gặp phải trong công tác quản lý dự án của địa phương do không đủ điều kiện năng lực, vị chủ tịch xã cho rằng do ban kiêm nhiệm nên không thể thường xuyên theo sát được công trình và năng lực chuyên môn của nhân sự không đúng nên cũng gặp phải nhiều hạn chế. Bên cạnh đó điều ông lo ngại nhất là việc thanh quyết toán sau này vì xã đứng ra quản lý dự án có tổng mức 9,5 tỷ là sai.
Một dự án với tổng mức 9,5 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư cấp xã dù biết không đủ năng lực vẫn thành lập BQLDA là trái quy định. Còn chuyện nhà thầu tự “xin” nguồn rồi trực tiếp thi công cho thấy còn rất nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý nguồn ngân sách của các cấp ở Hà Tĩnh. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ trách nhiệm và có những chấn chỉnh kịp thời, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.
.