Giải mã những dự án ôm hàng nghìn ha rừng của đại gia than Đặng Quốc Lịch: Đẩy UBND tỉnh Bắc Giang vào thế bí

Thứ năm - 17/10/2019 10:01
Không chỉ giúp đại gia Đặng Quốc Lịch và Công ty CP Thiên Lâm Đạt ôm hàng ngàn ha rừng, đất rừng, UBND tỉnh Bắc Giang còn giao gần 35ha đất cho doanh nghiệp này thực hiện siêu dự án với tổng vốn đầu tư hơn 2.146 tỷ đồng. Sau nhiều năm, tình cảnh bây giờ, nhiều người nói UBND tỉnh này đang bị rơi vào thế... ngồi trên lưng cọp.

Siêu dự án và bãi đất hoang

Giống như nhiều cán bộ và người dân chúng tôi tiếp xúc, khi nhắc đến đại gia Đặng Quốc Lịch thì Chủ tịch UBND xã Mỹ An, ông Nguyễn Đức Khoản cũng cho rằng: Kể từ khi cán bộ cấp cao kia mất, ông Lịch chẳng dựa được vào ai nên rất khó khăn. Dự án chậm tiến độ, nợ lương công nhân, cổ đông rút vốn…

14-58-20_m3
Chủ tịch UBND xã Mỹ An: Họ hứa xong đường đưa dây chuyền về mà không thấy đâu.

Xã Mỹ An của ông Khoản chính là địa điểm UBND tỉnh Bắc Giang giao cho Thiên Lâm Đạt thực hiện dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hiệp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF với tổng mức đầu tư hơn 2.146 tỷ đồng tại thôn Xuân An.

Ngày 29/5/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lại Thanh Sơn ký quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty CP Thiên Lâm Đạt với mục tiêu: Đầu tư xây dựng một khu nhà máy sản xuất thiết bị cơ khí mỏ, sản xuất gỗ MDF; cảng nội địa liên hợp, tập kết kinh doanh khoáng sản, lâm sản…

Theo quyết định này, dự án sẽ đưa vào hoạt động năm 2018. Đến ngày 10/6/2016, Chủ tịch Bắc Giang Nguyễn Văn Linh ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, thay đổi tên dự án, trong đó có mục tiêu quan trọng là sản xuất gỗ MDF 120.000m3 sản phẩm/năm…

UBND tỉnh Bắc Giang kỳ vọng dự án, đặc biệt là hạng mục sản xuất gỗ MDF sẽ giải quyết đầu ra cho rừng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh này. Thậm chí, để thực hiện dự án, Thiên Lâm Đạt đã mời lãnh đạo tỉnh đi châu Âu tham quan các mô hình công nghệ tiên tiến để áp dụng vào Bắc Giang.

Nhưng tất cả đến thời điểm này vẫn gần như là con số 0.

Ngày 18/3/2018, Công ty CP Thiên Lâm Đạt tổ chức Lễ động thổ dự án Nhà máy Sản xuất gỗ MDF Bắc Giang. Đối tác xây dựng là Công ty CP Đầu tư Xây dựng FDC – Tổng thầu Thiết kế và Thi công (Design & Build). Buổi lễ ấy ngoài lãnh đạo Trung ương còn có ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và các sở ban ngành tham dự.

Trên các phương tiện thông tin, ông Đặng Quốc Lịch – Chủ tịch Thiên Lâm Đạt, hùng hồn: Bằng uy tín và chất lượng cùng những bước tiến ổn định trong hoạt động, Thiên Lâm Đạt đề ra mục tiêu phát triển đến 2020 và định hướng đến 2030 sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu phía Bắc trong lĩnh vực chế biến gỗ MDF, các lĩnh vực còn lại cũng sẽ trở thành chuỗi bổ trợ cho sự phát triển của công ty và góp phần vào chủ trương chung của tỉnh là thu hút đầu tư.

Tại dự án này, FDC đảm nhiệm vai trò Tổng thầu thiết kế và thi công, nhà máy sẽ được xây dựng trong thời gian 14 tháng, dự kiến sẽ lắp ráp thiết bị vào cuối năm 2018. Đây là dự án nhà xưởng công nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại được nhập khẩu từ Đức. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy có công suất 150.000m3 sản phẩm/năm, đạt các tiêu chuẩn quốc tế từ trồng rừng nguyên liệu đạt chuẩn bền vững FSC thế giới.

Tuy nhiên, sau những nghi lễ động thổ, một vài động thái xây dựng, dự án gần như bỏ hoang.

14-58-20_m2
Bên trong khuôn viên “dự án trọng điểm tỉnh Bắc Giang” vẫn là bãi đất hoang.

Có mặt tại khu vực triển khai dự án, PV NNVN nhận thấy, đến thời điểm này vẫn chỉ là bãi đất hoang. Khu vực trụ sở công ty chỉ có vài ba ông bảo vệ, hoàn toàn không có máy móc thi công, không có người quản lý. Đám bảo vệ nhất quyết không cho chúng tôi vào khu vực bên trong bởi không có lệnh của lãnh đạo Thiên Lâm Đạt.

“Bây giờ chỉ còn bộ phận bảo vệ trông coi, một vài công nhân không có việc làm tỉa tót cây cảnh. Họ hứa khi nào tỉnh làm xong đường vào sẽ chuyển dây chuyền bên Đức về lắp ráp, nhưng bây giờ tỉnh làm xong đường nhánh nối 293 rồi mà dây chuyền vẫn chưa thấy đâu”, Chủ tịch xã Mỹ An nói.

Cũng theo ông Khoản, sau khi dự án khởi công, các cổ đông cũng lần lượt rút vốn: “Thời điểm đầu tư, những cổ đông nghe dư luận ông Lịch ngày xưa có quan hệ thân hữu với một cán bộ cấp cao. Nhung khi không còn người “đỡ đầu”, cổ đông rút đầu tư vì sợ không hoạt động hiệu quả như lúc ban đầu ký kết”.

Toàn bộ diện tích UBND tỉnh Bắc Giang thu hồi và giao cho Thiên Lâm Đạt chủ yếu là đất lâm nghiệp, đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm, đất ở… Sau khi một số đối tác rút vốn, giai đoạn 2 của dự án buộc phải tạm dừng. Hoạt động chủ yếu bây giờ của siêu dự án hơn 2 nghìn tỷ đồng chỉ là bãi tập kết than từ Lục Nam, Sơn Động về sau đó chuyển đi nơi khác.

“Chúng tôi cứ tưởng dự án về sẽ giải quyết phần nào vấn đề lao động ở địa phương, nhưng bao năm nay không thấy làm gì”, ông Khoản phân trần.  

Những dấu hiệu bất ổn

Là một trong những thành viên tham gia lễ động thổ vào tháng 3/2018, ông Từ Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang chia sẻ với NNVN: Về mặt chủ trương, tuyên truyền dự án thì rất hoành tráng nhưng có triển khai được gì đâu. Từ lúc khởi công cho đến bây giờ vẫn thế. Ngày xưa ông này nhiều tiền là nhờ món than thổ phỉ. Bây giờ Chính phủ siết rồi nên không có nữa.

Thứ hai là ông ấy định gọi Việt kiều bên Đức về đầu tư, tuy nhiên các ông Việt kiều khó “lừa” lắm. Họ bắt ông kiểm toán nguồn tiền, góp vốn bao nhiêu, tỷ lệ thế nào… Nghe đâu ký hợp đồng với bên Đức rồi, mời lãnh đạo sang bên đó rồi, nhưng không có tiền làm sao người ta chuyển dây chuyền cho?

Cũng theo ông Huy, xem công nghệ quảng cáo thì tuyệt vời, nhưng vấn đề là có tiền để làm hay không, tiến độ thực hiện như thế nào mới là quan trọng. Năng lực tài chính, nguồn vốn của công ty bây giờ thẩm định rất khó.

14-58-20_m1
Dự án của Thiên Lâm Đạt đang chậm tiến độ.

Về việc dự án chậm tiến độ, trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Bắc Giang thừa nhận vấn đề này. Có nhiều lý do và theo đánh giá tổng dự án mới đạt được khoảng 20% khối lượng.

“Dự án này nằm trong danh sách các dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Giang, hàng tháng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều nghe để thúc đẩy tiến độ, có gì khó khăn giải quyết ngay. Tuy nhiên, lý do chậm tiến độ là do chủ đầu tư cơ cấu lại nguồn vốn. Cụ thể là việc chuyển đổi nguồn vốn trong nước, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài để chuyển nhượng, bán dự án”, ông Cường cho biết.

Trước vấn đề dự án trọng điểm chậm tiến độ, Sở Kế hoạch – Đầu tư Bắc Giang đã cho phép Thiên Lâm Đạt giãn tiến độ dự án bằng việc gia hạn thời gian hoàn thành thủ tục cấp phép xây dựng và xây dựng các hạng mục công trình từ tháng 4/2018 đến tháng 11/2019, đưa dự án vào hoạt động tháng 12/2019.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây nhất do ông Đặng Quốc Lịch ký, doanh nghiệp này cho rằng: Dự án hiện đang tạm dừng thi công để chờ thủ tục cấp phép xây dựng và chuyển giao liên doanh góp vốn mở rộng Cụm công nghiệp. Trong quý gần nhất, công ty không hề thi công một hạng mục nào.

Với thực tế đang diễn ra t?i dự án của Thiên Lâm Đạt ở Mỹ An (nhà thầu không thi công, nợ lương công nhân, chưa có giấy phép…) thì ph?i chang UBND tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo tỉnh này phải tiếp tục “ưu ái” nhiều hơn nữa cho đại gia Đặng Quốc Lịch may ra dự án mới được triển khai?                           

Theo hồ sơ, tài liệu về dự án của Công ty CP Thiên Lâm Đạt thể hiện, tổng mức đầu tư của dự án là 2.146.655.570.000 đồng. Trong đó, nguồn vốn góp là 1 nghìn tỷ đồng, số còn lại là vốn vay của ngân hàng thương mại.

Trao đổi với NNVN, nhiều lãnh đạo các cơ quan liên quan ở Bắc Giang và Quảng Ninh tiết lộ, nguồn tiền của đại gia Đặng Quốc Lịch đổ vào dự án này vẫn đang là dấu hỏi cực lớn.

Ngày 31/10/2018, Sở Kế hoạch - Đầu tư Bắc Giang có thông báo gửi Công ty TNHH Sowareen Việt Nam đáp ứng điều kiện mua phần vốn góp vào Công ty CP Thiên Lâm Đạt, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà dự án đến thời điểm này vẫn chưa được triển khai.


Theo Nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây