Con đường đến thịnh vượng
Tại Hà Tĩnh, những năm trước, tuyến đường lưu thông dọc các huyện ven biển chưa được nâng cấp, mở rộng nên ít phương tiện qua lại, dân cư thưa thớt. Từ khi con đường ven biển Xuân Hội-Thạch Khê-Vũng Áng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng, một bức tranh về hạ tầng giao thông hiện đại hình thành, cảnh quan vùng ven biển với nét hoang sơ nay được đánh thức, khoe vẻ đẹp nên thơ, hùng vĩ: Một bên là biển cả mênh mông, một bên là núi cao, đồi cát, có khi là những cánh đồng bát ngát xanh mướt. Con đường này nếu được quảng bá và khai thác tốt chắc chắn sẽ mang lại sự thịnh vượng cho những nơi nó đi qua.
Tuyến đường ven biển Xuân Hội-Thạch Khê-Vũng Áng hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2021 có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng với tổng chiều dài 67,88km đi qua 5 huyện, thị xã của tỉnh Hà Tĩnh, gồm: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong khu vực Bắc miền Trung hoàn thành tuyến đường ven biển. Việc đầu tư, nâng cấp hoàn thành tuyến đường ven biển qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18-1-2010 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Từ khi có đường ven biển, các huyện, thị xã cũng đã quy hoạch nhiều khu dân cư, khu đô thị, mở ra một bức tranh hạ tầng khang trang dọc tuyến đường ven biển này. Đồng chí Nguyễn Đình Hào, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh chia sẻ: “Đường ven biển hoàn thành, các phương tiện lưu thông qua đây đông đúc, nhiều người dân trước đây chỉ phụ thuộc vào nông nghiệp, đánh bắt hải sản nay chuyển ra mặt đường để buôn bán, kinh doanh, làm dịch vụ, từ đó kinh tế-xã hội của xã nhà cũng khởi sắc. Giờ đây, từ trung tâm xã đi vào cảng Vũng Áng chỉ còn khoảng 18km, ra biển Thiên Cầm chỉ khoảng 8km, rút ngắn được gần nửa thời gian đi lại”.
Cầu Cửa Hội trong hệ thống đường ven biển giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: PHẠM TRƯỜNG
Năm 2021, tuyến đường ven biển tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã được thông tuyến với nhau qua cầu Cửa Hội đã kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Nghệ An với tỉnh Hà Tĩnh. Hệ thống các cảng biển như: Cảng Cửa Lò, cảng biển quốc tế Vissai, cảng DKC, cảng Vũng Áng được kết nối với nhau. Các bãi tắm, khu du lịch ven biển như: Cửa Lò, Bãi Lữ (Nghệ An), Xuân Thành (Hà Tĩnh) cũng nằm trên một cung đường, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, du lịch. Các tỉnh khác cũng đang gấp rút triển khai những tuyến đường ven biển như: Dự án đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa)-Cửa Lò (Nghệ An), Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ (Quảng Bình), đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây (Quảng Trị), tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An (Thừa Thiên Huế).
Việc đầu tư, xây dựng tuyến đường ven biển góp phần chia sẻ lưu lượng xe, góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông tiềm ẩn trên tuyến Quốc lộ 1; kết nối các khu du lịch, dịch vụ hiện có dọc bờ biển; tạo điều kiện khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, từng bước hình thành các khu đô thị, khu du lịch, dịch vụ ven biển, hình thành các nguồn lực mới để phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với chiến lược quốc gia về kinh tế biển Việt Nam; góp phần thu hút đầu tư về thương mại, dịch vụ, du lịch biển.
Tuyến đường ven biển sẽ góp phần tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ven biển. Tại Hà Tĩnh, trong các đợt lũ vào tháng 9-2022 vừa qua, khi Quốc lộ 1A đi qua địa bàn nhiều đoạn bị ngập, chia cắt, tuyến đường ven biển này đã phát huy tác dụng, giúp giải phóng lưu lượng xe, tránh ùn tắc giao thông.
Khơi mở tiềm năng kinh tế biển
Trong tương lai, khi tất cả địa phương trong vùng Bắc miền Trung hoàn thành tuyến đường ven biển sẽ giúp kết nối các khu kinh tế trọng điểm, gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An); Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình); Khu kinh tế Đông Nam (Quảng Trị); Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) thành chuỗi các khu kinh tế có sự gắn bó nhằm phát huy thế mạnh khu vực. Tuyến đường bộ ven biển cũng sẽ mở ra không gian phát triển với những ngành kinh tế biển như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, cảng biển, khu đô thị, dịch vụ. Đặc biệt, tiềm năng du lịch biển, năng lượng sạch ở khu vực này đang còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác triệt để.
Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường ven biển được xem là một trong những trục đường quan trọng nhất của quốc gia và một trong các định hướng phát triển quan trọng của các tỉnh Bắc miền Trung về du lịch, thương mại, dịch vụ, kinh tế biển, trong đó tập trung phát triển các khu du lịch dọc theo đường ven biển.
Đường ven biển hình thành sẽ tạo thành những khu vực phát triển sầm uất hai bên tuyến đường để phục vụ cư dân, khách du lịch, tạo bước đà vươn lên mạnh mẽ cho bất động sản của các tỉnh Bắc miền Trung. Thực tế, từ khi con đường này hoàn thành, giá bất động sản, đặc biệt là quỹ đất hai bên đường tại khu vực này có nhiều cơn “sốt”, giá đất tăng vọt gấp nhiều lần gây ra những bất cập, hệ lụy trong phát triển kinh tế. Vì thế, công tác quy hoạch phải đi trước một bước để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tuyến đường ven biển. Các địa phương cần quản lý chặt chẽ, khoa học quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất hai bên đường để phục vụ triển khai quy hoạch đường; tránh tình trạng mở đường chỉ để “phân lô” mà không chú trọng tận dụng hệ thống đường ven biển đồng bộ, hiện đại để phát triển kinh tế nhằm mang lại sự phát triển bền vững.
Ông Trần Thế Hùng, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nhằm phát huy tiềm năng lợi thế quỹ đất ven biển, thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án khu đô thị, khu du lịch ven biển, trong thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu nâng cấp, mở rộng trên toàn tuyến đạt chuẩn tối thiểu đường cấp III hai làn xe, nâng cấp, sửa chữa mặt đường những đoạn đã bị xuống cấp, mở rộng các đoạn qua các khu đô thị, khu trung tâm theo quy hoạch được duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong tương lai”.
Cả 6 tỉnh Bắc miền Trung gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều là các địa phương đang trên đà phát triển, có rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế biển. Tuyến đường ven biển Bắc miền Trung cũng như các tuyến đường ven biển trên cả nước thường gắn với quy hoạch đô thị, khu du lịch biển, khách sạn, nhà hàng... cho nên phải tính toán nguồn quỹ đất hai bên đường cho các hoạt động trong tương lai, tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch hoặc mở rộng quy hoạch nhiều lần gây tốn kém thời gian, công sức, tài sản của Nhà nước. Đặc biệt, đường ven biển còn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, vì vậy công tác quy hoạch cần nghiên cứu hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh.