“Ích nước, lợi nhà”
Theo báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có hai dự án điện mặt trời nối lưới là Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, công suất 50MWp và Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hưng, công suất 29MWp. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh còn có 484 tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 120MWp. Hà Tĩnh cũng đang có 9 dự án điện năng lượng mặt trời và điện gió xem xét phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung, cho phép nghiên cứu, khảo sát.
Với ưu điểm năng lượng sạch, có thể tăng thêm thu nhập từ việc bán lại cho Nhà nước phần điện dư thừa... nên thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ông Đào Minh Cường, Phó giám đốc Kinh doanh Điện lực Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có 40 công trình điện mặt trời mái nhà của các tổ chức, cá nhân đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Trong 10 tháng năm 2021, các công trình này ngoài sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD), tiêu dùng còn bán lại cho ngành điện hơn 10,8 triệu kWh, tương ứng với số tiền hơn 23 tỷ đồng”.
Gia đình ông Phan Xuân Anh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái có công suất 18kWp với chi phí hơn 100 triệu đồng. Sau khi lắp đặt, Điện lực Nghi Xuân tiến hành nghiệm thu các điều kiện kỹ thuật theo quy định và ký hợp đồng mua điện với gia đình. Ông Anh cho biết: “Từ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, trung bình mỗi tháng gia đình tôi giảm được 70% chi phí điện. Các tấm pin lắp đặt trên mái nhà cũng góp phần giảm độ nóng vào mùa hè, giảm độ ồn vào mùa mưa. Điện mặt trời áp mái chi phí đầu tư ban đầu tuy lớn nhưng thực sự rất “ích nước, lợi nhà”.
Công nhân Công ty TNHH xây dựng, thương mại, dịch vụ Sao vàng Đất Việt chi nhánh Hà Tĩnh bảo dưỡng tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: HOA LÊ.
Tại Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng năng lượng mặt trời vào SXKD rất hiệu quả. Ví như Công ty Cổ phần công nghệ xanh HLT (huyện Hương Sơn) đã tận dụng diện tích mái nhà xưởng lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài tự chủ được nguồn điện, công ty còn bán lại cho ngành điện khoảng 80.000kwh/tháng, tương ứng với số tiền khoảng 155 triệu đồng/tháng. Hay như HTX thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương (huyện Kỳ Anh) sử dụng điện mặt trời phục vụ chế biến thủy sản, giúp cơ sở này tự động hóa sản xuất, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng chi phí điện năng và nhân công mỗi năm.
Vướng mắc từ chính sách
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Tĩnh ít tiềm năng về thủy điện nhưng đổi lại có tiềm năng lớn về NLTT, như: Điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Tuy vậy, NLTT là lĩnh vực mới, các quy định, tiêu chuẩn chưa bao quát và cụ thể, nên công tác quản lý nhà nước gặp khó khăn.
Hiện nay, cơ chế về giá bán điện đối với điện mặt trời chưa được ban hành. Trước đây, theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và các thông tư liên quan thì bảng giá điện mặt trời chỉ áp dụng cho các dự án, công trình từ ngày 31-12-2020 trở về trước. Đến nay, vẫn chưa có quy định về giá bán điện mới nên năm 2021, tại Hà Tĩnh không có nhà đầu tư nào quan tâm, đầu tư vào điện mặt trời. Mặt khác, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà được áp dụng trong vòng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Các nhà đầu tư đánh giá đây là thời gian ngắn để thu hồi vốn, trong khi chi phí lắp đặt, rủi ro cao nên không mấy “mặn mà” với các dự án NLTT. Vì vậy, các dự án đang khảo sát ở Hà Tĩnh cũng trong tình trạng “cầm chừng”.
Thực tế hiện nay, tiến độ đầu tư xây dựng các công trình NLTT tại Hà Tĩnh còn chậm so với kế hoạch phê duyệt do khó khăn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, sự đồng thuận của nhân dân khu vực có dự án đi qua.... Hà Tĩnh có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió, nhất là khu vực ven biển các huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh. Một số dự án điện gió với công suất lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư, tuy nhiên, khi triển khai thì vướng các thủ tục liên quan đến chuyển đổi đất rừng sang thực hiện dự án. Đó cũng là khó khăn chung của các dự án điện NLTT tại Hà Tĩnh khi việc đầu tư các dự án thường phải thực hiện tại các khu vực đồi núi phía nam Hà Tĩnh.
Công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức về NLTT tại Hà Tĩnh cũng chưa được quan tâm đúng mức. Hà Tĩnh có hàng nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ nhưng số lượng doanh nghiệp áp dụng NLTT vào SXKD chỉ "đếm trên đầu ngón tay”. Ngoài nguyên nhân về cơ chế chính sách, thì phải nói rằng công tác tuyên truyền về sử dụng NLTT vẫn chưa sâu rộng, khiến nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng năng lượng lớn, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về chủ trương sử dụng NLTT, tiết kiệm điện còn hạn chế.
Ông Thái Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến: “Khó khăn mà hầu hết các dự án điện tái tạo ở Hà Tĩnh đều vướng phải đó là chưa có trong quy hoạch mạng lưới điện quốc gia và phải xin chủ trương bổ sung. Các chính sách chưa thực sự được cụ thể hóa và chi tiết, giá điện chưa thực sự phù hợp nên doanh nghiệp và nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Bởi vậy, Nhà nước cần nghiên cứu, rà soát bổ sung các chính sách, cơ chế phát triển NLTT phù hợp với các loại hình: Điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối để sớm khai thác tiềm năng lợi thế của những nguồn năng lượng vô tận này”.
Tiềm năng NLTT của Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương rất lớn và đang bỏ ngỏ. Những rào cản về chính sách, quy hoạch đất đai, thủ tục hành chính kể cả về tư duy và nhận thức cũng cần sớm được dỡ bỏ để chuẩn bị cho tương lai nền NLTT hiệu quả, bền vững.
Link gốc: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/do-bo-cac-rao-can-de-phat-trien-nang-luong-tai-tao-679233