Đánh thức miền tây Thanh - Nghệ - Tĩnh

Thứ ba - 18/02/2020 06:31
Từ bao đời nay, khát vọng khai phá khu vực miền núi đầy tiềm năng phía tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh (Thanh - Nghệ - Tĩnh) đã được đảng bộ, chính quyền và nhân dân ba tỉnh đặc biệt quan tâm, tập trung thực hiện. Sau hòa bình lập lại ở miền bắc, nhiều đơn vị quân đội đã đưa cơ giới vào xây dựng các công trường, nông trường quốc doanh trù phú trên vùng “rừng thiêng, nước độc” này. Đặc biệt, kể từ khi tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh hình thành đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực phía tây Thanh - Nghệ - Tĩnh.
B2020021801
Chăm sóc cây cam trên vùng đất Lam Sơn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Bài 1: Định vị sản vật truyền thống

Khu vực miền núi phía tây các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh chiếm gần hai phần ba diện tích tự nhiên của ba địa phương. Mặc dù khí hậu khắc nghiệt, nhưng khu vực này được biết đến với nhiều sản vật truyền thống được kết tinh từ sức lao động phi thường và đậm đà bản sắc văn hóa của người dân nơi đây.

Cây có múi “lên ngôi”

Thường lệ, đầu xuân năm mới, người dân huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) lại tất bật thụ phấn cho cây bưởi Phúc Trạch. Theo ông Nguyễn Nho Dung, thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch (Hương Khê), gia đình ông có hơn 100 gốc bưởi đang vào tuổi cho thu hoạch, năm 2019 mặc dù thời tiết nhiều bất lợi, song nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quy trình chăm sóc cho nên sản lượng bưởi của gia đình vẫn ổn định, đạt doanh thu gần 100 triệu đồng. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê Lê Quang Vinh cho biết, hiện có hơn 2.400 ha bưởi Phúc Trạch, trong đó gần 1.500 ha trồng chủ yếu ở các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên, Gia Phố... đã cho quả. Mặc dù sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã có tiếng từ lâu và trên thực tế giá trị của loại quả đặc sản này rất cao, song tính ổn định trong sản xuất và hiệu quả kinh tế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. “Dưới tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của bưởi Phúc Trạch. Những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quy trình cắt tỉa, khoanh vỏ, phòng trừ sâu bệnh, chuyển giao quy trình thụ phấn bổ sung, xây dựng hệ thống bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… gắn với việc đổi mới, ứng dụng các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho nên năng suất bưởi Phúc Trạch đạt 105 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 16.000 tấn, giá trị ước đạt hơn 569 tỷ đồng”- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê Lê Quang Vinh cho biết thêm.

Cùng với cây bưởi Phúc Trạch, những năm qua, cây cam đã trở thành “cây thoát nghèo” đối với người dân các huyện miền núi ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Cây cam du nhập vào Nghệ An khoảng 150 năm trước, khi theo chân giáo sĩ người Pháp đến xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Do phù hợp với thổ nhưỡng cho nên giống cam này được rất nhiều người dân ở xã Nghi Diên trồng. Cam Nghi Diên còn có tên gọi là cam Xã Đoài có đặc điểm vỏ cam mịn, mỏng đều và mùi hương thơm dịu. Ruột cam vàng óng, có vị ngọt, thanh mà không chua, khó thấy ở giống cam khác. Sau đó, cam Xã Đoài được nhân giống, trồng đại trà tại các nông trường ở vùng đất Phủ Quỳ và chủ yếu xuất khẩu sang Liên Xô (trước đây) và các nước Đông Âu. Cam Xã Đoài còn xuất hiện trong thành ngữ nước bạn Lào “Cam Xã Đoài, xoài Thà - Khẹc”. Thường chín vào dịp Tết và hiện nay có giá bán khoảng 100 nghìn đồng/quả, nhưng cam Xã Đoài không đủ sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Khoảng 20 năm lại đây, cây cam phát triển mạnh ở các huyện dọc tuyến đường Hồ Chí Minh như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Con Cuông… với thương hiệu cam Vinh nức tiếng cả nước. Vào vụ thu hoạch, cam được bày bán dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 48, quốc lộ 7; cam được đóng thùng chuyển đi tiêu thụ trong nam, ngoài bắc. Huyện miền núi Quỳ Hợp được mệnh danh là thủ phủ cam Vinh. Có thời điểm diện tích cam ở đây lên đến gần 3.000 ha. Trong đó, riêng Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Xuân Thành và Công ty cổ phần Nông, công nghiệp 3-2 đã có gần 2.000 ha cam liền vùng. Bà Võ Thị Quế, ở xóm Minh Tân (Công ty cổ phần Nông, công nghiệp 3-2) cho biết: Gia đình đã đầu tư hơn 600 triệu đồng, trồng hơn hai héc-ta cam. Đến năm thứ năm thu hoạch được từ 350-400 triệu đồng/ha. Vào dịp gần Tết, thương lái vào tận nơi, mua sỉ toàn bộ vườn cam. Cạnh vườn bà Quế, vườn cam của gia đình ông Nguyễn Quốc Toản rộng hai héc-ta và vườn cam của ông Đậu Đăng Tạo rộng gần ba héc-ta, dự kiến cho thu nhập từ bảy trăm triệu đến một tỷ đồng… Ở đây có hàng trăm gia đình giàu lên từ cây cam. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, cam Vinh đã được xác lập chỉ dẫn địa lý tại 73 xã trên 11 huyện, trở thành sản phẩm quốc gia được Nhà nước bảo hộ trên phạm vi toàn quốc. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cam của tỉnh Nghệ An đạt hơn 8.000 ha, sản lượng đạt hơn 160.000 tấn/năm.

Gia tăng giá trị cây trồng, vật nuôi

Từ khi có tuyến đường Hồ Chí Minh, các địa phương nắm bắt thời cơ, chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh mỗi vùng thổ nhưỡng. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương Trình Văn Nhã cho biết: Tuy bén rễ ở Nghệ An gần nửa thế kỷ, nhưng từ khi đưa đường Hồ Chí Minh vào khai thác, cây chè mới thật sự trở thành cây trồng chủ lực của các huyện miền núi Nghệ An, trong đó có Thanh Chương. Anh Đặng Anh Tuấn ở xóm 1, xã Thanh Đức (Thanh Chương) cho biết, nhờ sáu sào chè mà gia đình xây được nhà khang trang, mua được xe máy, nuôi ba con ăn học, có cuộc sống ổn định. Anh Tuấn cho biết thêm, khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, gia đình đã mạnh dạn chuyển diện tích chuyên canh cây trồng truyền thống có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chè. Từ năm thứ tư trở đi, cây chè bước vào thời kỳ kinh doanh, khoảng một tháng đến một tháng rưỡi thu hái một lần. Với sáu sào chè, gia đình anh mỗi năm thu hoạch từ 85-120 triệu đồng. Anh Tuấn là một trong số hơn 1.000 hộ dân ở xã Thanh Đức tham gia trồng gần 1.000 ha chè công nghiệp, trong đó có 885 ha chè kinh doanh. Nhờ có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua mà Nghệ An quy hoạch, phát triển diện tích cây chè lên hơn 7.500 ha. Trong đó có 6.800 ha đang cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 115 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 78.200 tấn; chế biến hơn 12.500 tấn chè khô các loại…

Tại tỉnh Hà Tĩnh, nghề nuôi hươu lấy lộc nhung ở huyện Hương Sơn đã thành truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, từ khi hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Hương Sơn kết nối với đường Hồ Chí Minh, sản phẩm nhung hươu mới lấy lại được chỗ đứng và xác lập thương hiệu vốn có trên thị trường. Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn, tổng đàn hươu hiện nay của huyện là hơn 36 nghìn con, mỗi năm cho thu hoạch hơn 14 tấn nhung hươu. Trung bình, mỗi hộ nuôi từ ba đến năm con hươu. Hiện nay, giá bán nhung hươu trên thị trường là 12 triệu đồng/kg. Bình quân một con hươu đực sẽ cho cắt lộc (nhung) 1,5 lần/năm. Ngoài ra, nuôi hươu giống cũng mang lại nguồn thu khá, với giá bán hươu giống ở mức khoảng 20 triệu đồng/con đực và 10 triệu đồng/con cái. Sau một năm, hươu đực sẽ cho cắt lộc, tính bình quân chu kỳ phát triển một con trưởng thành có thể cho từ 15-20 cặp lộc. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn Phan Xuân Đức, năm 2012, huyện Hương Sơn xác định hươu là sản phẩm chủ lực và có chính sách hỗ trợ phát triển đàn hươu thông qua các mô hình. Từ năm 2016 đến nay, địa phương tập trung nguồn lực hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhung hươu. Đặc biệt, năm 2019, sau khi sản phẩm nhung hươu được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Nhung hươu Hương Sơn” thì thị trường tiêu thụ và giá tăng lên so với những năm trước. Bình quân, mỗi năm các sản phẩm từ hươu mang về nguồn thu hơn 150 tỷ đồng, góp phần tạo cú huých cho nền sản xuất nông nghiệp địa phương và thiết thực cải thiện đời sống của nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) Lê Đức Tiến, nếu như trước đây giá bán cây luồng ở vùng thượng Thanh Hóa chỉ ngang bằng cây mía Kim Tân (huyện Thạch Thành), thậm chí hàng nghìn bụi luồng thương phẩm ở xã biên giới Yên Khương (Lang Chánh) đến tuổi khai thác nhưng không bán được do giao thông cách trở, thì giờ đây nhờ có đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông kết nối, cây luồng đã khẳng định giá trị trên thị trường với giá bán bình quân từ 40-50.000 đồng/cây.

Từ một cây trồng ít có giá trị, hiện cây luồng được bà con vùng thượng du Thanh Hóa tin tưởng chọn làm cây xóa đói, giảm nghèo. Từ hiệu quả cây luồng mang lại, huyện Lang Chánh đầu tư khôi phục 1.350 haluồng, nâng cấp đường lâm sinh, tiếp tục thâm canh cây luồng, gắn kết định hướng phát triển vùng nguyên liệu, thu hút doanh nghiệp có năng lực chế biến sâu lâm sản đầu tư vào khu vực này. Cây luồng trở thành một trong những cây kinh tế mũi nhọn ở huyện Lang Chánh, góp phần tạo việc làm, cho nên thu nhập bình quân đầu người đã đạt 27,5 triệu đồng/năm. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 41% năm 2010, giảm xuống còn 9,7% trong năm 2019.

Nhờ đổi mới tư duy sản xuất và tận dụng ưu thế giao thương, người dân ở khu vực miền núi, trung du các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh dần xác lập được vị thế của các đặc sản địa phương trên thị trường. Tuy vậy, theo tâm tư của phần lớn người trong cuộc, do trên địa bàn chưa có các trung tâm giống cây, con chất lượng cao bảo đảm uy tín; một số địa phương không tuân thủ quy hoạch sản xuất, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm; chưa xây dựng được chuỗi giá trị, nghĩa là chưa có sự gắn kết giữa các khâu: sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ để tối đa hóa lợi nhuận và thường xảy ra cảnh được mùa, mất giá và khó kiểm soát được dịch bệnh cho nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: NGÔ TUẤN, THÀNH CHÂU, MAI LUẬN

Theo Nhân dân
 
Link gốc: https://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/43298602-danh-thuc-mien-tay-thanh-nghe-tinh.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây