Sáng nay (27/10), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đề xuất tăng lương từ 1/1/2023
Phát biểu thảo luận tại kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Huy Thái cho biết, ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận.
"Việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng", ông Thái nói.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái.
Đáng chú ý, từ những kiến nghị của cử tri, Đại biểu Nguyễn Huy Thái kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng.
"Thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1/1/2023", Đại biểu cho hay.
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng đặt vấn đề lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không? Theo vị Đại biểu này, nhiều ý kiến cho rằng lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi mà cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo đó, Đại biểu Nguyễn Huy Thái đã đề nghị nếu năm 2023 phát triển kinh tế - xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định bền vững không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như 3 năm vừa qua thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương và đây là thông tin mà cử tri đang đặc biệt quan tâm.
"Mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường", vị Đại biểu đoàn Bạc Liêu nói thêm.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng khẳng định điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.
Theo ông Thái, khi thị trường kinh tế lao động phát triển, giữa khu vực công và khu vực tư tất sẽ có sự liên thông tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì cũng đồng thời phải cạnh tranh, phải giữ chân những người tài những người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp.
"Lương đủ sống cán bộ công chức viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả", Đại biểu Nguyễn Huy Thái nhấn mạnh.
Thực hiện càng sớm càng tốt
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (tỉnh Hậu Giang) cho rằng do tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá cả không ổn định,… đã tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế, lao động nghèo...
Nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn. Nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, viên chức ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến.
Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (tỉnh Hậu Giang).
"Áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra"- bà Xương nhận định.
Lực lượng công nhân lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động. Sau dịch Covid -19, nhiều gia đình công nhân, lao động nhập cư muốn cho con quay trở lại cùng sinh sống để tiện bề giáo dục, nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình, giữ gìn truyền thống nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển trường cho con…
Từ thực tế đó và nguyện vọng của cử tri, cán bộ, công chức, viên chức, Đại biểu Thái Thu Xương đề nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đảm bảo phục vụ cho nhân dân. Đồng thời nghiên cứu về thời gian tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt; kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (tỉnh Hà Nam) cũng nêu ý kiến rằng, cùng với việc thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của BCH Trung ương để góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương.
Đại biểu đồng thời kiến nghị cần sớm điều chỉnh mức trợ giúp xã hội, hiện nay đang là 360.000 đồng/tháng là rất thấp và khó khăn cho các đối tượng được trợ giúp.
Tính từ thời điểm từ 1/1/2020 đến 30/6/2022 theo thống kê của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành cho thấy số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người.
Trong đó, số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu rơi vào 2 ngành giáo dục và y tế. Với giáo dục, trong 2,5 năm qua, số người xin thôi việc có 16.427 người, chiếm 41,53%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40 chiếm 60%.
Trong khi đó, y tế có 12.198 người xin thôi việc, chiếm tỷ lệ trong tổng số viên chức là 30,84%. Trong đó độ tuổi dưới 40 trở xuống là 74,72% và có trình độ đại học trở lên là 56,27%.
Link gốc: https://kinhtemoitruong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-tang-luong-co-so-cang-som-cang-tot-72718.html