Tính từ đầu tháng 7 đến kỳ điều hành ngày hôm qua, việc trích lập quỹ bình ổn liên tục đã phần nào ngăn lại đà giảm giá xăng trong nước chưa chạm đến ngưỡng 20.000 đồng/lít, bằng với mức giá ở thời điểm cuối năm 2021.
Trong 6 kỳ điều hành giá gần nhất, quỹ bình ổn đã ‘ngăn’ đà giảm giá xăng xuống ngưỡng 20.000 đồng/lít. Ảnh: Hùng Lê
Trên các diễn đàn, có không ít ý kiến tỏ vẻ nuối tiếc khi giá xăng trong nước sau 5 kỳ liên tiếp được điều chỉnh giảm theo giá thế giới bổng bị “chặn” lại ở kỳ điều hành thứ 6 (ngày 22-8), khi cơ quan điều hành quyết định trích lập quỹ BOG với xăng từ 451-493 đồng/lít khiến giá xăng không thay đổi so với 11 ngày trước đó.
Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 vẫn là 23.720 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.660 đồng/lít.
Như vậy, nếu không trích quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm thêm được gần 500 đồng/lít so với hiện nay, và sẽ là kỳ giảm giá xăng lần thứ 6 liên tiếp.
Tương tự, nếu liên Bộ Công Thương – Tài chính không trích lập quỹ BOG với dầu mazut 641 đồng/kg thì giá bán loại dầu này hiện nay sẽ giảm về dưới 16.000 đồng/kg thay vì giữ nguyên giá như 11 ngày qua.
Việc trích lập vào quỹ 250 đồng/lít cho loại dầu diesel và 400 đồng/lít với dầu hỏa khiến giá bán lẻ các mặt hàng nêu trên đến tay người tiêu dùng hiện nay cao thêm từ 730 – 850 đồng/lít so với 11 ngày trước đó.
Tính từ đầu tháng 7 đến nay, cơ quan điều hành đã trích tới gần 4.000 đồng/lít với mặt hàng xăng; 3.200 đồng/lít với dầu hỏa và 2.150 đồng/lít với dầu diesel.
Như vậy, nếu không trích lập quỹ BOG thì sau 6 kỳ điều chỉnh gần đây, giá xăng từ mức 33.000 đồng/lít có thể giảm về đến mức 20.000 đồng/lít, chứ không dừng lại ở mức 23.720 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 24.660 đồng/lít đối với xăng RON 95 như hiện nay.
Giá xăng dầu trong nước đã giảm liên tiếp ở 5 lần điều hành trước (tính đến ngày 11-8), nhờ vào việc giá thế giới giảm mạnh từ cuối tháng 6 đến nay. Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ giá xăng dầu hầu như chưa giúp hạ nhiệt giá xăng, để từ đó giúp kéo giá hàng hóa thiết yếu, chi phí đầu vào của doanh nghiệp đi xuống.
So với mức đỉnh cuối tháng 6, giá xăng dầu đã giảm hơn 25%. Mỗi lít xăng RON 95-III hiện tại đang rẻ hơn khoảng 8.210 đồng; E5 RON 92 hạ 7.580 đồng và dầu diesel giảm 7.110 đồng.
Theo giới phân tích, về bản chất quỹ bình ổn chính là một khoản thu trước của người tiêu dùng trích ra từ giá xăng dầu để cơ quan điều hành sử dụng làm công cụ điều chỉnh giá. Nói cách khác, bản chất của quỹ này là hình thức bắt buộc người dân nộp tiền trước để bình ổn giá cho… chính mình.
Việc liên Bộ Tài chính – Công Thương trích lập quỹ bình ổn liên tục trong 6 kỳ vừa qua cho thấy cần xem lại cách sử dụng quỹ này. Khi giá thế giới giảm, quỹ trích mức cao khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Cụ thể, ở mỗi lần giá xăng dầu được điều chỉnh giảm theo đà giảm của giá thế giới thì liên bộ lại trích quỹ BOG cũng ở mức cao không kém. Dữ liệu Bộ Công Thương cũng cho thấy, tính từ ngày 1-7 đến ngày 11-8 vừa qua, xăng E5 RON 92 giảm được 7.577 đồng/lít thì mức trích Quỹ BOG với mặt hàng này là 3.500 đồng; xăng RON 95-III có tổng mức giảm trong 5 lần là 8.205 đồng/lít thì tổng mức trích quỹ BOG là 3.500 đồng; dầu diesel giảm 7.111 đồng/lít thì tổng mức trích Quỹ BOG là 1.900 đồng.
Đáng chú ý, các lần giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, mức trích quỹ BOG thậm chí cao hơn cả mức giảm giá xăng.
Thậm chí ở kỳ điều chỉnh mới nhất ngày 22-8 vừa qua, giá xăng thế giới giảm nhẹ từ 451-493 đồng/lít thì quỹ BOG “nuốt hết” phần giảm này luôn khiến nhiều người dân và doanh nghiệp bức xúc.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu cơ quan điều hành thực hiện mục tiêu hạ nhiệt giá xăng để tiếp tục giảm giá hàng hóa, kìm lạm phát thì ở kỳ điều hành mới nhất vào ngày 22-8 này có thể ngừng trích quỹ bình ổn để giúp giá xăng giảm tiếp.
Bởi lẻ số dư quỹ của các doanh nghiệp đầu mối đã dương ở mức cao. Tính đến ngày 22-8, quỹ bình ổn giá của Petrolimex dương 644 tỉ đồng, Saigon Petro là 230 tỉ đồng, trong đó mức trích lập đến ngày 19-8 là 12,3 tỉ đồng; Petimex là 281 tỉ đồng; Mipec là hơn 13 tỉ đồng…
Trong khi đó, liên Bộ Tài chính-Công Thương cho biết, ở kỳ điều hành ngày 22-8, hai cơ quan này đã giảm mức trích lập quỹ bình ổn đối để giữ ổn định giá mặt hàng xăng và dầu mazut, hạn chế mức tăng đối với các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa để hỗ trợ đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo hai bộ này, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ điều hành vừa qua đều tăng. “Đồng thời góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường (đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9)”, cơ quan điều hành cho biết.
Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia kinh tế đều đã đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng quỹ BOG để xăng dầu được hoạt động theo cơ chế thị trường.
Đối với đề xuất bỏ quỹ BOG, bên đưa ra ý kiến đặt kỳ vọng sẽ giúp nâng cao tính minh bạch công khai trong điều hành giá, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối. Bởi vì quỹ BOG chỉ có tác dụng khi giá xăng dầu lên xuống ở mức độ nhẹ.
Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi đang lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng, dầu và điều tiết theo giá thị trường.
Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng dầu đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 8 lần giảm và một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước vẫn ở quanh mức 23.700-24.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào cuối tháng 1.
Link gốc: https://thesaigontimes.vn/da-giam-gia-xang-xuong-20-000-dong-lit-bi-chan-lai-boi-quy-binh-on/