Đất đai của nhà trường là tài sản được Nhà nước trao quyền cho nhà trường quản lý và sử dụng. Công sở trong khuôn viên đất của nhà trường là tài sản được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, có nguồn gốc ngân sách phục vụ cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Các đơn vị, cá nhân trong nhà trường phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đất đai và tài sản được giao; không được tự ý cơi nới, cải tạo, sửa chữa công sở; không được ký các hợp đồng liên doanh, liên kết với các cá nhân và tổ chức bên ngoài để sử dụng đất đai, tài sản của nhà trường; không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Vừa qua, trong quá trình thực hiện Chuyên đề: “Công tác quản lý sử dụng tài nguyên đất đai và công sở” (Khảo sát thực tiễn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh), Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã nhận được phản ánh trái chiều của người dân về việc Trường Cao đẳng Công Nghệ Hà Tĩnh (tiền thân là Trung tâm Giới thiệu việc làm Công đoàn Hà Tĩnh) được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích xây dựng trụ sở làm việc, tuy nhiên nhà trường lại cho đơn vị khác thuê lại khu đất này vào mục đích kinh doanh.
Địa điểm đất được UBND tỉnh giao đất cho Trung tâm giới thiệu việc làm công đoàn Hà Tĩnh làm trụ sở nay cho thuê mặt bằng và trụ sở làm nhà hàng kinh doanh ăn uống.
Theo hồ sơ, ngày 07/01/ 2022 Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có Công văn số 4460/TLĐ-TC gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Căn cứ Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ – CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ - CP, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trì, phối hợp cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý và thống nhất ký biên bản kiểm tra hiện trạng quản lý sử dụng các cơ sở nhà, đất của Tổng Liên đoàn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trạng và phương án đề xuất của đơn vị, Tổng Liên đoàn tổng hơp, đề xuất phương án sắp xếp 11 cơ sở nhà, đất đã hoàn thiện biên bản kiểm tra hiện trạng của tổng liên đoàn trên địa bàn Hà Tĩnh là “giữ lại tiếp tục sử dụng”.
Theo đó, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý của các cơ sở nhà, đất nêu trên theo quy định. Các danh mục thuộc phương án của tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bao gồm 11 cơ sở, cụ thể tại thành phố Hà Tĩnh có 4 trụ sở, huyện Cẩm Xuyên 2, huyện Nghi Xuân 1, huyện Vũ Quang 1, huyện Hương Sơn 1, huyện Đức Thọ 1, thị xã Kỳ Anh 1. Những cơ sở này được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao, cho thuê đất sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở làm việc và sử dụng mục đích thương mại dịch vụ (có danh mục cụ thể kèm theo).
Ngày 22 tháng 7 năm 2022 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản số 3956/UBND – TH1 gửi các sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Liên Đoàn lao động tỉnh về việc tham mưu phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có tên trên và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 05/8/2022.
Trên cơ sở đó, ngày 03/8/2022 Sở Tài chính đã tổ chức họp với các cơ quan như Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Liên Đoàn lao động tỉnh. Đến ngày 05/8/2022 Sở Tài chính đã gửi đến UBND tỉnh Hà Tĩnh văn bản số 3115/STC-GCS về việc tham mưu ý kiến về phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trên địa bàn Hà Tĩnh. Trên cơ sở kết quả thống nhất tại cuộc họp, Sở Tài chính báo cáo và đề nghị UBND tỉnh có văn bản trả lời Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam các nội dung.
Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh được chuyển về xây dựng ở địa điểm mới.
Đối với cơ sở nhà, đất Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh tại Km 510, QL1A, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh (cơ sở nhà, đất có thứ tự 07 tại văn bản số 4460/TLĐ – TC ngày 01/7/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) là trụ sở cũ của Trung tâm giới thiệu việc làm Công đoàn Hà Tĩnh (nay là Trường Cao đẳng công nghệ Hà Tĩnh), được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao đất mục đích “xây dựng trụ sở” theo quyết định số 2167/QĐ – UBND ngày 13/9/2006 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Giấy CNQSDĐ số AG 021003 ngày 13/9/2006 cho Trung tâm giới thiệu việc làm công đoàn Hà Tĩnh có diện tích đất là 833,20m2, hiện trạng sử dụng là toàn bộ diện tích được xây dựng làm nhà kho, phần diện tích là nhà làm việc cũ hiện “đang cho thuê”.
Hiện nay, trường đã được xây dựng trụ sở làm việc mới tại xóm Thanh Phú, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh. Sau khi soát xét, Liên đoàn lao động tỉnh và Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh thống nhất không còn nhu cầu sử dụng cơ sở nhà, đất này để tiếp tục làm trụ sở làm việc. Vì vậy, Sở Tài chính đã đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phương án xử lý đối với cơ sở nhà, đất này là “chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý”.
Đối với 10 cơ sở nhà, đất còn lại được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xin ý kiến đều được Liên đoàn Lao động tỉnh và các đơn vị trực thuộc quản lý , sử dụng mục đích hiệu quả. Vì vậy, Sở Tài chính đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh thống nhất với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phương án xử lý đối với 10 cơ sở nhà đất này là “giữ lại tiếp tục sử dụng”.
Để có góc nhìn khách quan trong việc sử dụng đất công được nhà nước giao, trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Trọng Tấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho biết: “Địa điểm khu vực đất cũ của nhà trường được giao xây dựng trụ sở tại Km 510, QL1A, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh. Khu vực đất này khi nhà trường chuyển về trụ sở mới thì trường không có nhu cầu sử dụng”.
Cũng theo thầy Nguyễn Trọng Tấn, vì nhà trường không có nhu cầu sử dụng nữa thế nên vào năm 2016 nhà trường đã có hợp đồng hợp tác, phối hợp với đơn vị Nhà hàng gà tắc công đoàn của Công ty TNHH khách sạn du lịch công đoàn Thiên Cầm làm nơi kinh doanh buôn bán nhà hàng ăn uống. Tại địa điểm cũ này của nhà trường đã có mặt bằng và cơ sở vật chất nên đơn vị phối hợp có chuyển cho nhà trường mỗi tháng 13 triệu đồng, số tiền này dùng để chi vào các hoạt động khác và chi thường xuyên của nhà trường.
Trong quá trình trao đổi thông tin, vị hiệu trưởng này thừa nhận hợp đồng hợp tác cho thuê đất này là sai nguyên tắc vì để kết hợp, làm hợp đồng hợp tác thì phải thực hiện đúng các quy trình, đúng quy định pháp luật. Nhà trường phải lập đề án để xin UBND tỉnh cho phép cho thuê mặt bằng được giao hoặc phối hợp kinh doanh.
Để hiểu rõ hơn về quy trình và tiến độ để lập dự án, thầy Nguyễn Trọng Tấn giải thích thêm: “Vì việc lập và làm xong đề án rất mất thời gian, thậm chí phải đợi đến tầm 3 hoặc 4 năm chưa chắc đã hoàn thiện, đưa vào hoạt động được. Và gần đây các cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành kiểm tra địa điểm nêu trên. Sau khi hiểu rõ, đồng tình các quan điểm của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hà Tĩnh, nhà trường cũng thống nhất trả đất về cho UBND tỉnh Hà Tĩnh quản lý, nên mong được thông cảm”.