Người dân ngóng chờ một quyết định đúng đắn, sáng suốt từ ông Chủ tịch sau chuyến thị sát thực tế này tại trang trại lợn Khánh Giang. Ảnh: Văn Hùng.
Chủ tịch tỉnh hỏi trách nhiệm của chính quyền Đức Thọ ở đâu?
Sáng 16/8, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng giám đốc các Sở chuyên ngành đã đến kiếm tra trang trại chăn nuôi lợn trái phép tại thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Tại đây, Chủ tịch Hà Tĩnh đã trực tiếp kiểm tra các vị trí chuồng trại có lợn, các khu chuồng mới xây, khu xử lý chất thải và nơi xả thải gây ô nhiễm môi trường trong trang trại lợn trái phép của Công ty TNHH Khánh Giang.
Thấy có một số xe ô tô đi vào trang trại nên người dân đã kéo đến và cùng đi vào khu trang trại. Khi biết đó là Chủ tịch UBND tỉnh, người dân tha thiết mong Chủ tịch tỉnh sẽ thấu hiểu cho nỗi khổ của người dân để quyết định sáng suốt, đúng đắn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã mang toàn bộ những gì chứng kiến, những gì mắt thấy tai nghe vào ngay Hội trường UBND xã An Dũng để thống nhất với các Sở, ngành, UBND huyện Đức Thọ, xã An Dũng để đi đến một quyết định mà cả vạn người dân đang trông ngóng.
Mặc dù UBND huyện có chuẩn bị một bản báo cáo dài 4 trang nhưng Chủ tịch Võ Trọng Hải yêu cầu không đọc mà yêu cầu trả lời một số câu hỏi.
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Doanh nghiệp Khánh Giang chưa có giấy phép chăn nuôi lợn, đưa cả ngàn con lợn vào nuôi trong vùng quy hoạch chăn nuôi bò, doanh nghiệp tiến hành xây dựng chuồng trại, nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, dân chúng kêu, báo chí lên tiếng như thế. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện đâu?
Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Quang Tuấn: Ngày 27/7, UBND huyện đã lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp trong 10 ngày phải di dời hết số lợn 1.646 con nhưng doanh nghiệp không thực hiện. Ngày 9/8, UBND huyện họp với các sở ngành, doanh nghiệp và địa phương đi đến kết luận là doanh nghiệp đã sai phạm và yêu cầu đến ngày 20/8 phải di dời 500 con lợn, số còn lại nếu thỏa thuận được với người dân thì di dời trước 30/9, bằng không thì phải chuyển đi hết trước 20/8.
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Đề nghị đồng chí Bí thư Đảng ủy xã An Dũng cho biết, doanh nghiệp vào xây dựng chuồng nuôi như thế xã có biết không? Có ai bật đèn xanh không? Doanh nghiệp xây dựng cả công trình bao gồm mấy dãy chuồng trại như thế trong vườn nhà anh mà anh không biết là sao?
Bí thư Đảng ủy xã An Dũng: Lãnh đạo xã rất khó để vào trang trại. Khi thì doanh nghiệp nói đang dịch tai xanh, đang dịch tả lợn châu Phi nên không cho ai vào kiểm tra cả.
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Để xây mấy chuồng chăn nuôi lợn như thế, xe chở vật liệu xây dựng vào thì phải biết chứ?
Bí thư Đảng ủy: Dạ, xã có nhắc nhở!
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Đồng chí Chủ tịch UBND xã đâu? Doanh nghiệp chở lợn về nuôi xã biết không? Doanh nghiệp chở vật liệu vào trang trại xây dựng chuồng trại như thế, xã không biết đúng không?
Bà Bùi Thị Bảy, Chủ tịch UBND xã An Dũng: Dạ, cuối tháng 6 xã mới biết! Sau đó xã có kiểm tra 3 lần và có lập biên bản.
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Thôi, tôi hiểu rồi. Trưởng phòng TN-MT huyện Đức Thọ có mặt đây không? Đồng chí làm trưởng phòng từ khi nào? Có về kiểm tra trại lợn trái phép này không? Doanh nghiệp nuôi lợn ở đấy, đồng chí biết không?
Chủ tịch tỉnh hỏi trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện ở đâu trong việc doanh nghiệp Khánh Giang chưa có giấy phép chăn nuôi lợn, tiến hành xây dựng chuồng trại, gây ô nhiễm môi trường, dân chúng kêu, báo chí lên tiếng như thế?. Ảnh: Văn Hùng.
Trưởng phòng TN - MT Đức Thọ: Dạ, em làm trưởng phòng từ tháng 4/2019. Sự việc ở trang trại này thì đầu tháng 7/2021 mới biết.
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Đồng chí có vào trong trang trại để kiểm tra không?
Trưởng phòng TN - MT: Dạ, chưa vào kiểm tra.
Từ bàn chủ trì, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nói, Trưởng phòng TN - MT không vào trang trại kiểm tra thì sẽ tham mưu giúp việc gì cho Ủy ban. Sự việc xảy ra lâu như thế rồi mà mãi đầu tháng 7 mới biết, không vào kiểm tra nhưng cũng không lắng nghe ý kiến của nhân dân. Trong khi báo chí nêu lâu rồi. May hôm nay có Chủ tịch tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh vào kiểm tra thì ông mới chứng kiến hết nội tình.
Đúng là may thật. May là hôm nay Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc các sở chuyên ngành bao gồm: Nông nghiệp và PTNT; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng đã vào tận trang trại để chứng kiến thực hư. Dĩ nhiên là có cả ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ nữa.
Tiếp đó, Chủ tịch Võ Trọng Hải yêu cầu Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ trả lời câu hỏi, để xảy ra sự việc như thế, ô nhiễm như thế, dân kêu như thế, ông xử lý thế nào?
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện: Dạ, báo cáo Chủ tịch, ngày 27/7, UBND huyện đã lập biên bản và yêu cầu 10 ngày doanh nghiệp phải di dời lợn.
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Rồi, cái đó biết rồi. Chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn phát triển, đặc biệt là bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành thì chúng ta càng phải chia sẻ với doanh nghiệp nhưng không phải doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Hàng năm tỉnh dành cả trăm tỷ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhưng tinh thần là không để doanh nghiệp lợi dụng. Trách nhiệm của chúng ta là không để cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật.
Doanh nghiệp chở lợn vào nuôi, chở vật liệu vào xây dựng mà chính quyền xã, chính quyền huyện không biết thì trách nhiệm quản lý Nhà nước ở Đức Thọ đâu? Các ông phải xem lại trách nhiệm của mình.
Doanh nghiệp dựa vào ĐTM dự án nuôi bò để nuôi lợn
"Thôi, không hỏi địa phương nữa, xin hỏi chủ doanh nghiệp, việc nuôi lợn như thế đã thấy sai chưa? Để xảy ra ô nhiễm môi trường như thế, nhận thức của doanh nghiệp như nào?", Chủ tịch Võ Trọng Hải hướng mắt về phía doanh nghiệp.
Ông Đậu Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Giang: Dạ báo cáo Chủ tịch, năm 2018, UBND tỉnh có văn bản đồng ý cho doanh nghiệp bổ sung vật nuôi là lợn trên diện tích 3ha trong khuôn viên 27ha. Sở NN - PTNT đã xác định tọa độ nuôi cho doanh nghiệp trong 3ha đó. Và hiện giờ, doanh nghiệp biết việc đưa lợn vào nuôi như thế là sai. Lúc đầu thì doanh nghiệp bị áp lực từ số lợn giống ở trang trại Thuận Lộc nên đã dựa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nuôi bò để nuôi lợn.
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Doanh nghiệp xây chuồng trại nuôi lợn như thế có báo cáo chính quyền không?
Chủ doanh nghiệp Đậu Tiến Sỹ: Năm 2015, UBND tỉnh đồng ý giảm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp rồi.
Sau khi kiểm tra thực tế và nghe ý kiến của các ngành, ông Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đình chỉ hoạt động trang trại chăn nuôi lợn trái phép Khánh Giang và yêu cầu các ngành, huyện không đề xuất cấp giấy phép chăn nuôi lợn tại vị trí này. Ảnh: Văn Hùng
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Doanh nghiệp nhận thức như thế thì bảo sao làm ăn không vi phạm. Thứ nhất là tỉnh cho giảm thủ tục hành chính là một số nội dung trong dự án chăn nuôi bò sữa chứ có phải của nuôi lợn đâu. Chăn nuôi thì cái đánh giá tác động môi trường là rất quan trọng, ở đây doanh nghiệp lại dựa vào ĐTM (đánh giá tác động môi trường) của vật nuôi này sang cho vật nuôi khác. Việc doanh nghiệp tự ý xây chuồng trại mà không báo cáo chính quyền là sai.
Chủ doanh nghiệp Đậu Tiến Sỹ: Dạ, vấn đề môi trường bây giờ như thế nào thì doanh nghiệp chịu nhận xử lý như thế.
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Qua kiểm tra, chúng tôi khẳng định vấn đề giải quyết môi trường chăn nuôi của trang trại làm rất kém. Trang trại được cấp phép nuôi 500 con bò sữa mà tiến hành nuôi cả ngàn con lợn là sai rồi. Đề nghị Giám đốc Sở TN - MT nêu ý kiến.
Ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở TN - MT cho biết, một là chủ doanh nghiệp nhận thức chưa thấu đáo, hai là cố tình làm sai. Tỉnh có đồng ý bổ sung đối tượng vật nuôi là lợn trong trang trại nuôi bò là mới ở chủ trương. Việc doanh nghiệp phải làm là lập đề án, dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các ngành cho ý kiến, Sở KH - ĐT trình Chủ tịch UBND tỉnh và phải được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh, bổ sung Giấy chứng nhận đầu tư. Chứ có phải mới cho chủ trương là về làm luôn. Đặc biệt, các chuồng trại nuôi lợn doanh nghiệp đã và đang xây dựng không nằm đúng tọa độ mà Sở NN - PTNT đã trình Ủy bản.
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Vậy xử lý thế nào?
Ông Hồ Huy Thành: Hiện Sở TN - MT đang hoàn thiện thủ tục để xử phạt vi phạm 7 lỗi của doanh nghiệp. Ngoài ra đang chờ kết quả xét nghiệm nguồn nước. Vi phạm nhất là doanh nghiệp vận hành không đúng với quy định ngay cả ĐTM nuôi bò sữa và chất thải xả trực tiếp ra môi trường, gây nhiều hệ lụy. Doanh nghiệp coi thường môi trường sống quá. Vì thế đề nghị Chủ tịch tỉnh đình chỉ hoạt động trang trại này.
Chủ tịch Võ Trọng Hải: Không chỉ có đình chỉ, xử phạt. Tôi giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp các ngành trên cơ sở các vi phạm của doanh nghiệp để xử lý nghiêm minh. Vượt các mức thì chuyển sang công an điều tra, xử lý đúng pháp luật. Việc này báo cáo tôi trước 30/8.
Tiếp đến Giám đốc các Sở NN- PTNT; Xây dựng và Kế hoạch đầu tư đều lên tiếng chỉ ra các vi phạm của doanh nghiệp Khánh Giang. Các Sở đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh đình chỉ ngay hoạt động của trang trại này. Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh, tỉnh cho nuôi bò là nuôi bò. Sai thì cưỡng chế, đình chỉ. Giám đốc Sở KH - ĐT viện dẫn khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư để đề nghị Chủ tịch đình chỉ ngay trang trại này.
Sau khi nghe ý kiến lãnh đạo địa phương và các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị đại diện người dân phát biểu. Trong hội trường thấy ông Nguyễn Hữu Thọ, đại biểu HĐND xã, Trưởng thôn Ngoại Xuân đứng dậy phát biểu.
“Trưởng thôn xin phép Chủ tịch tỉnh được nói thật”, ông Thọ mở đầu phát biểu.
Từ bàn chủ trì, ông Võ Trọng Hải cười và nói, tôi mời đồng chí phát biểu thì muốn nghe những lời thật.
Trưởng thôn Nguyễn Hữu Thọ: Báo cáo với Chủ tịch, dân chúng tôi khổ lắm rồi. Thôn đã có văn bản, Chi bộ họp có kiến nghị lên cấp trên rồi. Doanh nghiệp chở lợn vào nuôi, doanh nghiệp chở vật liệu vào xây dựng, dân chúng tôi biết hết. Đến khi mùi hôi thối nồng nặc thì dân chúng kêu gào. Người dân cử đại diện làm đơn cầu cứu gửi đến các cấp lãnh đạo nhưng mãi không được xem xét thấu đáo.
Cuộc đối thoại hôm kia giữa người dân và doanh nghiệp bất thành. Nhân đây, tôi đại diện nhân dân xin hỏi ông Chủ tịch UBND tỉnh một câu rằng, chủ doanh nghiệp Khánh Giang có người chống lưng phải không?
Ông Võ Trọng Hải không trả lời câu hỏi của trưởng thôn nhưng ông Hải cảm ơn những phát biểu thẳng thắn của ông Thọ. Chủ tịch Hải khẳng định sẽ xem xét và xử lý nghiêm khắc vấn đề này. “Người dân đã nhường đất sản xuất cho doanh nghiệp rồi thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người dân chứ”, ông Hải nhìn về phía ông Sỹ và nói.
Chủ tịch tỉnh giao hạn chót đến 18 giờ ngày 20/8, Chủ tịch UBND huyện phải báo cáo, lợn đã được chuyển đi hết. Đến hạn, doanh nghiệp không di dời hết lợn, Chủ tịch tỉnh sẽ kỷ luật Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND xã. Ảnh: Văn Hùng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn được Chủ tịch Võ Trọng Hải đề nghị phát biểu trước khi ông kết luận. Ông Sơn cho biết, trang trại chăn nuôi bò sữa ngay từ đầu cũng làm ăn được, cũng mua ngô cho người dân xung quanh đây. Nhưng sau đó bò sữa gặp khó. Doanh nghiệp có trại lợn nái 1.200 con ở Thị xã Hồng Lĩnh với sức sinh sản như thế mà không có thương hiệu thì tiêu thụ sẽ rất khó khăn.
Với cách kinh doanh như vậy của Công ty Khánh Giang là không ổn. Quy hoạch chăn nuôi là có tiêu chí và phải có ĐTM. Nếu không phanh lại thì không biết các chuồng mới xây sẽ chăn nuôi bao nhiêu con. Vì thế đề nghị Chủ tịch cho đình chỉ và xử lý nghiêm. Doanh nghiệp phải di dời lợn ngay nếu không sai lầm này nối tiếp sai lầm khác. Qua đây, đề nghị Chủ tịch cho kiểm tra toàn bộ quy trình hành chính của trang trại này để rút ra bài học.
Sẽ không cấp phép nuôi lợn tại vị trí này
Trước khi kết luận, ông Võ Trọng Hải chia sẻ, vấn đề này đang được dư luận quan tâm, nhân dân đang hướng vào chúng ta - những người ngồi đây phải có trách nhiệm để giải quyết vấn đề này một cách đúng đắn. Tối qua, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy nói với tôi cũng muốn đi kiểm tra thực tế xem thực hư thế nào.
Tôi có trao đổi lại là để Chủ tịch đi và sẽ chịu trách nhiệm trước Bí thư về kết quả xử lý. Tôi chia sẻ với các đồng chí điều này để thấy các lãnh đạo cao nhất của tỉnh đang rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm tại trại lợn Khánh Giang.
Về một số vấn đề hôm nay làm việc, UBND tỉnh kết luận như sau: Đình chỉ hoạt động trang trại nuôi lợn trái phép của Công ty TNHH Khánh Giang tại xã An Dũng và yêu cầu các ngành không đề xuất cấp phép chăn nuôi lợn tại vị trí này. Chủ tịch UBND tỉnh phê bình nghiêm khắc từ Trưởng thôn đến Chủ tịch UBND xã An Dũng và Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ vì thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước yếu kém.
Qua làm việc hôm nay thì thấy cán bộ chuyên môn không kiểm tra thực tế, chỉ kiểm tra trên giấy tờ, rất thiếu trách nhiệm. Yêu cầu ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh kiểm tra toàn bộ vấn đề chăn nuôi trên địa bàn, nơi nào để xảy ra ô nhiễm là đình chỉ ngay.
Giao Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ giám sát việc di dời số lợn ra khỏi trang trại. Hạn chót đến 18 giờ ngày 20/8, Chủ tịch UBND huyện phải báo cáo với Chủ tỉnh tỉnh, lợn đã được chuyển đi hết. Đến hạn, doanh nghiệp không di dời hết lợn, tôi sẽ kỷ luật Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND xã. Đồng thời giám sát việc khắc phục, trả lại môi trường trong sạch. Việc đó doanh nghiệp làm không đến nơi đến chốn thì cứ đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xử lý.
Ngay sau khi biết được kết luận trên của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, nhân dân các xã vùng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường của Công ty Khánh Giang rất phấn khởi và tin tưởng vào các chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm và đúng đắn của Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo Nongnghiep.vn
Link gốc: https://nongnghiep.vn/chu-tinh-ha-tinh-phe-binh-gay-gat-can-bo-dinh-chi-trai-lon-trai-phep-d300145.html cùng giám đốc các Sở chuyên ngành đã đến kiếm tra trang trại chăn nuôi lợn trái phép tại thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.