Năm 2016, Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) và Tập đoàn Hoành Sơn đã ký hợp đồng hợp tác số 18, với nội dung đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác khu "đất vàng" hơn 6,2ha tại số 231 đường Nguyễn Trãi – Hà Nội, nhằm tiến hành xây dựng và phát triển "Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn", nhưng đến nay dự án vẫn chỉ bãi đất trống.
"Đất vàng" 231 Nguyễn Trãi vào "tay" ông chủ Hoành Sơn?
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, 10 năm trước, Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) là một cái tên rất "hót" và là "tâm điểm" của giới đầu tư bất động sản khi sở hữu khu "đất vàng" 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội.
Từ năm 2010, khi TP Hà Nội có chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô thành phố, SRC đã lọt vào mắt xanh của hàng loạt các đại gia bất động sản, khi công bố kế hoạch xây dựng một khu tổ hợp thương mại cao cấp trên khu đất 6,3ha, mặt tiền 250 tại số 231 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Khu vực số 231 đường Nguyễn Trãi – Hà Nội.
Trải qua 6 năm tìm kiếm, cuối cùng SRC đã ký hợp đồng đầu tư dự án với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn. Đáng chú ý, lúc bấy giờ Tập đoàn Hoành Sơn là cái tên khá non trẻ trên thị trường bất động sản.
Việc hợp tác này được bắt đầu từ tháng 6/2016, giữa SRC và Tập đoàn Hoành Sơn đã ký hợp đồng hợp tác số 18, với nội dung đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác khu "đất vàng" hơn 6,2ha tại số 231 đường Nguyễn Trãi, nhằm tiến hành xây dựng và phát triển "Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn", bao gồm các chức năng văn phòng, thương mại và nhà ở cao cấp để bán, cho thuê.
Đồng thời, hai bên thành lập công ty triển khai dự án là Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, trong đó Hoành Sơn góp 74%, SRC góp 26% bằng nguồn vốn vay của chính tập đoàn Hoành Sơn.
Theo thỏa thuận, Tập đoàn Hoành Sơn cho SRC vay 26 tỷ đồng với lãi suất là 0% trong vòng 36 tháng để góp vốn vào công ty dự án. Hết thời hạn vay vốn, SRC sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty dự án cho Tập đoàn Hoành Sơn, theo quy định của pháp luật về chuyển nhượng vốn tại thời điểm chuyển nhượng.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoành Sơn sẽ hỗ trợ kinh phí để SRC di dời nhà máy trên khu "đất vàng"231 Nguyễn Trãi về khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, Hà Nam. Tổng kinh phí hỗ trợ là 435 tỷ đồng chưa bao gồm các loại thuế, chia thành 4 lần chuyển tiền, được thực hiện trong thời gian từ 2016 đến 2018.
Đặc biệt ở chỗ, với mức giá hỗ trợ 435 tỷ đồng, tương ứng số tiền Hoành Sơn trả cho SRC để có quyền thực hiện dự án là gần 7 triệu đồng/m2, đã thấp hơn 40% so với đề xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Hưng đưa ra vào năm 2012. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về vấn đề thất thoát tài sản của các cổ đông SRC gây thiệt hại cho Nhà nước lúc bấy giờ.
Để chuẩn bị cho việc di dời nhà máy, tháng 7/2016, SRC ký hợp đồng thuê đất với Công ty TNHH MTV VPID Hà Nam, để thuê lại quyền sử dụng đất gắn với cơ sở hạ tầng tại lô E, khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, Hà Nam trong thời hạn 40 năm. Được biết, giá thuê SRC bỏ ra là hơn 815.000 đồng/m2 chưa bao gồm thuế GTGT, tương đương tổng số tiền là hơn 170 tỷ đồng.
Sau 4 năm ròng rã trôi qua, đến năm 2020, Bộ máy cơ cấu tổ chức tại SRC đã có nhiều sự đổi chóng mặt về cơ cấu cổ đông, người lãnh đạo và các nhân sự chủ chốt.
Dù đã quá thời hạn 2 năm Hoành Sơn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, hỗ trợ kinh phí để SRC di dời nhà máy trên khu "đất vàng".
Đáng chú ý, dù đã quá thời hạn 2 năm Tập đoàn Hoành Sơn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, hỗ trợ kinh phí để SRC di dời nhà máy trên khu "đất vàng" 231 Nguyễn Trãi về khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, Hà Nam với số tiền là 435 tỷ đồng, nhưng Hoành Sơn mới chỉ hỗ trợ được 143,5 tỷ đồng, tương đương 33% tổng kế hoạch.
Đáng nói hơn là đến thời điểm này, khu đất tại khu công nghiệp Châu Sơn, thành Phủ Lý vẫn chưa thấy "hình hài" Nhà máy SRC ở đâu? Trong khi đó, dự án tại khu "đất vàng" số 231 Nguyễn Trãi – Hà Nội vẫn chỉ là bãi đất trống được quây kín những tấm tôn xung quanh. Việc này, có nguy cơ gây ra lãng phí tài sản, thất thoát tài sản của Nhà nước và cổ đông.
Chiếm lĩnh "ghế nóng"?
Một vấn đề khác khiến cho giới đầu tư bất động sản và dư luận bức xúc chính là việc, dù Hoành Sơn chưa hoàn thành việc hỗ trợ 435 tỷ đồng cho SRC. Thế nhưng, nhóm cổ đông liên quan tới Hoành Sơn lại tiếp tục "thâu tóm" được gần 6,9 triệu cổ phần SRC.
Quá trình "thâu tóm" 6,9 triệu cổ phần này được diễn ra tại thời điểm Tập đoàn Công nghiệp Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) cổ phần hoá đã cắt giảm tỷ lệ nắm giữ tại SRC, theo chủ trương thoái vốn nhà nước của Chính phủ, đã thoái vốn 15% cổ phần đang sở hữu, giảm từ 51% xuống còn 36%, đồng nghĩa với việc từ bỏ "quyền sinh, quyền sát" tại SRC.
Đặc biệt, chỉ một thời gian sau đó, chính ông Phạm Hoành Sơn, người sáng lập tập đoàn Hoành Sơn đã "thâu tóm" cổ phần tại SRV lại được bổ nhiệm ngồi "ghế nóng" giữ vị trí Chủ tịch HĐQT SRV từ cuối năm 2019.
Trong một diễn biến gần đây, Tập đoàn Hoành Sơn đã phát đi thông báo chính thức mua xong gần 6,9 triệu cổ phần SRC, qua đó trở thành cổ đông lớn nắm giữ 24,5% vốn điều lệ tại SRC.
Như vậy, có thể thấy, Tập đoàn Hoành Sơn đã phần nào "thâu tóm" thành công SRC (tất nhiên trong đó có khu đất vàng 231 Nguyễn Trãi), khi có quân bài là Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn trong ban lãnh đạo.
Quá trình "thâu tóm" SRV diễn ra vội vàng, nhanh chóng, trái ngược với đó lại là tiến độ của dự án "Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn", dường như vẫn giậm chân tại chỗ chỉ là bãi đất trống.
Sự chậm chễ, ì ạch này có thể phản ánh qua khoản hỗ trợ kinh phí di dời nhà máy SRC, sau khi vượt quá thời hạn thỏa thuận 2 năm, Hoành Sơn mới chỉ "giải ngân" được 143,5 tỷ đồng, tương đương 33% tổng kế hoạch.
Trong báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy, dự án đã bị SRC "đóng dấu niêm phong", thông qua nghị quyết số 114 được HĐQT ban hành ngày 15/6/2020, với nội dung thật sự bất ngờ: Dừng triển khai thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án di dời và sản xuất lốp radial, do không còn phù hợp với điều kiện hiện tại.
Như vậy, việc SRC quyết định dừng việc triển khai thực hiện dự án di dời nhà máy tại số 231 Nguyễn Trãi, đồng nghĩa với việc "Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn" cũng "đóng băng".
Trong khi đó, phần vốn Nhà nước rơi vào tay "Hoành Sơn", có nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước từ việc cổ phần hoá thoái vốn ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm, và ai là người được hưởng lại khi ông chủ của Hoành Sơn ngồi "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT SRC.