Nhờ trồng rừng cuộc sống của bà con đã nhiều đổi thay. Khi Nhà nước chủ trương mở đường, làm hầm đèo Ngang, nhiều hộ dân đã vui vẻ hiến hàng ngàn mét vuông đất rừng của mình mà không đòi hỏi đền bù… Song gần đây, nhiều người dân ở Kỳ Nam kêu cứu khi đất trồng rừng của họ hàng chục năm qua bị xã thu dần để giao cho những hộ khác, nơi khác đến.
Tìm hiểu thực tế tại địa phương xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh chúng tôi được biết, thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Hà Tĩnh, năm 1993, huyện Kỳ Anh (nay thị xã Kỳ Anh) đã quyết định giao đất cho 125 hộ gia đình ở xã Kỳ Nam để trồng rừng (ngày 20-3-1993). Các hộ dân được giao đất từ Cồn Cháng đến Mũi Đọc dọc tuyến đến đèo Ngang. Đồng thời với việc giao đất, các hộ dân được cấp sổ lâm bạ và diện tích cụ thể.
Anh Võ Văn Lin bên cạnh đất rừng được cấp cho gia đình từ năm 1993, gia đình đã trồng keo, tràm, bạch đàn để giữ rừng và mưu sinh. |
Sau khi được giao đất, một số hộ gia đình trồng rừng không hiệu quả, và dự án trồng rừng kết thúc nên nhiều hộ dân phải chấm dứt trồng rừng theo dự án, chính quyền địa phương thu lại sổ lâm bạ. Còn 30 hộ dân còn lại được tiếp tục đầu tư để trồng rừng với lời hứa của địa phương sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng. Nhiều hộ gia đình nơi đây đã vay mượn để trồng hàng chục hecta rừng.
Chờ đợi hàng chục năm vẫn không được cấp giấy chứng nhận đất rừng nên không thể cầm cố, vay mượn để đầu tư vào rừng, có hộ đã phải bán cả nhà đang ở để có vốn liếng giữ rừng và chờ đợi trong hy vọng. Cũng nhờ công sức của người dân nơi đây, nên hàng trăm hecta đất trống đồi núi trọc dưới chân đèo Ngang đã được phủ xanh…
Cầm tập giấy tờ liên quan đến đất rừng, anh Võ Xuân Lin rơi nước mắt nói. Năm 1993, ông Võ Văn Vĩnh (cha anh Lin) được huyện Kỳ Anh cấp 3ha đất có sổ lâm bạ. Vợ chồng ông Vĩnh dồn sức người, bán hết tài sản gia đình để đầu tư trồng rừng. Từ một vùng đất khô cằn sỏi đá, nhờ bàn tay lao động cần cù, chỉ mấy năm sau 3ha đất của vợ chồng ông Vĩnh cây rừng đã mọc lên xanh tốt.
Năm 2003, Nhà nước chủ trương mở đường và làm hầm đèo Ngang đi qua mảnh đất rừng của gia đình, vợ chồng ông Vĩnh vui vẻ hiến hàng ngàn mét vuông đất không mảy may nhận đền bù. Số đất còn lại ông bà lại cày cuốc vun trồng để rừng ngày một xanh tốt. Nhiều lần ông Vĩnh làm đơn xin cấp đất rừng theo đúng về Luật Đất đai nhưng chưa được giải quyết thì ông Vĩnh qua đời. Tất cả giấy tờ ông để lại cho con.
Theo tâm nguyện của cha, nên anh Võ Xuân Lin cầm giấy tờ lên UBND xã Kỳ Nam xin xác nhận để đi làm giấy tờ bảo vệ khu vực rừng trồng của mình. Nhưng anh thất vọng khi nhận được trả lời bất ngờ của lãnh đạo xã Kỳ Nam “ông Võ Xuân Lin chưa thuộc thẩm quyền để kiến nghị, hồ sơ lâm bạ mang tên ông Võ Văn Vĩnh…”. Mặc dù cuộc sống còn rất nhiều vất vả, nhưng nhiều năm anh Lin và bà con nhận rừng ở Kỳ Nam vẫn luôn cố gắng trồng để phát triển rừng.
Đồng thời, mấy năm qua, anh Lin và một số hộ dân ở xã Kỳ Nam gõ cửa nhiều đơn vị chức năng thị xã Kỳ Anh xin cấp giấy chứng nhận đất rừng nhưng đều được hướng dẫn về giải quyết từ cơ sở là xã Kỳ Nam. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại cắt đất của một số hộ dân có đất rừng trồng từ năm 1993 đến nay để giao bán cho một số cá nhân từ nơi khác để làm nhà, kinh doanh…
Đề nghị thị xã Kỳ Anh cùng các sở, ngành liên quan ở Hà Tĩnh vào cuộc làm rõ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những hộ dân đã gắn bó cả đời mình để trồng rừng dưới chân đèo Ngang.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn