Bộ trưởng Công Thương: Đúng là giá điện hiện nay chỉ tăng, không giảm

Thứ hai - 07/09/2020 13:09
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận thực tế hiện nay "giá điện chỉ có tăng chứ không có giảm" và cam kết đến năm 2024 giá điện có tăng, có giảm.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội sáng nay (7/9) tổ chức phiên giải trình thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Tại sao giá điện chỉ có tăng, không có giảm?

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Công Thương về giá điện. "Chủ trương của Đảng vận hành kinh tế thị trường, kể cả điện đầu vào, và giá bán nhưng thực tế hiện nay giá điện chưa bám sát kinh tế thị trường, giảm động lực phát triển của điện năng?", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hỏi.
 
20200907028
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm cũng đặt vấn đề về thông tin từ 2011 đến nay đã có 9 lần điều chỉnh giá điện nhưng "chỉ tăng chưa bao giờ giảm" và chỉ có thời gian dịch Covid-19 mới có giảm.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Như đề án Thủ tướng phê duyệt năm 2011 có 3 cấp độ: đầu tiên là thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu thực hiện 2011, 2012 và đến nay đã hoàn chỉnh như báo cáo với Quốc hội, đã có hơn 94 nhà máy điện tham gia vào thị trường điện cạnh tranh.

Cấp độ hai, thị trường bán buôn điện cạnh tranh được triển khai từ 2018, 2019 đã có thị trường này và chúng ta đã tiến hành bán điện cạnh tranh với các tổng công ty lớn ngoài EVN tham gia trực tiếp.

Cấp độ ba, bán lẻ giá điện cạnh tranh dự kiến 2024, sau khi có tổng kết thí điểm từ 2021 - 2024 để đảm bảo ổn định và tính khả thi, hiệu quả của mô hình này để đến lúc đó thật sự có cơ chế thị trường.
 
20200907029
Phiên giải trình phát triển điện lực.

"Điều đó có nghĩa là người sử dụng điện cho dù là sản xuất hay  sinh hoạt đều trực tiếp ký hợp đồng với phân phối bán điện giá rẻ. Cơ chế điện này có tăng, có giảm theo đúng kinh tê thị trường, cơ cấu giá đầu vào của giá thành sản xuất điện", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích.

Theo Bộ trưởng, đến khi đó, Nhà nước chỉ quản lý  phí của hệ thống truyền tải và phân phối. Còn lại cơ chế, cơ cấu giá thành sản xuất là quyết định giá bán lẻ.

"Vì vậy, có thể khẳng định đến 2024 thực tế mới là thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Còn hiện nay chưa làm điều đó", Bộ trưởng khẳng định.

Ông Trần Tuấn Anh giải thích thêm, hiện nay, Luật Giá quy định, có cơ chế giá của các khu vực chênh lệch, có biểu giá bán lẻ điện trong khung 5 năm ổn định, trong đó có cả điện sinh hoạt, điện sản xuất và điện kinh doanh.

Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, mặc dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá thì vai trò của Nhà nước phải điều tiết giá, có cả những vấn đề hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo. Chính vì vậy, quá trình vừa qua là phải đảm bảo theo chỉ đạo của Chính phủ.

"Tuy nhiên, đúng như đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu, thời gian qua “giá điện chỉ có tăng chứ không có giảm” vì trên thực tế những yếu tố trong thời gian từ 2011-2020, khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh chưa có cơ hội để cân đối và đảm bảo giá thành giá điện sản xuất của EVN và các DN đầu tư", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Chúng tôi thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện

Tư lệnh ngành Công Thương nhìn nhận, trên thực tế người tiêu dùng và người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giá giảm.
 
20200907030
 Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Bởi các khâu đầu vào của giá điện cũng như các chi phí chung chưa giảm, trong thời gian qua khi có dấu hiệu giảm của đầu vào như giá khí, giá than, chúng ta có điểu chỉnh một bước giảm giá điện trong 10% và cũng là yếu tố để giảm giá điện trong thời điểm dịch Covid-19.

Bộ trưởng Công Thương cho biết, nhân ý kiến của đại biểu Hoàng Quang Hàm, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng giá bán lẻ điện. Chính vì vậy, thời gian vừa qua đã đưa ra xin ý kiến của dư luận về giá điện bán lẻ theo bậc thang, cũng như giá bán lẻ điện một giá.

"Sau khi có ý kiến đánh giá và ý kiến của dư luận, nhân dân, chúng tôi biết rằng còn nhiều tồn tại, giá điện bậc thang và giá điện một giá cũng không đảm bảo đa mục tiêu của chúng ta vừa hỗ trợ người dân, vừa đảm bảo mục tiêu sản xuất nhưng đồng thời đảm bảo sử dụng tiết kiệm điện. Vậy chúng tôi đã chủ động rút lại giá điện một giá để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trên thực tế đã có những văn bản hướng dẫn rất rõ về giá điện phải được điều chỉnh, vận hành trên nguyên tắc cơ bản của thị trường, trong đó có cơ cấu yếu tố đầu vào của các nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện.

"Tuy nhiên trong suốt thời gian từ 2010-2011, hồi đó tôi cũng chưa được tham gia quản lý về lĩnh vực này nhưng hầu như EVN trong quá trình sản xuất và phân phối điện của mình thì thường xuyên treo khoản nợ, những khoản chưa được tính toán, nhất là vấn đề tỉ giá", Bộ trưởng Công Thương nói.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, căn cứ trên yếu tố đầu vào, trong quá trình xây dựng giá bản lẻ điện đều đối chiếu thông tư hướng dẫn. Các báo cáo kinh doanh của EVN đều có kiểm toán hàng năm. Đặc biệt, cơ cấu giá thành sản xuất của giá điện đều được kiểm toán cũng như được các cơ quan chức năng thẩm định trước khi trình Thủ tướng...

"Chúng tôi thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện nhưng chúng tôi tin rằng trong thời gian tới đây, khi chúng ta hình thành thị trường điện cạnh tranh thì câu chuyện giá điện sẽ thực sự hoàn toàn minh bạch, công khai. Tôi tin rằng nguyên tắc của chúng ta lúc đó sẽ được đảm bảo các yếu tố của thị trường, giá điện có lên, có xuống và phù hợp với sự vận hành của thị trường", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời.
Thu Hằng
Theo vietnamnet.vn
 
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/bo-truong-cong-thuong-dung-la-gia-dien-hien-nay-chi-tang-chu-khong-giam-672018.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây