Ban Chỉ đạo 389 thông tin liên quan đến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều diễn biến phức tạp và gia tăng. Ảnh: Quốc Trần

 

Thông tin từ Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 - ông Đàm Thanh Thế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều diễn biến phức tạp và gia tăng. Đặc biệt là xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán tiền giả với số lượng lớn tại tuyến biên giới phía Bắc (tháng 4/2018, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng bắt 2 đối tượng chuyển gần 500 triệu đồng tiền giả vào Việt Nam).

Tuyến biên giới miền Trung, sau khi bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế đối với các khu kinh tế cửa khẩu thì tại Lao Bảo, Quảng Trị, Cầu Treo - Hà Tĩnh tình trạng buôn lậu thuốc lá, rượu ngoại, đường cát, mỹ phẩm... diễn ra hết sức phức tạp. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại tuyến biên giới Tây Nam bộ. Hoạt động buôn lậu gỗ diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh có đường biên giới giáp với Camphuchia và Lào.

Tại các cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, nhiều vụ vi phạm bị phát hiện có giá trị kinh tế cao như cất giấu vàng, động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, xì gà... đặc biệt là ma túy. Cục Hải quan TP HCM phát hiện 30 vụ, thu giữ 50kg chất ma túy các loại; Hải quan và CA TP Hà Nội phát hiện 26.860 viên ma túy tổng hợp.

Trong thị trường nội địa tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng hóa tiêu dùng diễn ra nhiều nơi. Các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... có chiều hướng gia tăng.

 

Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương thông tin về vụ việc siêu thị Con Cưng. Ảnh: Quốc Trần

 

Đại diện một số cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về vụ việc liên quan đến Hệ thống siêu thị Con Cưng được các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải có nhiều vi phạm nhưng đơn vị này lại treo thưởng 1 tỷ đồng cho ai phát hiện hàng giả tại siêu thị này? Ông Tín cho biết: “Sau khi báo chí đăng tải Cục đã có văn bản chỉ đạo cho toàn bộ các chi cục quản lý thị trường trên cả nước rà soát chuỗi siêu thị Con Cưng. Chúng tôi đã trực tiếp chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường TP HCM kiểm tra ngay trong ngày 21/7 tại các cửa hàng 833, 835 tại đường Hồng Bàng, Quận 6; số 424 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3.

Ngay sau đó đã phát hiện có 7 hành vi vi phạm tại chuỗi siêu thị Con Cưng bao gồm: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; Kinh doanh hàng hóa ghi nhãn sản xuất trong nước nhưng ngôn ngữ không phải bằng tiếng Việt; Kinh doanh hàng hóa sử dụng giấy dán mang nội dung đè lên nhãn gốc; Kinh doanh hàng hóa túi nilon đựng sữa công nghệ Đức nhưng không phải; Kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; Nhãn hàng hóa không ghi đầy đủ các nội dung quy định, bắt buộc; Tại thời điểm kiểm tra các cửa hàng thực hiện nhiều chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được giấy tờ. Các hành vi này đã được lập biên bản và sẽ tiếp tục điều tra làm rõ”.

Ông Tín cũng cho biết thêm: “Việc siêu thị Con Cưng treo thưởng 1 tỷ đồng cho ai phát hiện ra hàng giả là vấn đề kỳ này chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh làm rõ. Còn rõ ràng họ sai rồi, nếu xử lý hình sự sẽ làm quyết liệt. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với cơ quan Bộ Khoa học và Công nghệ để làm rõ các hành vi khác liên quan. Đồng thời, chúng tôi sẽ làm và làm triệt để hơn, ngoài Hà Nội và TP.HCM tới đây sẽ mở rộng kiểm tra nhiều địa phương khác”.

 

Đại tá Trần Văn Nam cho biết hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến phức tạp liên quan đến yếu tố nước ngoài. Ảnh: Quốc Trần

Một vấn đề cũng được các PV hết sức quan tâm tại buổi họp báo là việc chống buôn lậu trên biển. Đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng cục nghiệp vụ và pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) thông tin: Hoạt động buôn lậu trên biển đặc biệt là buôn lậu xăng dầu diễn biến phức tạp tại các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên... Phương thức thủ đoạn của những đối tượng buôn lậu là lợi dụng vào vùng biển giáp ranh, móc nối với các tàu của nước ngoài (Thái Lan, Malaysia, Singapore) để đưa tầu chở xăng dầu, hoặc dầu dôi dư của các tàu nước ngoài để mua bán, sang mạn, chuyển tải xăng dầu trên biển. Cá biệt có tàu quốc tịch nước ngoài tổ chức sang mạn trên vùng biển Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu gần 5 triệu lít dầu DO bán phát mại thu NSNN trên 57 tỷ đồng. Đại tá Trần Văn Nam cũng cho biết trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng trên biển của các nước bạn để xử lý tình trạng buôn lậu xăng dầu cũng như các loại hàng hóa khác.

Kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2018 đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 88.229 vụ; số thu nộp ngân sách nhà nước đạt 7.427 tỷ 727 triệu đồng. Số vụ khởi tố 887 vụ/ 889 đối tượng.