Hai, ba năm trở lại đây, thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, bà con bản Ngoại (xã Chiềng Cọ, TP Sơn La) đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc giống quýt bản địa "cha truyền con nối" đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng cây ngô, cây sắn.
Anh Thành cho biết, giống quýt bản địa sau khi cải tạo cho quả ngọt đậm, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng
Một trong những người đi tiên phong trong việc cải tạo giống quýt bản địa là anh Tòng Văn Thành, Bí thư chi bộ bản Ngoại. Dẫn chúng tôi đi dạo quanh khu vườn quýt xanh mơn mởn, sai trĩu quả anh Thành kể: Cây quýt này đã có mặt ở bản đây từ thời các ông, các cụ rồi, nhưng năng suất, sản lượng thấp do chưa chú trọng đến khâu thâm canh, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa cành.
Sau khi được quan tâm chăm sóc, vườn quýt của anh Thành phát triển xanh tốt, quả sai trĩu cành
Theo anh Thành, trước đây sản xuất tự cung tự cấp là chủ yếu nên gia đình để mặc cho vườn quýt phát triển tự nhiên, mẫu mã quả xấu, sản lượng thấp chỉ thu được vài tạ quả/100 cây. Với diện tích 2.000m2 đất trồng quýt, một năm gia đình anh Thành chỉ thu được từ 8 - 9 triệu đồng.
"Năm 2016, sau khi được cán bộ bên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cộng với những kiến thức học được trên sách báo, tôi đã mạnh dạn ứng dụng những kỹ thuật này vào chăm bẵm vườn quýt của mình. Kết quả khiến tôi thực sự bất ngờ, năng suất, sản lượng quýt tăng lên gấp đôi, mẫu mã quả rất đẹp. Năm 2017, vườn quýt cho thu được 2 tấn quả, với giá bán từ 25 – 30 nghìn/kg, nhà tôi thu được 60 triệu đồng" - anh Thành phấn khởi.
Gia đình anh Thành ăn nên, làm ra từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào cải tạo giống quýt lạ
Anh Thành tâm sự, trước kia ở bản Ngoại bà con đồng bào người Thái chỉ biết "làm bạn" với cây ngô, cây sắn… để phát triển kinh tế, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không đáng là bao. Hộ nào làm ngày làm đêm cũng chỉ đủ no cái bụng. Nhưng với cải tạo giống quýt bản địa đem lại thu nhập cao gấp 8, 9 lần, thậm chí có thời điểm cao gấp 10 lần so với trồng cây ngô, cây sắn.
Ngoài trồng quýt bản địa ra, anh Thành còn trồng thêm cây cam để tăng thu nhập cho gia đình
Nói về cách chăm sóc giống quýt địa phương, anh Thành chia sẻ: Cần cho cây ăn phân đầy đủ, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, cắt tỉa cành hợp lý. Để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, đồng thời nâng cao độ tươi xốp và màu mỡ cho đất, tôi dùng phân hữu cơ Organic nhập từ Nga; dùng phân chuồng ủ với vỏ cà phê để bón thúc. Ngoài ra, tôi có dùng thêm phân ADP, phân NPK. Sau khi thu quả xong, phải tỉa những cành già, chồi vượt để cây mọc mầm mới và hạn chế sâu bệnh...
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn