Cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang đặt bẫy ảnh săn ảnh thú quý hiếm. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Gian nan đường đi săn ảnh thú quý hiếm
Anh Thái Cảnh Toàn - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang cho hay, bẫy ảnh là một trong những giải pháp hiệu quả hỗ trợ công tác điều tra, giám sát các loài nguy cấp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với mục tiêu quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.
Cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang vượt suối băng rừng vào vùng lõi đặt bẫy ảnh. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Lỉnh kỉnh hành lý lên ca nô, nhổ neo, lướt sóng, chúng tôi ghé chân trạm Sao La nằm ngay bên bờ hồ. Trạm kiểm lâm Sao La mới chuyển từ Mạn Chạn (Kim Quang) vào đây được 3 năm. Đây là trạm khó khăn nhất của Vườn Quốc gia Vũ Quang. Đường rừng bị chia cắt, thuyền là phương tiện duy nhất đi tuần tra. Không điện, không sóng điện thoại, không phải ốc đảo mà khó khăn hơn ốc đảo.
Trạm trưởng Lê Xuân Hợp cầm chiếc điện thoại Nokia cũ vừa cười, vừa nói: “Cái cục gạch cổ lổ sĩ này, bùa hộ mệnh của trạm tôi đấy. Những lúc cần thông tin, chui lủi quanh núi, xem chỗ nào có tí sóng để a lô, nhưng chập chà chập chờn tiếng được tiếng mất”.
Sáng nay, trực trạm ngoài anh Hợp còn có anh Nguyễn Xuân Hoàng. Hoàng (sinh 1995), đã “tam thập nhi lập” mà chưa mảnh tình vắt vai. Tôi vỗ vai Hoàng: “Lo bảo tồn thiên nhiên mà quên bảo tồn nòi giống là không được đâu chú em!?” thì trưởng trạm đỡ lời:
“Ở nơi “khỉ ho cò gáy”, suốt ngày chỉ quần áo bảo hộ, mở mắt ra là núi và núi chỉ nghe tiếng khỉ, vượn, không có bóng dáng phụ nữ, lấy đâu ra mà yêu với đương anh”.
Lán tạm của lực lượng đi ăn bẫy ảnh. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Cũng không phải ở Trạm Sao La mà ở Trạm Hòa Hải, Hương Minh, còn mấy anh Trần Đình Hùng, Phạm Đức Hiếu sinh năm 1991 vẫn phòng không.
Ghé qua Trạm Sao La lấy la bàn, chúng tôi lên đường. Sau 1 tiếng, ca nô cập bến, chúng tôi tay xách, nách mang dừng chân tại miếu thờ Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng và nghĩa quân thắp hương viếng rồi đến Trạm Cò 1 nghỉ ngơi chuẩn bị hành lý. Ngoài tăng, bạt, võng, nồi niêu, xong chảo, mắm muối… còn là đồ dùng cá nhân.
Tất cả đã đầy đủ, đoàn chúng tôi lên đường. Nắng tháng 7 đổ lửa, nhưng qua tán lá rừng mà độ che phủ đến 95%, ánh nắng tạo ra hoa nắng nhảy múa trên đường. Lòng tôi tràn ngập cảm hứng. Nhưng càng vào sâu, càng khó đi. Hết quãng đường mòn bìa rừng, tôi lẽo đẽo theo các anh bươn lên núi.
Anh Trần Đình Anh cầm dao đi trước phát những dây gai, dây leo chằng chịt mở lối. Lần đầu vào rừng sâu, tôi chưa có kinh nghiệm gì, có khi bươn lên lại trượt, bèn phải nắm vào cây bụi hai bên để nhích lên. Nhích lên được thì dây ba lô vướng vào gai rừng, lại phải phiền người đi sau gỡ.
“Cái ống quần phải buộc lại, thả rông thế, vướng, vắt dễ chui vào” - anh Hải (cán bộ Phòng Khoa học kỹ thuật – Vườn Quốc gia Vũ Quang) nhắc.
Lên được mái núi, ai nấy mồ hôi ướt hết áo. Tôi hít thở thật sâu, chuẩn bị sức lực để xuống núi. Có khi lách ngang để tránh gai rừng lại gặp tảng đá chắn lối, bèn phải đi dích dắc chữ chi. Vào vùng lõi rừng quốc gia cây nhiều tầng. Ngoài tầng cây cổ thụ, còn cây leo chằng chịt, lớp sa van bụi, lớp lá mục.
Thiên nhiên kỳ thú trong vùng lõi Vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Khi nắng tắt dần, khí hậu ẩm ướt, ruồi trâu, muỗi đen, muỗi vằn, bùi nhùi ở đâu bay đến bám lên đầu, lên lưng, lên áo. Vắt rừng nghe hơi máu cũng ngóc đầu. Kinh nhất là vắt nhảy nghe rào rào trên cành lá. Tôi nghe sởn da gà. Hơn một tiếng trườn, bò, chúng tôi xuống được bờ khe. Được biết, đây là Rào Rồng, chảy ra thành Vũ Quang.
Rào Rồng mùa này nước cạn. Cả một chân trời đá. Hòn đứng, hòn ngồi, hòn nào cũng trọc lóc, ngỗ ngược, thách thức.
Sau nửa ngày vất vả, đoàn dừng lại bên bờ suối nhỏ. Bữa cơm đầu tiên của tôi ở ngay bên bờ suối. Cá khô kho mặn, muối lạc, cà pháo, đói ăn gì cũng thấy ngon. Anh em mắc võng lên nằm rồi kể tôi nghe bao nhiêu chuyện đi rừng. Nào là mùa mưa lũ, phải choàng ni lông ngủ, mùa nắng, gió Lào quần như bão cuốn, sợ nhất là cành gây gẫy va vào đầu. Có khi, dẫm phải tổ ong.
Voi châu Á tại Vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Bẫy ảnh tự động
Cách đây mấy năm, anh Phan Văn Sơn bị rắn lục xanh, đuôi đỏ cắn, kịp thời sơ cứu tại chỗ, anh em làm cáng khiêng ra khỏi rừng, chuyển đến bệnh viện cấp cứu, may mà thoát hiểm…
Mãi rồi chúng tôi cũng đến nơi có độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển cách Rào Cỏ 10 km.
Đặt ba lô xuống, cán bộ Anh mở điện thoại thông minh, định vị vị trí, lựa chọn cây đặt bẫy ảnh. Quỳ, nằm, ngồi, tính toán, vị trí, hướng máy, độ cao sao cho góc máy tối ưu. Từ điểm ngẫu nhiên này, rải lưới ô vuông, khoảng cách 2 điểm ảnh là 2,5 km, với diện tích 57.029, 84 ha, việc đặt bẫy ảnh hết sức vất vả.
Gần đây, qua bẫy ảnh, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã phát hiện 40 loài đáng chú ý như: Mang lớn; Mang Trường Sơn; Thỏ vằn; Cầy vằn; Sơn dương; Gà lôi trắng; Gà tiền mặt vàng; Cầy gấm; Mèo gấm; Voi; Khỉ mốc; Khỉ vàng; Khỉ đuôi lợn; Khỉ mặt đỏ…
Trọn tình yêu với rừng
Bẫy ảnh là “cánh tay nối dài” cho kiểm lâm viên, là bằng chứng chân thực sinh động cung cấp dữ liệu cho khảo sát nghiên cứu, đánh giá, lan truyền đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Các loại thú quý hiếm phát hiện qua kỹ thuật bẫy ảnh. Ảnh: Vườn Quốc gia Vũ Quang
Đồng thời kết quả bẫy ảnh thoát khỏi những võ đoán mơ hồ, sương khói hư ảo. “Chính vì lẽ đó mà vất vả một chứ vất vả mười hay trăm lần chúng em cũng nổ lực cố gắng”.
Còn gì vui hơn, khi những giọt mồ hôi, có khi cả máu mình và đồng đội rơi xuống trên cánh rừng nguyên sinh lại ít nhiều đảm bảo căn cứ cho giới khoa học Quốc tế đánh giá Vườn Quốc gia Vũ Quang là “mỏ loài mới” và năm 2018 được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.
Càng ngày Vườn Quốc gia Vũ Quang được bạn bè quốc tế biết đến, đã và đang liên kết nghiên cứu khoa học…”, anh Nguyễn Sang Trang (Phó phòng phụ trách phòng Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường – Vườn Quốc gia Vũ Quang) nói.
Được biết, từ 1.7.2024, một số ngành nghề đã được cải thiện tiền lương. Đa số cán bộ, viên chức kể cả hưu trí đã nhận được lương mới nhưng đến thời điểm hiện tại 64 Kiểm lâm viên, viên chức Vườn Quốc gia Vũ Quang vẫn chưa nhận được lương mới.
Khi đặt chân đến Trạm Sao La tôi mang hi vọng sẽ gặp lại chú em Lê Công Sáng, Trạm trưởng. Nhưng Sáng đã phải chia tay với ngành, vì “cơm áo không đùa với kiểm lâm”.
Sau lưng Sáng, còn bố mẹ già ốm đau, vợ trẻ, con thơ. Khi tôi viết những dòng này thì Sáng đang mưu sinh ở xứ người. Tôi không nỡ trách Sáng, và lòng băn khoăn day dứt làm sao những người lao động ở đây được cải tạo đời sống. Chỉ một lần theo chân họ vào rừng mà tôi nản lòng, còn họ một đời gắn bó với rừng, ăn rừng, ngủ rừng, mặc áo rừng, và đã là “người của rừng” rồi.
Tôi hỏi anh Toàn: “Động cơ nào để những người lao động ở đây gắn bó với công việc?”, không cần nghĩ ngợi, anh nói luôn: “Tình yêu với rừng”.
Vẻ đẹp kỳ thú của Vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Chính tình yêu với rừng khiến Trần Đình Anh vừa ra viện đã chạy đến cơ quan. Tình yêu rừng đã khiến Hải bám trụ, có khi hai ba tháng mới về nhà một lần. Tình yêu rừng đã khiến cho Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ, Phó Giám đốc Thái Bá Toàn nắng cũng như mưa, đêm cũng như ngày bám cơ quan, bám rừng cập nhật thông tin, xử lý công việc.
Ai đã từng gắn bó máu thịt với rừng thì thấy rừng tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Mùa xuân rừng đâm chồi nẩy lộc non tơ. Hè về rừng khoác lên màu xanh thẫm. Thu sang rừng lấm chấm vàng… Mùa nào rừng cũng thắm sắc ngát hương.
Có giai điệu nào đẹp hơn chim ca suối hát, gió rì rào tấu lên bản nhạc bí ẩn của thiên nhiên? Nhưng vui nhất khi thu bẫy ảnh về phát hiện voi ở đảo voi, hay gà lôi trắng đang nhảy múa cả cơ quan reo hò vui như tết.
“Mỗi lần đi đặt bẫy ảnh không chỉ anh em kiểm lâm viên mà cả cơ quan nóng lòng, hồi hộp, chờ đợi một bóng dáng, một hình ảnh về Sao La- Kỳ lân châu Á. Chỉ ngần ấy là chúng tôi quên hết mỏi mệt, quên hết gian khổ, khó khăn” - anh Trần Đình Anh chia sẻ.
Vườn Quốc gia Vũ Quang nằm trên địa bàn các huyện miền núi Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), hiện quản lý, bảo vệ 57.029,84ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam. Nơi đây có các hệ sinh thái động vật, thực vật vô cùng đa dạng, phong phú, với những khu rừng nguyên sinh hoang sơ, kỳ vĩ.
Vườn Quốc gia Vũ Quang có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm với cảnh quan hoang sơ, kỳ thú: thác Thang Đày, thác Cổng Trời, thác Nam Châm, suối Rào Rồng, suối Trắng, hồ Ngàn Trươi… Ngoài ra, còn có vô số thác, bãi đá, khe suối, hồ nước trong xanh, tuyệt đẹp khác tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.