“Mình về Hà Tĩnh…”

Thứ hai - 25/04/2022 08:36
Đã bao lần tôi nghe lời hát “Mình về Hà Tĩnh mình đi/ Nghe câu hò tình quê dịu ngọt…”, nhưng có lẽ phải đến khi sống giữa nắng gió Tây Nguyên, thì tất cả mọi thấm thía, nhớ thương, tự hào… mới thức dậy mãnh liệt. Tôi hứa với những người bạn Hà Tĩnh đang sống và làm việc ở đất Tây Nguyên, rằng khi về lại Hà Tĩnh, sẽ kể lại cho các bạn nghe về những đổi mới quê mình, về những địa danh mà người đi xa luôn nhắc nhớ…
20220425001
Biển Hà Tĩnh gợi về nhiều niềm mong nhớ.
 
Hãy bắt đầu từ phía biển. Bởi Hà Tĩnh được xem như top 10 tỉnh có bờ biển dài nhất Việt Nam với 137km. Và nhắc đến biển, không thể không nhắc đến Thiên Cầm gắn với bao sự tích, bao cách lý giải về cái tên dịu dàng, quyến rũ. Khi bạn đứng chân dưới làn nước biển trong màu ngọc, nghe gió vi vút gọi trên những tán thông trên núi xa, bạn sẽ tin rằng Thiên Cầm chính là tiếng đàn trời. Nhưng cũng có thể, khi bạn đứng từ núi Thiên Cầm, hay núi Đầu Voi, nhìn bãi biển mang hình cánh cung trải dài gần 3km và giữa nó là Cùm Nậy (Núi lớn) và Cùm Con (Núi bé) tạo nên những phím đàn trời án ngự dòng suối Kỳ La, uốn lượn rồi chảy ra biển, thì bạn lại sẽ tin Thiên Cầm được gọi tên bởi thiên nhiên tạo tác như những phím đàn…

Dọc theo bờ biển xuôi về phía Nam là đến với chợ cá Cửa Nhượng có tuổi đời trên một trăm năm với nghề làm mắm. Hãy cùng dừng nghỉ, để cùng sống với nhịp điệu làng chài, trong mùi hương của biển đặc trưng và phiên chợ sớm lao xao…

Không chỉ có Thiên Cầm giữ được nét hoang sơ, mà cả Xuân Thành (Nghi Xuân), dù đang xây dựng thêm nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trường đua, sân golf, mà vẻ hoang sơ, thơ mộng cũng không hề mất đi. Xuân Thành chỉ cách thành phố Vinh khoảng 13km về phía Bắc, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 40km về phía Nam, với bãi cát trắng dài, rừng phi lao lộng gió, những thuyền cá đơn sơ của ngư dân tự bao đời vẫn còn giữ nếp đánh bắt cũ. Điều tạo nên sự khác biệt cho bãi biển Xuân Thành chính là song song với biển có một dòng sông nước ngọt mang tên Mỹ Dương, bắt nguồn từ núi Hồng Lĩnh, chảy uốn lượn theo chiều dài của biển, với những rặng dừa ngày đêm soi bóng. Sông không sâu nhưng nước không bao giờ cạn. Hai bên bờ sông là thảm thực vật xanh tốt. Muốn đùa giỡn cùng cát trắng, biển xanh, muốn thưởng thức món ngon từ biển, muốn xem người dân mỗi chiều đi lộng, muốn đón những chuyến thuyền về với cá, mực đầy khoang, muốn cùng gỡ lưới trích mỗi sáng…, thì hãy tới Xuân Thành, nhưng Xuân Thành không chỉ có thế. Xuân Thành giờ còn có sân golf, trường đua chó Greyhound, được thiết kế, xây dựng và hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế. Xuân Thành còn có không gian nghĩ dưỡng tiêu chuẩn châu Âu với biệt thự sang trọng Hoa tiên Paradise, Khách sạn Mường Thanh tiêu chuẩn 3 sao hoặc trải nghiệm không gian độc đáo của căn hộ contenor “Hoa nắng Camping Beach”…
 
20220425002
Sân Mường Thanh Golf Xuân Thành mang đến cho du khách những thách thức và trải nghiệm thú vị.

Không xa Xuân Thành là Xuân Hải. Biển nơi này mang nét hùng vĩ vì có cả quần thể núi – biển - đảo. Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên nằm trên bán đảo, một bên tựa núi Nam Giới, gắn liền với sự tích Chử Đồng Tử và Tiên Dung, một bên nhìn ra mênh mông sông nước của vùng biển Thạch Hải. Ngày trước, vua Lê Thánh Tông khi qua đây đã viết: “Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên” (ngọn núi nổi tiếng này xưa còn gọi là núi Quỳnh Viên) – chính là núi Nam Giới nay.

Và vẫn còn nhiều bãi biển đã và đang trở thành điểm đến, được du khách gọi tên, nhớ về như Thạch Bằng, Kỳ Xuân, Cẩm Lĩnh, Kỳ Ninh, Vũng Áng…

Đất Hà Tĩnh còn là vùng đất ôm chứa bao di tích: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân là một tổ hợp bao gồm nhiều di tích: Đền thờ Đại Vương Tiến sỹ Nguyễn Huệ, đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng, đàn tế Nguyễn Quỳnh, 2 ngôi nhà Tư văn, khu mộ Đại thi hào Nguyễn Du, bảo tàng Nguyễn Du và tượng nhà thờ Nguyễn Du. Đến để hiểu hơn về Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền – dòng họ từng được người dân xứ Nghệ xưa ví von: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/Sông Rum hết nước, họ này hết quan”; Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc) ghi dấu tuổi xuân vĩnh cửu của 10 cô gái thanh niên xung phong dũng cảm và hàng trăm người con ưu tú đang làm nhiệm vụ giữ vững mạch máu giao thông quan trọng trên hệ thống đường vận chuyển hàng hóa, vũ khí ra tiền tuyến đã trở thành huyền thoại trong lòng người dân đất Việt. Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Hà Tĩnh - một quần thể bao gồm chùa, đền thờ, nhà hàng, khách sạn nổi bật nằm ngay cạnh dãy núi Trường Sơn được xây dựng trên khu vực rộng gần 20ha.

Chùa Hương Tích hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự có nghĩa là Chùa Thơm, chùa có danh hiệu Hoan Châu đệ nhất danh thắng, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa kia. Chùa nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh. Chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh là cả một quần thể di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam cổ truyền, với nhiều ngôi chùa thờ Phật, một vài ngôi đền thờ Thần, trong đó cả cả những ngôi đền mang tính ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu.

Chùa Thiên Tượng cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng tại tỉnh Hà Tĩnh. Ðến đầu thế kỷ 19, chùa Thiên Tượng vẫn là ngôi chùa đẹp, là chốn u tịch, thâm nghiêm, nhưng vào năm Ất Dậu 1885, sau biến cố kinh thành Huế, vua tôi Hàm Nghi chạy ra Sơn Phòng, Hương Khê phát động phong trào Cần Vương thì vùng Hồng Lĩnh cũng trở thành nơi hoạt động chống thực dân Pháp. Vì vậy, thực dân Pháp đã cho đốt chùa và tàn phá chùa thành phế tích. Ðến năm 1901, Tổng đốc An Tĩnh là Ðào Tấn đã cho trùng tu xây dựng lại chùa.

Chùa Thiên Tượng có thượng tịnh, hạ tịnh, có Lưu Ðức tháp và Thạch Sơn tháp, trong chùa có chuông Ðại Hồng và nhiều tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao… Khuôn viên chùa chừng 150.000m2 được giới hạn bởi hai suối lớn (suối Bắc và suối Nam) cả hai đều bắt nguồn từ đỉnh Thiên Tượng mà hợp thành. Ðường lên chùa được xếp đá công phu theo từng bậc như thang đá. Từ chùa nhìn xuống thị xã Hồng Lĩnh đẹp như một bức tranh.

Từ chùa Thiên Tượng theo đường chim bay về phía Đông Nam chừng 2km là đến Hồ Thiên Tượng thuộc địa phận phường Bắc Hồng. Hồ nằm trên độ cao 100m, được tạo thành từ nguồn nước của Suối Tiên. Diện tích mặt hồ hơn 100.000m2 với dung tích 800.000m3 nước tự nhiên trong sạch. Phía Đông và Tây hồ là vách núi dựng đứng, quanh hồ là những dải thông xanh soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng tạo thành bức tranh thủy mặc độc đáo, nguyên sơ giữa một thị xã trẻ trung đang vươn mình phát triển.

Chùa Hang tọa lạc trên dãy núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có từ thời Hậu Lê, được biết đến từ thế kỷ XVII. Chùa nằm trong chuỗi liên kết hệ thống chùa cùng trên dãy núi Hồng Lĩnh, phía Bắc có chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm, chùa Móc, chùa Dằng, chùa Bảo Ân, xa hơn có chùa Đại Hùng và chùa Hương Tích.

Chùa Hang được tạo trên nền tảng của một hang động nhỏ nằm mé sườn tây đỉnh núi Mông Gà, chùa ra đời muộn và không gian thờ tự dựa trên yếu tố tự nhiên là chính. Trải qua một thời kỳ dài không có người ở, chùa hoang phế, chỉ còn lại một cái hang nhỏ, sập lở, xung quanh bị đất đá bồi đắp. Từ năm 1990 chùa được tôn tạo sơ khai và tôn tạo, xây dựng thêm để được như ngày hôm nay.

Hồ Kẻ Gỗ tuy là hồ nước nhân tạo nhưng lại có vẻ đẹp nguyên sơ, hữu tình không kém gì những hồ nước tự nhiên. Ấn tượng ở hồ Kẻ Gỗ không chỉ vì núi, cây, mặt hồ lãng đãng sương phủ mà còn có ngôi đền giữa lòng hồ là đền thờ cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn, kiến trúc giản dị và độc đáo.

Cuối mảnh đất Hà Tĩnh là di tích Hoành Sơn Quan nằm trên Quốc lộ 1A, vắt qua dãy Hoành Sơn (núi Ngang), một chi núi của Trường Sơn Bắc mọc lấn ra tận biển Đông với điểm chót là mũi Đao, mũi Độc. Khối Hoành Sơn chiếm diện tích khoảng 1.500km2, có ngọn Ba Cốc cao tới 823m, nhưng chiều cao trung bình chỉ khoảng 400m và ở Đèo Ngang 256m. Hoành Sơn là biên giới tự nhiên Việt – Chiêm xưa, nay là địa giới hành chính giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đồng thời đó cũng là ranh giới khí hậu: Hà Tĩnh thuộc khí hậu Bắc, mùa đông có gió mùa Đông Bắc mạnh còn mùa hè thì gió Lào nóng dữ dội. Lượng mưa ở Hoành Sơn rất lớn, 3000mm/năm và bão cũng rất nhiều. Trong khi đó, Quảng Bình chỉ cách hơn 10km đã mang rõ đặc điểm của khí hậu Nam: Gió Đông Bắc rất yếu.

Hoành Sơn Quan được xem như một chứng tích lịch sử đặc biệt, một điểm nhấn cho vẻ đẹp của dãy núi Hoành Sơn. Trên đỉnh đèo Ngang hiện còn “Cổng Trời” di tích của cửa ải Hoành Sơn Quan bằng gạch đá được xây vào năm 1833, thời vua Minh Mạng để kiểm soát việc qua đèo.
 
20220425003
Ngã ba Đồng Lộc ghi dấu những chiến công hiển hách – nơi lưu giữ tuổi xuân vĩnh cửu của 10 cô gái thanh niên xung phong.
 
Cũng phải nhắc đến một vài khu du lịch khác như: Khu du lịch sinh thái nhà vườn Đức Đường ở thôn Nam Sơn, xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) với không gian xanh tươi, trong lành, trên diện tích gần 2ha, ẩn mình giữa núi rừng điệp trùng của dãy Hồng Lĩnh với 8 hạng mục: Khu nhà vui chơi, hệ thống nhà nghỉ biệt lập, nhà điều hành, nhà vòm, bể bơi, cầu treo, cầu thuyền, vườn hoa cây cảnh. Hay Vườn quốc gia Vũ Quang, Khu du lịch sinh thái hồ Trại Tiểu…

Và mảnh đất nhiều dấu ấn gian lao, vất vả của quá khứ khiến người “đi xa lại muốn về, khổ đau càng muốn về” đang thay da đổi thịt mỗi ngày với những chuyển biến kỳ vĩ. Không thể không yêu, không tin, không tự hào với quê hương hôm nay, để rồi lời bài hát về quê nhà vang lên ở đâu, cũng thúc giục những bước chân trở về và cả những bước chân tới thăm…
Uyên Uyên
Theo baoxaydung.com.vn
 
Link gốc: https://baoxaydung.com.vn/minh-ve-ha-tinh-331009.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây