Trầm Lâm huyền bí
Từ TP Hà Tĩnh theo đường Hồ Chí Minh, qua địa phận xã Phú Gia, rẽ phải theo con đường làng rải nhựa phẳng lỳ về hướng Tây chừng 1 km, đền thờ Đức Thánh mẫu Trầm Lâm hiện ra trong tầm mắt chúng tôi với một không gian thâm nghiêm, tịch lặng.
Đền thờ Đức Thánh mẫu Trầm Lâm là một trong những địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. |
Trao đổi với chúng tôi, cụ Lưu Văn Khâm (70 tuổi, xóm Phú Thành, xã Phú Gia) - bảo vệ đền, chia sẻ: Ngày xưa, đền thờ Đức Thánh mẫu Trầm Lâm còn có tên gọi là “miếu Trầm Lâm” hay “ miếu Trăm Năm” - một di tích văn hóa tâm linh được hình thành theo tín ngưỡng dân gian. Theo sử sách địa phương chép lại, miếu Trầm Lâm được hình thành vào khoảng thế kỷ XIV, thờ Đức Thánh mẫu Trầm Lâm. Miếu Trầm Lâm còn nổi tiếng với rất nhiều câu chuyện huyền thoại, kỳ bí, linh thiêng và giếng nước hình bán nguyệt từ xưa tới nay không ai đo được chiều sâu. Nước trong hồ chuyển màu theo 4 mùa: mùa xuân, nước xanh; mùa hạ, nước hồng; mùa thu, nước trắng và mùa đông, nước đen. Tại thời điểm chúng tôi đến, nước giếng xanh màu ngọc.
Tương truyền, vào khoảng thế kỷ XIV, triều Trần sụp đổ, triều Hồ lên thay, nhà Minh đã mượn cớ “phò Trần diệt Hồ”, rắp tâm xâm chiếm nước ta, quấy nhiễu, hà hiếp nhân dân. Khắp nơi, xương tan, máu chảy, nhân dân lầm than, tiếng than thấu tận trời xanh.
Thời kỳ đó, có một người dân trong vùng Ấu Sơn, trong một đêm bị lạc vào rừng, mệt lả vì đói, khát. Bất chợt, phía xa xa, người đó nhìn thấy một đầm có giếng nước. Bên giếng nước xuất hiện một cô gái xinh đẹp với bộ trang phục màu xanh đang dắt theo một con ngựa bạch, khi lại gần thì cô gái và con ngựa biến mất. Trở về nhà, người dân nọ đem câu chuyện kể với mọi người, dân làng trong vùng cho rằng, thiên thần giáng Đức Thánh mẫu xuống trần gian để ra tay độ thế, giúp dân thoát nạn giặc giã, phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an nên đã lập miếu bên cạnh giếng nước thờ Đức Thánh mẫu và sau này gọi là đền Trầm Lâm.
Giếng đền Trầm Lâm cũng được xem là một trong 6 mạch nước thiêng có tiếng ở An Nam. Năm Hồng Vũ thứ 3 (1370), vua Thái Tổ nhà Minh đã sai sứ sang tế ở đền này. Theo đó, giếng ngọc được gắn với nhiều câu chuyện huyền bí và cư dân bản địa còn cho rằng, giếng này không có đáy. Bằng chứng là trong kháng chiến chống Pháp, có một người Pháp đã đưa một cuộn dây rất dài, buộc vào 1 hòn đá và đi thuyền ra giữa lòng giếng, thả xuống không biết bao nhiêu mét mà dây vẫn căng, bèn kết luận giếng này không có đáy.
Cây bụt trồng trước cửa đền Trâm Lâm được lấy từ Lăng Bác |
Xung quanh câu chuyện về giếng ngọc, cụ Khâm đã từng chứng kiến, cách đây mấy chục năm, có một người đóng bè chuối ra đo độ sâu của giếng. Đo không được, người đó đã buông nhiều lời báng bổ thần thánh ở trong miếu. Sau đó ít ngày, người nọ bỗng nhiên bị bệnh tâm thần. Có rất nhiều câu chuyện về ngôi đền thiêng này mà người dân ở đây vẫn lưu truyền rất ly kỳ, mang đậm dấu ấn tâm linh. Chính vì thế, từ lâu, đền Trầm Lâm đã trở thành địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Hương Khê và nhiều địa phương khác trong cả nước.
Nối mạch nguồn thiêng
Toàn bộ khuôn viên đền thờ Đức Thánh mẫu Trầm Lâm rộng khoảng 2 ha, tọa lạc trên một sườn đồi phía Tây làng Phú Thành, thuộc xã Phú Gia. Đến với đền Trầm Lâm, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc ngôi đền cổ giữa đại ngàn sơn lâm kỳ vĩ, được thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng mà còn được biết đến một kho tàng truyền thuyết dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh gắn với câu chuyện Đức Thánh mẫu thiên thần giáng xuống độ trì, chở che hạ giới, giúp vua Hàm Nghi đánh giặc ngoại xâm hết sức ly kỳ.
Nội thất trung điện được trùng tu nguyên trạng |
Chuyện kể rằng, vào đêm 20/9/1885, khi vua Hàm Nghi đến nghỉ tại ngôi đền Trầm Lâm, vừa chợp mắt thì thấy một tiên nữ trong bộ trang phục màu xanh hiện ra, báo mộng: “Bọn bạch quỷ (thực dân Pháp) đang đưa quân vây ráp, nhà vua cần phải định liệu”. Tỉnh dậy, vua Hàm Nghi lập tức mời các bô lão trong làng Phú Gia hỏi chuyện, biết được người báo mộng là nữ thần đền Trầm Lâm, liền truyền thiết triều giao cho cận thần Tôn Thất Thuyết và triều thần vào làm lễ tạ ở đền.
Ngày 25/9/1885, vua Hàm Nghi sắc phong cho các vị thần được thờ ở đền Trầm Lâm và đền Công Đồng kèm theo là các vật phẩm quý gồm 2 con voi bằng vàng nặng khoảng 5,4 lượng, 2 thanh bảo kiếm, 1 đạo sắc, áo mũ triều thần, cờ lộng, tàn quạt và lục lạc rồi rời khỏi Sơn Phòng. Quả nhiên, sau khi quan quân Hàm Nghi rút khỏi Sơn Phòng thì giặc Pháp truy lùng.
Đền Trầm Lâm những năm 1930-1931 là cơ sở hoạt động của chi bộ Đảng Phú Gia. Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, đền Trầm Lâm trở thành điểm cất giấu, dự trữ quân lương của bộ đội phục vụ chiến trường miền Nam.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Trần Sáng, năm 2001, quần thể khu di tích lịch sử thành Sơn Phòng Hàm Nghi, đền Công Đồng Hội Sở, đền Đức Thánh mẫu Trầm Lâm tại xã Phú Gia đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và đầu tư trùng tu, xây dựng lại theo cấu trúc tam quan, nhị tòa, có trung điện và thượng điện khá khang trang. Đến nay, sau hơn 130 năm, các bảo vật đó vẫn được lưu giữ nguyên vẹn tại nhà các cố đạo. Việc trông coi, gìn giữ bảo vật của vua Hàm Nghi được giao cho các cố đạo là những bô lão cao niên do nhân dân trong vùng tín nhiệm bầu ra.
Hàng năm, nhằm vào ngày mùng bảy tháng giêng âm lịch, cư dân miền sơn cước đã lập đàn, long trọng khai mở lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi. Đây là lễ hội văn hóa có một không hai trên dãy đất miền Trung. Lễ hội này được khởi đầu từ nhà cố đạo qua đền Công Đồng Hội Sở, thành Sơn Phòng thờ vua Hàm Nghi đến đền Đức Thánh mẫu Trầm Lâm với hàm ý cầu cho quốc thái dân an; mưa thuận gió hòa; ruộng đồng tươi tốt, bội thu.
Anh Lê Xuân Sáng - cán bộ văn hóa xã Phú Gia cho biết, sau Tết Ất Mùi lại nay, đã có cả chục ngàn lượt du khách đến tham quan, vãn cảnh, dâng lễ vật cầu may tại đền Trầm Lâm. Riêng lễ hội rước sắc vua Hàm Nghi được tổ chức vừa qua đã thu hút hàng ngàn người dân trong vùng và khách thập phương tham gia, trở thành một nét văn hóa độc đáo của người dân ở miền sơn cước Hương Khê.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn