Theo lãnh đạo Công ty CP Hồng Sơn: Công ty được cấp phép hoạt động khai thác đá từ năm 2010 đến năm 2029, nhưng hiện nay lượng đá lộ thiên không còn, buộc phải bóc nhiều tầng đất phong hóa. Để tận dụng và tránh lãng phí tài nguyên, trước khi bóc lớp đất phong hóa, Công ty đã khai báo với các cơ quan chức năng, kê khai nộp thuế, xin được phép bán phần đất phong hóa ra ngoài.
Ngày 14/4/2019, tại mỏ khai thác đá, Công ty có 2 máy xúc, trong lúc một máy đang xúc đất lên 3 xe ben, thì bị Công an huyện Kỳ Anh, do ông Nguyễn Châu Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện chỉ huy, đến hiện trường thu cả 2 máy và 3 xe ô tô đưa về tạm giữ tại Công an huyện.
Một cán bộ Công ty CP Hồng Sơn (xin giấu tên) cho biết: “Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 14/4/2019, tổ công tác Công an huyện Kỳ Anh đến lập biên bản, yêu cầu đưa máy xúc, ô tô về cơ quan Công an. Lúc đó chỉ có 1 máy xúc hoạt động, một máy không hoạt động, do công nhân lái máy đang xin nghỉ việc, nên không có chìa khóa để mở cửa. Trong lúc chờ gọi lái máy đến mở khóa, thì công an đã gọi thợ điện đến tự ý phá khóa cửa, phá khóa điện rồi nổ máy đánh đi. Công an lập Biên bản, bảo lái xe kí rồi họ cầm đi, không giao biên bản cho chúng tôi, nên không ai hiểu lí do tạm giữ phương tiện. Sau đó, tôi gọi điện hỏi ông Thủy, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh, được trả lời, thời gian tạm giữ phương tiện 1 tuần, chưa giải quyết xong thì tạm giữ 30 ngày, nếu phát hiện sai phạm thì tịch thu máy.
Máy xúc và ô tô của Công ty Hồng Sơn bị giữ tại Công an huyện Kỳ Anh
Ngày 10/5/2019, phóng viên đến Công an huyện Kỳ Anh, ghi nhận 2 máy xúc và 2 ô tô ben đang bị tạm giữ tại bãi ngoài khuôn viên đơn vị Công an huyện, trước đó Công an huyện đã trả một xe ô tô cho chủ xe trú tại xã Kỳ Văn, có giấy xác nhận của UBND xã, chở đất phục vụ công trình nông thôn mới.
Làm việc với Thượng tá Lê Xuân Thủy, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh, phóng viên đặt câu hỏi:“Công an huyện Kỳ Anh đã tạm giữ phương tiện gần 1 tháng, đến nay đã có kết quả điều tra, làm rõ lỗi vi phạm của doanh nghiệp? Phương án, biện pháp xử lí như thế nào?”. Ông Thủy trả lời, đây là vụ việc hành chính, đang trong quá trình điều tra, xác minh, công an làm đúng quy trình, quy định và làm theo luật.
Ngày 22/5/2019, (sau 38 ngày phương tiện bị tạm giữ), Công ty CP Hồng Sơn được cán bộ Công an huyện Kỳ Anh mời đến làm việc, ông Nguyễn Lê Khánh Cường giao biên bản vi phạm hành chính số 0001246 do ông lập ngày 20/5/2019, nội dung vi phạm: “sử dụng loại khoảng sản đi kèm(đất) nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cho phép theo quy định”, biên bản ghi: tạm giữ 2 máy xúc đào, 2 ô tô.
Biên bản vi phạm hành chính lập sau khi bắt giữ phương tiện hơn một tháng
Cùng ngày 22/5/2019, Công an huyện Kỳ Anh trả lại 1 máy xúc cho Công ty, còn giữ lại 1 máy xúc và 2 xe ô tô, ông Nguyễn Lê Khánh Cường thu tiền giữ máy 38 ngày, mỗi ngày 50.000 đồng và 2,5 triệu đồng tiền chở máy, tổng cộng 4.400.000 đồng, ông Cường nhận trực tiếp, không có phiếu thu.
Ngày 24/5/2019, phóng viên liên lạc qua điện thoại với ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, hỏi đã ra quyết định xử phạt chưa? Ông Hoàn cho biết: Chưa nhận được hồ sơ từ Công an huyện Kỳ Anh.
Sau vụ “vây bắt doanh nghiệp Hồng Sơn” rất rầm rộ, thì không ít doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kỳ Anh cũng thấy hoang mang, nhiều câu hỏi được đặt ra, Công an huyện Kỳ Anh thực thi nhiệm vụ có lạm quyền hay không? Có cần thiết đối xử với doanh nghiệp như thế không?
Tác giả bài viết: Hoàng Kim – Hy Vọng
Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn