Đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Ngày 4/9, thí sinh trên cả nước đã chính thức kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2. Kỳ thi này đánh dấu sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả ngành giáo dục và các địa phương. Đặc biệt, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được đẩy lùi hoàn toàn trên cả nước, cùng với nhiều sự thay đổi trong mục tiêu, nội dung tổ chức thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã thể hiện được vai trò đầu tàu của mình khi đảm bảo được mục tiêu xét tốt nghiệp, nhưng vẫn đủ độ phân hóa của đề thi để các trường đại học, cao đẳng dùng kết quả thi để xét tuyển đại học. Có thể thấy rõ điều này qua phổ điểm của kỳ thi đợt 1. Đề thi được giảm tải để phù hợp với mục tiêu và hoàn cảnh học tập của thí sinh, tuy nhiên điểm cao vẫn tương đối hạn chế, là tiền đề để các trường đại học tuyển sinh.
Kỳ thi năm nay cũng đánh dấu sự tự chủ trong việc tuyển sinh của nhiều trường đại học. Không chỉ dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, nhiều trường đã chủ động tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng các hình thức khác như bài thi riêng, sử dụng học bạ..., nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào.
Thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Triển khai học trực tuyến
Hồi tháng 3 vừa qua, do tình hình dịch bệnh, học sinh cả nước phải nghỉ học. Hình thức học trực tuyến đã phát huy tác dụng khi là một kênh dạy học chính thức dành cho học sinh tại nhiều địa phương trên cả nước. Việc học trực tuyến ở Việt Nam không phải mới lạ khi có nhiều chương trình ôn thi, dạy tiếng Anh qua truyền hình từng được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc học trực tuyến, Bộ GDĐT đang triển khai xin ý kiến đóng góp về Dự thảo Thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến với cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Dự thảo đưa ra 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến.
Thứ nhất, dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp. Theo đó, giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.
Thứ hai, dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường.
Thứ ba, dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường.
Học trực tuyến sẽ là một trong những nhiệm vụ của năm học tới.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết: "Bộ sẽ đưa việc dạy học trực tuyến như một trong những nhiệm vụ thường xuyên của năm học, dự kiến bắt đầu từ năm học tới. Tuy nhiên, tùy điều kiện thực tế, từng cơ sở giáo dục sẽ xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp, với những mức độ khác nhau giữa các nhà trường.
Cơ sở giáo dục phổ thông sẽ xây dựng nội quy dạy học trực tuyến của cơ sở mình, xác định mục tiêu, yêu cầu cần đạt của hoạt động dạy học trực tuyến nhằm đảm bảo chất lượng dạy học. Những quy định liên quan đến dạy học trực tuyến, kế hoạch giáo dục, điều kiện đảm bảo việc dạy học trực tuyến phải được cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai".
Theo Dân Việt
https://danviet.vn/hoc-sinh-ca-nuoc-tham-du-le-khai-giang-nam-hoc-2020-2021-20200904204344131.htm