Sáng 24/10, ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – chủ trì buổi họp báo thông tin một số nội dung liên quan đến tình hình thiên tai, công tác ứng phó với mưa lũ diễn ra tại địa phương này từ ngày (18 - 21/10) và lên phương án ứng phó với diễn biến cơn bão số 8.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - chủ trì buổi họp báo.
Tại cuộc họp báo, rất nhiều phóng viên đặt câu hỏi về quy trình xả lũ, điều tiết của hồ Kẻ Gỗ, việc thông báo xả lũ điều tiết không đến được với nhân dân vùng hạ du.
Theo ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ ngày 15 đến 21/10 tại Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được ở các trạm thủy văn phổ biến từ 799-1.383mm.
"Đây là đợt mưa lịch sử. Trong số liệu kể từ năm 1960 đến nay chưa bao giờ xảy ra ở Hà Tĩnh. So với các đợt mưa lũ năm 2010 và 2016, đợt mưa lũ này có tổng lượng mưa cao hơn rất nhiều.
Đặc biệt, đợt mưa này xuất hiện lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất từ trước đến nay và mưa không dừng trong 47 giờ liên tục. Mưa cực đoan đã gây ngập lụt ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các huyện, thành phố vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ do mưa lớn tập trung ở những vùng này", ông Bá thông tin.
Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh thông tin tại buổi họp báo
Theo ông Nguyễn Bá Đức - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, hồ Kẻ Gỗ có 3 chức năng, nhiệm vụ là cấp nước cho nông nghiệp, điều tiết cắt lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình hồ đập. Trong việc xả lũ đợt này, ông Đức cho rằng, hồ Kẻ Gỗ đã thực hiện nhiệm vụ cắt lũ, chậm lũ cho hạ du 200 triệu m3 nước, nếu không hạ du sẽ ngập nặng hơn nữa.
Ông Đức đưa ra phân tích: Về diễn biến mưa lũ tại hồ Kẻ Gỗ, lúc 7h sáng 15/10 đạt cao trình 25,8m, thấp hơn ngưỡng tràn xả lũ 0,7m (ngưỡng tràn xả lũ hồ Kẻ Gỗ là 26,5m).
Tuy nhiên, đến 6h sáng 18-10, mưa lớn đổ về, nước trong hồ đạt cao trình 29,13m, cao hơn ngưỡng tràn xả lũ 2,63m (trong vòng 24 giờ mực nước hồ tăng lên 2,51m). Trước tình hình đó, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả lũ từ 13h ngày 18/10 với lưu lượng tăng dần từ 50m3/s lên 200m3/s.
Lưu lượng xả lớn nhất 1.060m3/s và mức xả này chỉ duy trì trong 1 giờ (từ 9h đến 10h sáng 19/10), sau đó giảm dần.
Ông Nguyễn Bá Đức - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho rằng, hồ Kẻ Gỗ đã thực hiện nhiệm vụ cắt lũ, chậm lũ cho hạ du 200 triệu m3 nước, nếu không hạ du sẽ ngập nặng hơn nữa
"Chúng tôi đã theo sát diễn biến từ khí tượng nhưng đây là đợt mưa lịch sử, khó lường. Việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ, chúng tôi đã rất cân nhắc và tuân thủ theo đúng quy trình vận hành. Đến hiện tại cho thấy việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ vừa qua đã đảm bảo an toàn hồ đập, giảm thiểu ngập lụt hạ du và vẫn tích nước phục vụ những năm sau", ông Đức nói.
Còn ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi nam Hà Tĩnh cảm ơn Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh rất chia sẻ với ảnh hưởng của dân vùng hạ du, nhưng do lượng mưa quá lớn nên nước đổ về hồ lớn, phải xả để đảm bảo an toàn hồ đập.
Ông Tâm khẳng định bão số 8 với lượng mưa dự báo 100 – 150mm, khi vào hồ Kẻ Gỗ không phải xả lũ, còn bão số 9 thì tiếp tục theo dõi thông tin mới biết được.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng việc điều hành xả tràn hồ Kẻ Gỗ dựa trên căn cứ khoa học
Ông Đặng Ngọc Sơn đánh giá nguyên nhân gây ngập lụt ở Hà Tĩnh vừa qua do mưa lớn lịch sử kết hợp với triều cường dâng, cơ sở hạ tầng làm chậm thoát lũ.
"Hồ Kẻ Gỗ đã giúp cắt lũ 200 triệu m3/s cho vùng hạ du. Việc điều hành hồ Kẻ Gỗ xả tràn đều có căn cứ khoa học, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN&PTTN và lãnh đạo tỉnh là người chịu trách nhiệm cao nhất. Chúng tôi chủ động việc này. Tuy nhiên, qua đây tỉnh cũng sẽ họp, đánh giá lại quy trình vận hành hồ, ứng phó với các kịch bản thiên tai bất lợi", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Bộ NN-PTNT) đánh giá cao công tác điều tiết, cắt lũ của hồ Kẻ Gỗ trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo ông Tú, do lượng mưa quá lớn, nên gây ngập lụt nặng, nếu không có sự điều tiết cắt lũ từ hồ Kẻ Gỗ vùng hạ du còn ngập nặng hơn.
Nhiều gia súc của nhân dân cũng chết trong đợt mưa lũ vừa qua
Theo báo cáo, trong đợt lụt vừa qua tại Hà Tĩnh, cao điểm nhất là (ngày 20/10) có 118 xã, phường, thị trấn (42.456 hộ/151.288 người) của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt. Toàn tỉnh đã tổ chức sơ tán được 18.771 hộ/59.268 người.
Tài sản của nhân dân tại các xã bị ngập sâu: nhà cửa, các đồ dùng gia đình, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm thiệt hại rất lớn. Hơn 132ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu; 2.317ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại.
Ngoài ra, nhiều công trình giao thông bị hư hỏng nặng; Kết cấu hạ tầng các tuyến đường giao thông, điện, trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, hệ thống công trình hồ đập thủy lợi... bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều tuyến giao thông bị cắt đứt, hiện tại chưa thể thống kê chính thức được.
Đến nay tỉnh Hà Tĩnh thiệt hại rất lớn, cần có sự trợ giúp của Trung ương, các bộ, ngành, đồng bào cả nước, các tổ chức quốc tế, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ và toàn thể nhân dân Hà Tĩnh mới có thể khắc phục được trong thời gian dài.
Hồ Kẻ Gỗ là hồ nước nhân tạo lớn nhất Hà Tĩnh, nằm ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Hồ Kẻ Gỗ là một công trình mang tính chất phục vụ thủy lợi là chính, hồ được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái.
Hồ được khởi công xây dựng từ n3ăm 1976, tới năm 1980 hoàn thành các hạng mục chính, đến năm 1983 thì toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng. Hồ dài gần 30km, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m³ nước.
http://antt.vn/ho-ke-go-van-hanh-dung-quy-trinh-neu-khong-ha-du-se-ngap-nang-hon-302365.htm?fbclid=IwAR2WuIBCzT5KFW2zxV8A4fcSsda5cqr4BQv56HzXLXWQ6HapZ0UFGoNhr0c