Hàng ngàn vụ cháy, hàng trăm người thiệt mạng, nhưng bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật? - ảnh 1 Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân. Ảnh Như Ý
Có hay không tiêu cực trong hoạt động cấp phép?
Đại biểu Cao Thị Xuân, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc dẫn trường hợp ngày 27/6: cô nông dân Nguyễn Thị Hảo (36 tuổi) ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đốt cỏ làm cháy lan sang khu rừng, gây thiệt hại 7 héc ta. Sau đó Hảo bị TAND huyện tuyên phạt 2 năm tù. Ngày 28/6, một nông dân khác là Phan Đình Thành (46 tuổi) ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cũng đốt rác trong vườn làm cháy lan rừng phòng hộ, sau đó Thành cũng bị khởi tố, bắt tạm giam…
“Những vụ việc như vậy khiến chúng ta rất đau lòng. Nhiều người nông dân với thói quen đốt rẫy làm nương, họ không cố tình gây ra những đám cháy lớn, nhưng họ không đủ kiến thức về phòng cháy chữa cháy nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân đáng thương gây ra vụ cháy phải vào tù. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh được những hậu quả đáng tiếc như vậy nếu công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao ý thức của người dân”, bà Xuân cho hay.
Báo cáo của đoàn giám sát đã chỉ rõ: Hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
“Vậy tại sao lại có tình trạng này? Là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về PCCC? Điều gì sẽ xảy ra nếu hoả hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ? Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này, đặc biệt với các chung cư, nhà cao tầng khi đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện PCCC theo quy định”, bà Xuân nhấn mạnh.
Đại biện gợi nhớ cách đây 3 năm, cũng thời điểm Quốc hội đang họp thì xảy ra vụ cháy trên địa bàn Quận Cầu Giấy, Hà Nội, hậu quả rất thương tâm. Thời điểm ấy báo chí, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về thực hiện pháp luật PCCC như thế nào khi những quán karaoke bị bịt kín, không lối thoát, nằm giữa các khu đông dân cư nhưng vẫn tự ý hoạt động, kinh doanh? TP Hà Nội có hàng ngàn quán karoke như vậy, tương tự là các nhà hàng, nhà nghỉ, khu chợ… có hay không tiêu cực trong hoạt động cấp phép, trong công tác kiểm tra, giám sát đối với các loại hình dịch vụ này?
“Báo cáo giám sát cho thấy hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều ha rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi, nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn, nhưng đã có bao cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác PCCC? Chúng tôi cho rằng công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi hoả hoạn xảy ra”, đại biểu Xuân cho hay.
Cũng theo đại biểu, qua cuộc giám sát này, lỗ hổng pháp luật sẽ được phát hiện và “bịt” lại. Nhưng những lỗ hổng về nhận thức, những khoảng trống về trách nhiệm phải được quan tâm và có giải pháp đích đáng để “lấp đầy”.
Ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) viện dẫn câu nói quen thuộc trong dân gian “nhất thủy nhì hỏa”, tuy nhiên, nếu như việc phòng chống lũ lụt có thể dự lệnh, thì việc phòng chống cháy nổ hầu như không, vì việc cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu.
Bà đề nghị, trong nghị quyết của Quốc hội phải làm rõ tính chủ động trong việc phòng chống cháy nổ. Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực trạng của công tác phòng chống cháy nổ hiện nay nhận ra những lỗ hổng cần phải xử lý, cần phải truy trách nhiệm và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đó là những lỗ hổng trong hệ thống văn bản hướng dẫn.
Còn lỗ hổng trong việc triển khai thực hiện khá rõ, cơ quan chức năng khẳng định là làm tốt công tác tuyên truyền nhưng người dân thì bảo là chúng tôi không biết. Cơ quan chức năng khẳng định là có kiểm tra có giám sát và rất quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ thì được xử lý rất ít. Thực tế cho thấy là khi sự cố cháy nổ xảy ra thì lúc đó mới truy cứu nguyên nhân và quy trách nhiệm.
Cháy rừng ở một vài địa phương, các địa phương khác quan tâm tới công tác phòng, chống cháy rừng, cháy quán karaoke ở một địa phương thì các địa phương khác rà soát việc phòng, chống cháy nổ ở các quán karaoke, cháy chung cư ở một vài địa phương thì người dân cũng như chính quyền ở các địa phương khác bắt đầu quan tâm, lo lắng và cũng rà soát nhiều hơn.
Đáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm thì đang có vấn đề là đổ lỗi. Trên thì đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới quy là trên không hướng dẫn. Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền thì cho là người dân không chấp hành, đây là văn hóa đổ lỗi trong khi chúng ta truy xét trách nhiệm.
Tôi đề nghị chúng ta hãy nhìn thẳng vào các tồn tại và phát hiện cũng như bịt các lỗ hổng từ công tác xây dựng luật pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện cho đến giám sát việc triển khai thực hiện và hơn hết hãy ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn”, bà Mai Hoa cho hay.