Mới đây, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, từ tháng 7/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 3 trường hợp mắc bệnh whitmore.
Đáng chú ý, các ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt người đều là trẻ em ở độ tuổi 10-14 tuổi.
Ba trường hợp ghi nhận khi đến viện đều trong tình trạng bị áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai, đến viện bệnh tình đã nặng vì cứ điều trị tại nhà giống bệnh quai bị. Nhưng khi được các bác sỹ cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện dương tính với whitmore.
Nghệ An có 3 ca trẻ em mắc bệnh whitmore. |
Trong 3 trường hợp trên thì Nghiêm Thanh Tuấn (14 tuổi ) điều trị trong vòng 50 ngày và đã xuất viện, hai cháu còn lại hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Tại Hà Tĩnh mới đây cũng phát hiện trường hợp bệnh nhân Đặng Xuân Hà (61 tuổi) ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên bị mắc bệnh whitmore.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết vừa tiếp nhận nam bệnh nhân M.V.D. (Thái Nguyên) bị nhiễm vi khuẩn whitmore.
Trước đó, anh D. bị bừa đâm vào mặt ngoài gối phải. Sau 10 ngày điều trị kháng sinh, bệnh nhân phải nhập viện lại vì vết thương vẫn sưng nề, chảy dịch mủ, hình thành ổ áp xe.
Sau khi phẫu thuật nạo tổ chức viêm lấy xương chết, nuôi cấy mủ tổ chức viêm, các bác sĩ tìm thấy vi khuẩn B. Pseudomallei và điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị bệnh whitmore.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết từ đầu năm 2019 đến nay đơn vị đã tiếp nhận 20 trường hợp mắc whitmore, trong đó có 4 ca tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, whitmore là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây từ môi trường đất, nước sang người.
Bệnh này từng bị “lãng quên”, khó chẩn đoán và số người mắc rất lẻ tẻ. Các nước Đông Nam Á và châu Úc có tỉ lệ người mắc whitmore rất nhiều. Mỗi năm ước tính có khoảng 10.000 trường hợp mắc và có khoảng 4.000 – 5.000 ca tử vong. Tuy nhiên số lượng phát hiện được lại rất thấp.
Ở Việt Nam, bệnh whitmore thường xuất hiện vào mùa mưa, từ tháng 7 – 11.
Vi khuẩn ăn thịt người gây bệnh whitmore. |
Những người dễ bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công nhất bao gồm: các bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch, tiểu đường, bệnh phổi, gan, thận mãn tính.
Những người này nếu sống và làm việc trong môi trường có đất và nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn whitmore và có những vết xây xước ngoài da sẽ gây nên bệnh cảnh nhiễm trùng huyết nặng, tổn thương đa dạng nên rất dễ bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh khác.
Triệu chứng của người nhiễm vi khuẩn ăn thịt người cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...
Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 - 4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do bệnh whitmore cao.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, cách phòng tránh vi khuẩn ăn thịt người tốt nhất là những người có hệ miễn dịch bị suy giảm, mắc tiểu đường, gan, phổi, thận mãn tính khi có biểu hiện sốt, nhiễm trùng phải đến bệnh viện khám, xét nghiệm để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn