Sau 4 năm, Dự án Khách sạn Hải Âu Thiên Cầm vẫn còn nằm ở đâu đó trên... giấy
Trong đó, 3 dự án của 2 Nhà đầu tư “trẻ con” gồm Khu phức hợp thể thao, nhà ở Sông Đông tại phường Thạch Linh của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Phương Phương; 2 dự án còn lại là Dự án Dự án xây dựng Khách sạn Hải Âu Thiên Cầm tại Khu du lịch Nam Thiên Cầm, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên và Dự án Trung tâm dịch vụ ô tô 4S Hải Âu tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà đều thuộc về Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Tĩnh (Tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh – do ông Tôn Quốc Việt làm người đại diện pháp luật).
Kẻ đắp hai chăn – kẻ lạnh lùng
Vì sao chúng tôi gọi 2 Nhà đầu tư này là “trẻ con”? Bởi vì họ đều là những Doanh nghiệp vừa mới thành lập, chưa có kinh nghiệm, thiếu năng lực đầu tư nhưng vẫn UBND tỉnh Hà Tĩnh ký giao hàng chục nghìn mét vuông “đất vàng” cùng quy mô hàng trăm tỷ đồng.
Văn bản Chấm dứt hoạt động Dự án Khu phức hợp thể thao, nhà ở Sông Đông chưa được công bố của Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh.
Trong bài 1, Tạp chí Truyền thống & Phát triển đã khái quát khá chi tiết về Dự án Khu phức hợp thể thao, nhà ở Sông Đông tại phường Thạch Linh có quy mô, diện tích 6,2ha “đất vàng” nằm ở vị trí trung tâm TP. Hà Tĩnh với mức tổng đầu tư dự kiến sau điều chỉnh là 320 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Phương Phương (Phương Phương Group). Đây là Nhà đầu tư vừa thành lập và đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh trước khi được giao dự án 1 tháng. Dĩ nhiên, một dự án có quy mô lớn và cần số vốn huy động 320 tỷ đồng là quá sức đối với một doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” như Phương Phương.
Cùng thời điểm đó, ở Hà Tĩnh ra đời 1 doanh nghiệp tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên. Đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Tĩnh (đăng ký ngày 26/4/2016). Bốn tháng sau, ngày 25/8/2016, ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký Quyết định giao cho doanh nghiệp này 7.440,4m2 “đất vàng” tại Khu du lịch Nam Thiên Cầm, thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) để đầu tư Dự án Xây dựng Khách sạn Hải Âu Thiên Cầm với mức đầu tư dự kiến 170 tỷ đồng. Tiếp đó, 6 ngày sau, ngày 31/8/2016, cũng là ông Đặng Quốc Khánh lại tiếp tục ký Quyết định phê duyệt Chủ trương và giao cho Nhà đầu tư này 8.400m2 đất để thực hiện Dự án Trung tâm dịch vụ ô tô 4S Hải Âu tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 53 tỷ đồng.
Tại Hà Tĩnh, từ trước năm 2016, trong và sau năm 2016 đến giữa năm 2020, không ai biết Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Tĩnh là ai? Nó là tiền thân của doanh nghiệp nào? Quy mô, vốn liếng và năng lực ra sao? Thế thì, dựa vào đâu để Nhà đầu tư này được UBND tỉnh ưu ái, giao cho 2 dự án có quy mô lớn như vậy?
Theo Quyết định phê duyệt Chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hà Tĩnh – Quyết định số 2403/QĐ – UBND, ngày 25/3/2016 về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Khách sạn Hải Âu Thiên Cầm tại Khu du lịch Nam Thiên Cầm, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên.
Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn tối thiểu 4 sao, là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển tổng thể về khu du lịch của huyện Cẩm Xuyên; góp phần thúc đẩy sự phát triển về hạ tầng Khu du lịch Thiên Cầm trở thành khu du lịch Quốc gia trong tương lai; Từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ về cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cho du khách; Tạo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động tại địa phương.
Khách sạn sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 7440,4 m2. Phía Bắc: giáp nhà nghỉ của Bảo hiểm xã hội tỉnh; Phía Nam: Giáp khu dịch vụ công cộng - Khu du lịch Thiên Cầm; Phía Đông: Giáp Biển Đông; Phía Tây: Giáp đường giao thông Thiên Cầm đi Cẩm Nhượng. Tổng vốn đầu tư khoảng 170 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn tự có của Nhà đầu tư và các nguồn huy động hợp pháp khác. Dự kiến đến đầu năm 2018 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Dự án Trung tâm dịch vụ ô tô 4S Hải Âu được phê duyệt Chủ trương đầu tư số 2460/QĐ – UBND ngày 31/8/2016 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, mục tiêu dự án nhằm cung cấp cho thị trường Hà Tĩnh và vùng phụ cận các loại xe tải, thiết bị thi công, cung cấp các dịch vụ sau bán hàng, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp và tăng thu ngân Nhà nước.
Quy mô dự án cung cấp sản phẩm ô tô 350 xe/năm, nhà văn phòng 5 tầng, nhà ở nhân viên và kho, nhà trưng bày và bán ô tô... khu công trình phụ trợ khác. Diện tích dự án khoảng 8.400m2. Phía Bắc giáp nút giao thông theo quy hoạch; Phía Nam giáp khu đất của Công ty Đại Bàng; Phía Đông giáp đường Quốc lộ 1A; Phía Tây giáp đường Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Hà Tĩnh. Tổng vốn đầu tư 53.309 triệu đồng từ nguồn tự có của doanh nghiệp và vay các nguồn vốn hợp pháp khác. Tiến độ thực hiện dự án là 12 tháng, kể từ ngày có Quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh.
Và cho đến thời điểm hiện tại, tháng 6/2020, chưa một ai ở tỉnh Hà Tĩnh nhìn thấy 2 dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Tĩnh triển khai đến đâu, có diện mạo như thế nào?
Hai tay dâng dự án cho “kẻ ở miền xa”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Tĩnh có ông Tôn Đức Việt làm người đại diện pháp luật, kiêm Giám đốc. Ông Tôn Đức Việt cũng là Giám đốc của Công Ty TNHH Khang Quân Group, thành lập ngày 09/11/2015 (xóm Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và Hợp tác xã Việt Hải, thành lập ngày 18/12/2014 (xóm Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, nông nghiệp và các dịch vụ liên quan. Và ông Việt cũng là chủ Nhà hàng Việt tại bãi biển Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên.
Khu đất vàng 8.400m2 được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Tĩnh để thực hiện Dự án Trung tâm dịch vụ ô tô 4S tại xã Thạch Long.
Dữ liệu của Truyền thống & Phát triển thu thập được, Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Tĩnh cùng 2 dự án nêu trên hiện đã chuyển giao cổ phần cho công ty mẹ là Công ty TNHH Thương mại Tài chính Hải Âu (đây là doanh nghiệp vừa bị UBND huyện Cẩm Xuyên “đánh trật” ở gói thầu thuộc Dự án Khu dân cư đô thị tại tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Công ty TNHH Thương mại Tài chính Hải Âu – SEABIRD FINANCE - TRADING COMPANY LIMITED (có trụ sở đặt tại ô số 50, lô D3B - 2, khu đấu giá 18.6ha, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội) do ông Nguyễn Văn Thêm làm người đại diện pháp luật. Tiền thân là công ty TNHH Hải Âu thành lập năm 1991, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe tải hạng nặng và xe công trình. Trải qua 20 năm hoạt động với những mặt hàng trong và ngoài nước. : Hyundai, SamSung, Kamaz, Daewoo, Sakai, Hitachi, DongFeng và là nhà cung cấp quen thuộc của các Tập Đoàn, tổng công ty lớn như: Sông Đà, Cienco, Licogi, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Trường Thịnh….
Đối với 2 dự án Khách sạn Hải Âu Thiên Cầm và Trung tậm vụ ô tô 4S Hải Âu tại tỉnh Hà Tĩnh. Vai trò của ông Tôn Đức Việt – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Tĩnh là cầu nối trung gian, thành lập doanh nghiệp tại địa phương để “xin và dâng” đất cùng dự án cho Công ty mẹ là Công ty TNHH Thương mại Tài chính Hải Âu.
Theo Báo Bình Định, Ngày 2/10/2018, Trung tá Nguyễn Trần Xuân Vương, Trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Tuy Phước thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (CA tỉnh), cho biết đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với 3 xe đầu kéo nhãn hiệu International về hành vi sử dụng Giấy đăng ký tạm và Giấy chứng nhận kiểm định tạm không đúng với số khung, số máy. Theo đó, mỗi xe bị xử phạt 5 triệu đồng; đồng thời, 3 tài xế điều khiển 3 phương tiện, mỗi người bị tước Giấy phép lái xe 2 tháng. Được biết, 3 xe ô tô đầu kéo thuộc Công ty TNHH TM Tài chính Hải Âu, địa chỉ tại quận Tây Hồ (Hà Nội); sử dụng giấy đăng ký, giấy kiểm định không đúng với số khung, số máy. Lực lượng CSGT Tuy Phước (Bình Định) đã tiến hành lập biên bản, quyết định tạm giữ các phương tiện nói trên.
Để làm rõ vấn đề vì sao Doanh nghiệp được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho 2 dự án từ giữa năm 2016 nhưng đến nay, tháng 6/2020 vẫn chưa triển khai. Ông Tôn Đức Việt – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Tĩnh cho biết: Về Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Tĩnh, đây là Công ty mới trực thuộc Công ty mẹ (Công ty TNHH Thương mại Tài chính Hải Âu) có trách nhiệm thực hiện sự án đúng quy định được thành lập tại địa phương để đóng nộp 100% ngân sách cho địa phương. Và nguồn lực tài chính sẽ hạch toán tại chính công ty đó, không hạch toán chuyển về công ty mẹ tạo nên những giá trị gia tăng cho xã hội cũng như tạo ra nguồn lực tái đầu tư tại chỗ.
“Cơ cấu các Nhà đầu tư khi thực hiện dự án bao giờ họ cũng muốn thành lập pháp nhân thực hiện dự án rõ ràng không chung đụng lẫn lộn với các công ty khác. Điều này phù hợp với quy luật và quy định hiện hành của pháp luật” – Ông Việt phân trần.
Vậy khi nào công ty cho triển khai dự án? “Chúng tôi vẫn đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất” – ông Việt trả lời câu hỏi của PV.
“Tấc đất – tấc vàng” đang bị UBND tỉnh Hà Tĩnh lãng phí khi giao cho các doanh nghiệp không xứng tầm vào đầu tư. Hậu quả của nó là sinh ra những dự án “đắp chiếu” trong thời gian dài. Nhiều doanh nghiệp phải cất câu ca thán rằng “kẻ ăn không hết – người lần chẳng ra”...
Truyền thống & Phát triển sẽ tiếp tục thông tin.
Link gốc: https://truyenthongvaphattrien.vn/vi/news/bat-dong-san-52/ha-tinh-thuat-san-dat-vang-cua-ke-o-mien-xa-3748.html