Hà Tĩnh: Người dân mạnh dạn đầu tư nuôi dúi rừng và chồn hương thu lợi nhuận cao

Thứ năm - 25/08/2022 17:32
Tại Hà Tĩnh, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang nuôi dúi rừng và nuôi chồn hương mang lại hiệu quả cao.

Dúi là loài động vật gặm nhấm, thường sinh sống vùng đồi núi và rừng sâu. Nay đã được người dân thuần chủng và gây giống nuôi theo mô hình.

Từ đó, ông Phan Hữu Tình (sinh năm 1971, ở thôn Khang Thịnh, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi loài vật này, nhưng đáng nói là ông đem chúng về vùng đồng bằng ven biển xã Xuân Viên để thử sức. Quyết định này không ngờ mang về thu nhập cho gia đình ông lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 
2022082415
Ông Phan Hữu Tình chia sẻ cách nuôi dúi
 
Theo ông Tình: Trước đây, gia đình tôi sinh sống ở xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, hai vợ chồng làm công nhân cho Nhà máy Gạch ngói Kỳ Giang. Vào năm 2019, nhà máy không có việc làm, vợ chồng tôi quyết định về quê ở xã Xuân Viên sinh sống nhưng không có đất đai để canh tác.

Xem trên tivi, sách báo thấy con dúi được thuần chủng chăn nuôi phát triển tốt, chi phí thức ăn ít, bán ra thị trường dễ hơn các loài vật khác, nên tôi mạnh dạn xây chuồng trại, mua con giống về nuôi. Ban đầu, tôi đã đầu tư 600 triệu đồng xây dựng chuồng trại khoảng 200m2 và mua 120 con giống dúi (40 con dúi đực, 80 con dúi cái) về nuôi.

Mặc dù thức ăn của dúi khá đơn giản như: cây tre, nứa, mía, cỏ voi, ngô… nhưng do khí hậu vùng biển khác hơn vùng núi nên không tránh khỏi dúi bị bệnh chết. Nhưng với quyết tâm, và ý chí vươn lên từ mô hình này, tôi đã xây lại chuồng theo quy mô phù hợp với đồng bằng ven biển để tránh hướng gió biển thổi vào. Từ đó tôi dần phát triển và nhân rộng con giống.
 
2022082416
Trang trại nuôi dúi của ông Phan Hữu Tình đến nay phát triển lên đến hàng trăm con

Đến thời điểm này, trại dúi của anh Tình đã có 200 con cái đến độ tuổi sinh sản và hơn 100 con dúi lớn nhỏ khác. Dúi thương phẩm phải nuôi từ 10 tháng trở lên, đạt 1,2kg mới xuất chuồng, bán với giá 500.000 đồng/kg. Dúi giống loại nhỏ 2 - 3 lạng với giá 1,5 - 1 ,8 triệu đồng/ cặp; còn loại đã sinh sản từ 2 - 3 triệu đồng.

"Tính ra từ bán dúi giống và dúi thương phẩm, mỗi năm trừ chi phí, tôi thu về hơn 300 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập mà nhiều người nông dân trong vùng đều mong ước", ông Tình kể lại.

Ông Phan Xuân Thành - Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên, cho biết: Mô hình nuôi dúi của ông Phan Hữu Tình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đầu ra ổn định. Đây là mô hình nuôi động vật rừng được cấp giấy phép thành công đầu tiên trên địa bàn huyện Nghi Xuân rất cần khuyến khích, nhân rộng.

Khác với việc phát triển mô hình nuôi dúi của ông Tình thì ông Lê Hồng Cường (sinh năm 1970, ở thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà), lại chọn cách nuôi chồn hương, loài động vật này hiện đang bán chạy ra thị trường.
 
2022082417
Ông Lê Hồng Cường kể lại quá trình làm chuồng đến mua giống về nuôi phải qua các quy trình mới được cấp phép

Theo ông Cường, sau một thời gian tìm tòi, tích lũy vốn kỹ thuật nuôi chồn hương, chồn mốc, cuối tháng 7/2021, ông đã lập phương án và gửi đơn đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi chồn gửi Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà và các thủ tục liên quan. Được sự cho phép của Chi cục Kiểm lâm địa phương, bước đầu ông đã đầu tư 12 cặp chồn hương, chồn mốc sinh sản có nguồn gốc từ tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Phước... về nuôi thử nghiệm.

"Để đảm bảo trong công tác chăn nuôi động vật, tôi đã đầu tư hơn 300 triệu đồng xây tường bao và mua gỗ làm cửa chuồng ngoài có lưới làm bằng sắt, trừ khe nhỏ để thuận tiện cho chồn ăn. Bên ngoài treo đồ đựng nước uống, bên trong gác cây cho chồn leo trèo giảm mỡ. Với bản tính ưa sạch sẽ, môi trường thoáng mát của chồn nên tôi bố trí chuồng trại cao ráo hơn với mặt đất để thuận tiện cho việc chăm sóc và khách đến tham quan", ông Cường cho biết.

Về nguồn thức ăn cho chồn, ông Cường chia sẻ, thức ăn cho chồn rất dễ tìm như chuối chín, cá rô phi… Một con chồn chỉ mất chi phí khoảng 1.500 đồng cho 2 bữa ăn mỗi ngày. Ngoài việc chăm sóc thì người nuôi chồn chú ý ngừa bệnh đường ruột cho chồn vì đường ruột yếu do ăn đồ sống và hoa quả.
 
2022082418
Những con chồn trưởng thành tại mô hình chăn nuôi của ông Lê Hồng Cường
 
Trong năm nay gia đình ông Cường đã bán được khoảng 100 triệu đồng chồn giống, bình quân chồn giống có giá 10 - 16 triệu đồng/cặp. Hiện, ông Cường đang xây dựng thêm chuồng trại để nuôi chồn thương phẩm. Giá bán chồn thương phẩm có giá 1.300.000 - 1.600.000 đồng/kg.
Nguyễn Đạt
Theo laodongthudo.vn

Link gốc: https://laodongthudo.vn/ha-tinh-nguoi-dan-manh-dan-dau-tu-nuoi-dui-rung-va-chon-huong-thu-loi-nhuan-cao-145108.html
 Từ khóa: Hà Tĩnh, dúi rừng, chồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây