Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua Hà Tĩnh có 3 dự án thành phần là đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng và đoạn Vũng Áng - Bùng (Quảng Bình) với tổng chiều dài 104 km.
Dự kiến có nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng khoảng 16,9 triệu m3 đất đắp nền đường và khoảng 1,3 triệu m3 đá
Để đảm bảo dự án được khởi công, triển khai đúng thời gian đề ra và tránh những vướng mắc tương tự trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương, trong đó có Hà Tĩnh, về việc phối hợp triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn.
Trong số các nhiệm vụ được đề cập, có nội dung về điều tra, khảo sát, kiểm tra các mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, trữ lượng, phù hợp với yêu cầu của dự án, được đặc biệt lưu tâm.
Theo số liệu thống kê ban đầu của Sở Tài Nguyên Và Môi Trường Hà Tĩnh, dự án giai đoạn 2021 – 2025 đi qua Hà Tĩnh dự kiến có nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng khoảng 16,9 triệu m3 đất đắp nền đường và khoảng 1,3 triệu m3 đá.
Nói về vấn đề trữ lượng, một lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh thông tin: “Về trữ lượng các mỏ đất, đá được cấp phép trên địa bàn các huyện có tuyến đường cao tốc Bắc – Nam đi qua và vùng phụ cận cơ bản đã đáp ứng nhu cầu xây dựng”.
Theo đó, các địa bàn nằm gần tuyến đường cao tốc, tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phép 34 mỏ đá xây dựng, tổng công suất khai thác gần 5,8 triệu m3/năm, tổng trữ lượng cấp phép 86 triệu m3; 20 mỏ đất san lấp, tổng công suất khai thác 2,3 triệu m3/năm, tổng trữ lượng khai thác gần 25 triệu m3 và 4 mỏ cát xây dựng, tổng công suất khai thác 61 nghìn m3/năm, tổng trữ lượng cấp phép 783 nghìn m3/năm.
Chưa có đánh giá cụ thể khả năng đáp ứng về mặt kỹ thuật...
Về giải pháp để đáp ứng nhu cầu, Sở TN&MT Hà Tĩnh sẽ có văn bản hướng dẫn các đơn vị đã được cấp phép khai thác đất san lấp trên địa bàn tỉnh thực hiện nâng công suất khai thác để phục vụ thi công dự án đảm bảo tiến độ.
Trước đó, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát và tham mưu bổ sung các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mới vào quy hoạch, thực hiện cấp phép khai thác phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh, trong đó có tính đến phục vụ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh đã bổ sung 3 khu vực đá xây dựng với tổng diện tích 73,2 ha, tài nguyên dự báo 10,980 triệu m3; 34 khu vực đất san lấp với tổng diện tích 495,9ha, tài nguyên dự báo 59,288 triệu m3 và 7 khu vực cát xây dựng với tổng diện tích 29ha, tài nguyên dự báo 1,050 triệu m3 vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Được biết, về chất lượng các mỏ đất san lấp có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu của dự án hay không, trong thời gian tới đây, ngành chức năng Hà Tĩnh sẽ có đánh giá cụ thể khả năng đáp ứng về mặt kỹ thuật đối với vật liệu san lấp cho công trình cao tốc Bắc - Nam.
Ở một diễn biến khác, trước tình hình giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng chủ yếu đang có nhiều biến động, xu thế biến động tăng. Ngày 23/3, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 959/BXD-KTXD, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương xác định, công bố giá vật liệu xây dựng...
Công văn nêu rõ: Theo quy định của Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 62/2020/QH14, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xác định, công bố giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng tại địa phương, bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng.
Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định rõ: UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ nêu trên, trước tình hình giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng chủ yếu đang có nhiều biến động, xu thế biến động tăng, khó dự báo ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng, nhiều địa phương đã tổ chức xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng bám sát diễn biến của thị trường và công bố kịp thời, theo định kỳ hàng tháng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số địa phương xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý, công bố chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát với giá thị trường. Nhiều danh mục công bố còn thiếu một số vật liệu xây dựng chủ yếu…
“Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của các chủ thể liên quan, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án” – Bộ Xây dựng nhận định.
Link gốc : http://antt.nguoiduatin.vn/ha-tinh-lieu-co-dap-ung-duoc-vat-lieu-cho-cao-toc-bac-nam-336639.htm