Hà Tĩnh: Khi sự thật không còn là sự thật – nỗi đau này ai thấu?

Thứ ba - 17/07/2018 11:19
Sau khi Báo điện tử Xây dựng đăng loạt bài liên quan đến hàng loạt sai phạm của TAND TP Hà Tĩnh đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khẳng định tại Quyết định số 21/QĐKNPT-VKS-DS ngày 28/6/2018 về kháng nghị phúc phẩm đối với Bản án số 01/2018/DS-ST ngày 30/5/2018 của TAND TP Hà Tĩnh, ở phương diện pháp luật, người nắm cán cân công lý làm sai ắt phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, cao hơn sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật là toà án lương tâm sẽ theo đuổi họ suốt cả cuộc đời.

Sau hơn 02 tháng tiếp cận hồ sơ vụ “kiện dân sự” của một cụ già hơn 92 tuổi, chúng tôi đã không khỏi băn khoăn trước vụ việc và càng băn khoăn hơn khi sự thật được đơn vị nhân danh pháp luật “thay đổi” và “sữa chữa” những chứng cứ pháp lý đã có làm cho vụ kiện kéo dài và không dứt điểm được, đẩy những người con trong gia đình rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt” trở nên bất hiếu, bất nghĩa.

Ở đây, chúng tôi không nói đến việc TAND TP Hà Tĩnh đã dùng “luật riêng” để tuyên án một cách khiên cưỡng trái pháp luật, trái đạo lý nên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã “tuýt còi” bằng Quyết định kháng nghị bản án. Chúng tôi cũng không nói đến những văn bản “nực cười” mà luật sư của nguyên đơn đã dày công “sưu tầm và tập hợp” như: Giấy xác minh tình trạng sức khoẻ của cụ Đặng Kim Thư ở Hội thơ, Giấy xác nhận (trái quy định) của UBND thị trấn Cẩm Xuyên về nguồn gốc đất… ,chúng tôi cũng không nói đến việc hơn 03 năm qua những người con là bị đơn trong vụ án đã “tất bật” ngược xuôi để chứng minh tình thân và đòi lại danh dự cho cha mình như thế nào.

Chúng tôi có niềm tin, những thông tin, tài liệu hợp pháp mà Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh trong 04 bài viết là những bằng chứng xác thực để TAND TP Hà Tĩnh tuyên án một cách công minh và thấu tình đạt lý. Vậy nhưng tại sao TAND TP Hà Tĩnh lại giải quyết vấn đề theo hướng ngược lại? Chúng tôi đã hơn một lần tự đặt mình vào vị trí của người “tuyên án” để phân tích, để suy ngẫm, nhưng rồi khi đọc lần lượt những lá đơn trình bày của các bị đơn, những “bức tâm thư” của chị em gái gửi cho nhau, những trăn trở của các người cháu gửi đến ông… tất cả chỉ với mong muốn được “người đại diện pháp luật” nói với ông những điều thấu tình, nói với ông chỉ được làm những việc pháp luật cho phép và tha thiết xin được đưa ông đi giám định sức khoẻ… Thế nhưng, nguyện vọng của con cháu cụ Thư hơn 03 năm “khẩn cầu” vẫn không được ưu ái chấp thuận. Chúng tôi vỡ ra rằng, không phải cụ đi kiện các con của mình mà vì cụ được tiếp cận bởi đơn vị tư vấn pháp luật “sai lệch” dẫn đường nên cụ cứ mãi tin và “lạc đường” suốt hơn 03 năm nay. Bằng chứng cho sự “sai lệch” là đã tư vấn cho cụ đến Văn phòng Công chứng Hồng Lam (VPCC Hồng Lam) huỷ bỏ “Biên bản bàn giao quyền sử dụng đất” và ngay sau đó khi phát hiện ra sự “non kém” của mình, VPCC Hồng Lam đã thu hồi lại văn bản này. Chúng tôi cũng tin tưởng, những người con là bị đơn trong vụ kiện hy hữu này yêu thương, kính trọng cha mình thật lòng.

Trước khi được tiếp xúc trực tiếp với họ, chúng tôi đã lặng lẽ đọc, lặng lẽ dõi theo họ trên từng trang bản khai suốt hơn 03 năm, trên những sinh hoạt đời thường qua các mạng xã hội như facebook, zalo… Mỗi dòng viết ra với bố mình là những lo lắng, trăn trở về sức khoẻ, về các hoạt động sinh hoạt hội nhóm, về sự quan tâm chăm sóc, an vui của tuổi già. Họ - những người con là các bà giáo già đã nghỉ hưu, suốt những lá đơn không hề nói đến tài sản nào khác ngoài mãnh đất mà họ đã sinh sống yên ổn hơn 35 năm. Chúng tôi cảm nhận được họ yêu tha thiết mãnh đất này, bởi ở đây 3 chị em gái được sống quây quần bên nhau, cùng nhau chăm sóc cha già, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi lúc tuổi xế chiều.

Rồi chúng tôi tự hỏi, lý do gì mà ở tuổi gần đất xa trời cụ Thư lại đâm đơn ra toà đòi lại mãnh đất “bé xíu” ở giữa mà chính ông đã ký giấy cho bà Đặng Thị Thảo cô con gái lớn goá bụa sống ly hương. Lý giải cho sự băn khoăn này, bà Đặng Thị Thảo chia sẻ: “Tôi có 3 người con gái, 2 đứa đã lấy chồng, 1 đứa công tác xa nhà nên trước khi chồng tôi mất đã có nguyện vọng sau này tôi về quê trước là phụng dưỡng cha già, sau là được sống giữa tình yêu thương đùm bọc của chị em gái và bà con lối xóm. Sau khi chồng tôi qua đời, vì quá đau buồn nên tôi đã lâm bệnh một thời gian dài. Trong lúc đó, cha tôi phần vì mất con rể, phần vì thương tôi nên có nhiều biểu hiện không bình thường (như tặng Hội người cao tuổi sổ tiết kiệm 05 triệu đồng xong sau đó lại bảo cho mượn) nên chị em chúng tôi đã bàn nhau đưa cụ đi kiểm tra sức khoẻ nhưng chưa kịp làm thì cụ lại gửi đơn ra toà để đòi mãnh đất cụ đã cho tôi năm 1992. Suốt 03 năm theo hầu Toà, bây giờ ai hỏi cụ lại bảo thương con Thảo nên đòi chia lại tài sản để cho nó. Tôi chỉ mong việc này sớm chấm dứt để tôi được dựng nhà trên đất của mình để chăm sóc, phụng dưỡng cha già những ngày cuối đời”.

Tiếp xúc với bà Đặng Thị Thanh (em gái bà Thảo), người sống chung với cụ Thư hơn 30 năm nay chúng tôi biết thêm rằng, những người con trong vụ kiện có đủ điều kiện để có thể “rời bỏ” mãnh đất này để đến sống ở một nơi khang trang hơn, tiện ích tốt hơn nhưng tại sao họ không làm? Đơn giản chỉ là họ không muốn “rời xa” nơi mà đã gắn với cuộc đời họ những hạnh phúc, buồn vui, những mất mát đau thương hằn sâu lên ký ức.

Ẩn khuất dưới những tòa nhà cao tầng ngay trung tâm TP Hà Tĩnh là nếp nhà xưa của cụ Thư vẫn được con cháu nâng niu gìn giữ.

Vẫn còn đó, góc nhỏ thân thương mà người mẹ quá cố thường ngồi tỉ mẫn nhặt từng chiếc lá chè xanh để ủ nước, rồi trịnh trọng rót bát đầu tiên bưng lên cho cha sau mỗi lần nếm thử mẻ kẹo mỗi sáng. Vẫn còn đó, tiếng trẻ bi bô gọi mẹ mỗi sáng mỗi chiều bên bếp lửa khi đứa con mới 3 tuổi bà đứt ruột sinh ra rời bỏ bà mà ra đi mãi mãi. Còn đó nếp nhà xưa nơi chị em quây quầy chia nhau từng củ khoai, tấm bánh đa thuở nhỏ, còn đó hương vị ngọt lịm của mật, cay nồng của gừng quấn quýt trong mỗi tấm cu đơ – nghề mà bà đã tâm huyết gây dựng gợi nhắc về một thời gian khổ mà đậm nghĩa, đậm tình. Phải có một tình thân đầm ấm bao la thì 3 gia đình, 3 thế hệ gồm 3 cặp vợ chồng và 4 đứa trẻ mới sinh sống hoà thuận, yên vui trong một ngôi nhà nhỏ 3 gian vách đất như vậy.

“Bây giờ mất mát lớn nhất không phải tài sản này thuộc về tôi, hay tài sản kia thuộc về các anh chị, mà gia đình chúng tôi đã mất đi tình thân, mất đi sự tôn nghiêm vốn có mà tổ tiên, ông bà tôi đã xây dựng. Tình thân không phải là món hàng có thể đem ra định giá, càng không thể vì những thứ ngoài thân mà đánh đổi. Cha tôi đã vất vả, khổ cực nhiều nên tôi chỉ mong cha tôi luôn được sống an nhàn, mạnh khoẻ, còn những việc khác cứ an bài như nó vốn dĩ tồn tại mấy chục năm nay. Chúng tôi vẫn sống và làm việc yên ổn trên mãnh đất cha mẹ tôi để lại mà không cần phải có GCNQSDĐ cũng không thấy bất an nếu mọi người cứ an phận với chính mình. Còn nếu thực sự cha tôi muốn có một căn nhà riêng ở giữa mãnh đất ông đang “khởi kiện” thì chúng tôi sẵn sàng dựng nhà để chị Thảo và các cháu có chỗ đi về và phụng dưỡng ông” - Bà Hương chia sẻ.

Và chúng tôi biết thêm rằng, khi sự thật không còn là sự thật, sự thật bị “bóp méo” được sắp đặt bởi bàn tay của những người đang nhân danh pháp luật thì nỗi đau, sự tủi hờn này ai thấu?

 

Nguồn tin: Xây dựng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây