Lúa chín vàng đồng không thu hoạch được do... bảo kê máy
Trao đổi với PV, nhiều hộ dân tại thôn Mỹ Trung, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên bức xúc cho biết, từ nhiều năm nay trên địa bàn một số thôn tại xã Cẩm Mỹ tồn tại tình trạng bảo kê máy gặt khiến việc thu hoạch mùa màng của người dân bị chậm so với các địa phương khác.
Người dân thôn Mỹ Trung, xã Cẩm Mỹ tồn tại nạn bảo kê máy gặt từ nhiều năm nay, một số đối tượng trong thôn tự gọi máy về rồi lấy tiền phần trăm khiến việc thu hoạch mùa màng của người dân bị ảnh hưởng
Chiều 25/5, ghi nhận của phóng viên tại cánh đồng thôn Mỹ Trung lúa đã chín vàng. Thời điểm PV có mặt, 2 máy gặt đập liên hoàn đang làm việc.
Theo bà T. (thôn Mỹ Trung), tuy lúa đã chín ngoài đồng nhưng vì nạn bảo kê máy gặt mà không thể thu hoạch. Có máy gặt đến, người dân năn nỉ thuê gặt nhưng chủ máy không dám nhận vì chưa được sự cho phép của người bảo kê.
Một người dân ngồi bên vệ đường chờ máy gặt cho biết, nạn bảo kê máy gặt diễn ra đã nhiều năm nay ở xã Cẩm Mỹ, đối tượng bảo kê là người trong thôn, trong xã. Người dân bức xúc vì chúng thao túng, điều hành máy gặt ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch lúa của dân nhưng sợ hằn thù nên không dám tố cáo.
Một phụ nữ đang đi chở lúa vừa được gặt cho hay: "Lẽ ra gia đình chị thu hoạch xong từ vài ba ngày trước nhưng do chờ đợi máy gặt nên bị chậm. Chị vừa gặt một ruộng, đang chờ gặt thêm ruộng khác".
Nhiều hộ dân cho rằng, gạo trong nhà đã hết, lúa đã chín ngoài đồng nhưng thu hoạch chậm do tình trạng tranh giành, bảo kê máy gặt
Theo người này, trong thôn có một người bảo kê máy gặt nên chỉ những máy gặt mà người này gọi về mới được gặt, còn máy khác tự đến sẽ không dám gặt vì bị hăm dọa.
“Một số người trong thôn tự gọi máy ở các xã khác về gặt. Một sào họ lấy của chủ máy gặt 20 - 30 nghìn đồng. Những chủ máy này nếu không đồng ý chung tiền thì không dám gặt. Chính vì nạn bảo kê này mà cánh đồng lúa Trung Mỹ gặt chậm hơn những chỗ khác”, người này nói.
Phải “cắt” 25.000 đồng/ sào cho những người bảo kê
Theo một chủ máy gặt đến từ xã Cẩm Duệ đang gặt lúa ở cánh đồng thôn Mỹ Trung, máy của gia đình về gặt ở đây đã 2 ngày và đã gặt được gần 20 mẫu (100.000m2). Giá gặt 150.000 đồng/sào, theo thống nhất từ trước.
“Một người tên V. ở trong thôn Mỹ Trung, xã Cẩm Mỹ gọi tôi đưa máy về gặt và đã thu tiền bảo kê 25.000 đồng/ sào. Mùa gặt năm trước, khi về đây gặt, máy của gia đình tôi cũng bị thu 20.000 đồng/sào tiền bảo kê", người này kể.
Cũng theo anh V., mức “cắt” bảo kê cao quá, trong khi máy gặt còn chi phí tiền dầu, tiền thuê 2 lao động đi kèm máy để hứng lúa vào bao tải, buộc lúa, rồi tiền ăn uống nên chủ máy chẳng còn được là bao. Đó là chưa kể máy nhiều lúc còn bị hư hỏng, chi phí sửa chữa tốn kém.
Người này cũng chia sẻ, mong không phải cắt phần trăm cho người bảo kê để tính giá gặt thấp hơn, đỡ phần nào cho người dân.
Một chủ máy gặt phải cắt cho người bảo kê 25.000 đồng/sào nếu muốn gặt ở đây
“Nhà tôi có bớt cho dân họ cũng không bớt cho tôi”, chủ máy này nói và than phiền đã đi gặt nhiều nơi nhưng ở xã Cẩm Mỹ nạn bảo kê vẫn mạnh nhất, lấy phần trăm cao nhất.
Anh T. - một người từng mua máy gặt về nhưng bị nạn bảo kê chèn ép đã phải bán máy chia sẻ: Thời điểm đó, phía bắc xã Cẩm Mỹ chỉ có máy tôi mua về làm việc, giá mỗi sào là 130.000 đồng. Các máy ở các địa phương khác đưa về gặt có giá 160.000 đồng. Khi đang gặt thì máy bị hỏng do có kẻ xấu đem các cọc sắt bỏ xuống ruộng. Công an có về điều tra nhưng khó tìm được kẻ xấu nên thôi. Sau này, vì nhiều lý do nên tôi phải bán máy, chấp nhận thua lỗ.
Đề cập đến vấn đề trên, Trung tá Lương Văn Dũng, Trưởng Công an xã Cẩm Mỹ cho biết, trước đây, khi chưa có công an chính quy về trên địa bàn, tình trạng bảo kê, tranh giành địa bàn giữa các máy gặt là có. Tuy nhiên, từ khi lực lượng công an chính quy về "cắm chốt" tình hình trật tự trị an được lập lại, không xuất hiện tình trạng bảo kê máy gặt nữa.
"Về việc các đối tượng như V., gọi máy gặt về rồi cắt phần trăm như phản ánh của báo chí, chúng tôi sẽ cho điều tra, xử lý" ông Dũng nói.
Trao đổi với PV, ông Hà Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ thông tin, đầu mùa gặt này, xã đã giao các thôn làm việc với các chủ máy gặt trong xã để thông báo đưa ra định mức giá gặt không quá 140.000 đồng/sào. Tuy nhiên, do ruộng lúa ở xã Cẩm Mỹ manh mún, bậc thang nên khi gặt có thể tăng lên một chút là do thỏa thuận giữa người dân với chủ máy.
Về thông tin có nạn bảo kê máy gặt, ông Hùng cho rằng xã chưa có cơ sở xử lý vì xã chưa nhận được đơn thư phản ánh của người dân. Chỉ khi có đơn thư mới có cơ sở để xử lý.
Link gốc: https://www.baogiaothong.vn/ha-tinh-chu-may-nong-dan-khon-kho-vi-nan-bao-ke-may-gat-d592171.html