Gỡ khó cho các làng thanh niên lập nghiệp tại Hà Tĩnh
Thứ tư - 17/04/2019 06:07
Sau một thời gian triển khai, đi vào hoạt động, các dự án xây dựng làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) ở Hà Tĩnh đang đối mặt không ít khó khăn, bởi những yếu kém trong công tác khảo sát, dự báo và quản lý đầu tư, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng ý chí, tinh thần khởi nghiệp của thanh niên địa phương.
Ngoài nhà điều hành dự án được hoàn thành, nhiều hạng mục đầu tư tại Làng TNLN tây Kỳ Anh hiện vẫn dở dang.
Đầu tư nửa vời
Nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, xây dựng kinh tế hộ gia đình bền vững, năm 2015, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức khởi công dự án xây dựng Làng TNLN tây Kỳ Anh. Với tổng mức đầu tư xây dựng 59 tỷ đồng, Làng TNLN tây Kỳ Anh được quy hoạch nằm trong địa giới hành chính ba xã: Kỳ Trung, Kỳ Tây và Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh); với quy mô 2.800 ha, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội cho 180 hội viên. Thế nhưng khác với những kỳ vọng trong ngày đầu khởi công dự án, sau hơn ba năm đầu tư, khai thác, Làng TNLN tây Kỳ Anh đang đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc do không huy động đủ nguồn vốn đầu tư và không kêu gọi được các thanh niên lên vùng kinh tế mới khởi nghiệp. Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án xây dựng Làng TNLN tây Kỳ Anh Hồ Xuân Hiếu cho biết, khi triển khai dự án, phần lớn diện tích đất đai thuộc phạm vi, ranh giới dự án đã được bàn giao cho người dân sản xuất, quản lý, vì vậy trên thực tế Làng TNLN tây Kỳ Anh chỉ quản lý một phần rất nhỏ diện tích dùng để xây dựng các công trình hạ tầng như: Nhà văn hóa, nhà làm việc, nhà ở của BQL và một số tuyến đường bê-tông.
Do thiếu quỹ đất triển khai dự án cho nên thay vì kêu gọi, bố trí đất sản xuất cho 145 đội viên mới như kế hoạch, BQL dự án đã thực hiện phương thức vận động đoàn viên, hội viên tại địa phương tham gia dự án theo phương thức sắp xếp tại chỗ. Với phương thức triển khai này, Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh) Nguyễn Văn Dương cho rằng, nếu không có dự án làng TNLN thì những hộ dân sinh sống tại đây vẫn tham gia sản xuất và quản lý diện tích đất hiện có. Qua theo dõi và phản ánh của người dân cho thấy, đến nay dự án chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng của địa phương. Bên cạnh việc thiếu quỹ đất để bố trí sản xuất, theo đại diện BQL dự án, mặc dù đến năm 2019 dự án sẽ kết thúc giai đoạn đầu tư, xây dựng, tuy nhiên nguồn vốn bố trí triển khai đến nay mới chỉ đạt gần 30%, cá biệt nguồn vốn cam kết hỗ trợ của tỉnh chỉ mới đạt khoảng 8%. Vì vậy, đến nay, mới chỉ có hai phần ba hộ dân kết nối, thụ hưởng được hệ thống hạ tầng và các đề án sản xuất cũng chỉ dừng lại ở mức khởi động.
Khác với tình cảnh “khát” vốn và đất ở dự án xây dựng Làng TNLN tây Kỳ Anh, dự án xây dựng Làng thanh niên xung phong (TNXP) nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh (huyện Thạch Hà) được triển khai xây dựng từ năm 2009. Trung ương Đoàn hỗ trợ gần 36 tỷ đồng và giao Tỉnh đoàn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư và triển khai dự án. Đón nhận và kỳ vọng vào sự thành công của dự án, chính quyền địa phương đã khẩn trương hoàn tất thủ tục và bàn giao 120 ha diện tích đất tại vùng nuôi trồng thủy sản xã Thạch Kênh cho chủ đầu tư triển khai dự án. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Nguyễn Thế Hoàn, mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng làng TNXP nuôi trồng thủy sản nước mặn. Tuy nhiên, trước thời điểm khởi công xây dựng, dự án ngọt hóa sông Nghèn đã được hoàn thành, do đó, hàng nghìn héc-ta diện tích đất nông nghiệp, đất nhiễm mặn và hạn hán tại các huyện Can Lộc, Lộc Hà và Thạch Hà (bao gồm khu vực xây dựng Làng TNXP nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh) đã được ngọt hóa, buộc BQL dự án phải chuyển đổi mục đích từ nuôi trồng thủy sản nước mặn sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tại thời điểm triển khai, mặc dù việc chuyển đổi mục tiêu dự án đã được tiến hành, song theo phản ánh của chủ đầu tư, những điều chỉnh chủ yếu nằm ở việc thay đổi từ ngữ, còn các hạng mục của dự án vẫn được thi công như thiết kế ban đầu. Ngoài ra, do thực hiện quy hoạch, thiết kế rập khuôn, không đưa ra được phương án sản xuất hợp lý cho nên ngay từ đầu dự án không tạo ra sức hút với thanh niên khởi nghiệp. Vì vậy, sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư (năm 2015) đến nay, dự án bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận. Thực trạng đang xảy ra tại hai làng thanh niên nêu trên có cùng điểm chung và cũng là nguyên nhân chính gây ra những khó khăn sau này, đó là những yếu kém trong công tác khảo sát, lựa chọn mục tiêu, hình thức xây dựng. Do đó, các đơn vị liên quan cần nhận thức nghiêm túc và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao triển khai dự án.
Lúng túng tìm hướng đi
Qua tìm hiểu được biết, trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có bốn dự án xây dựng làng TNLN được triển khai. Ngoài dự án Làng TNLN Tây Sơn (nay là Tổng đội TNXP Tây Sơn) đang được quản lý, vận hành khá hiệu quả, các dự án còn lại hiện đối mặt với nhiều tồn tại, vướng mắc cần sớm có phương án tháo gỡ. Tại huyện Hương Khê, trên cơ sở dự án Làng TNLN Phúc Trạch, năm 2008, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Tổng đội TNXP xây dựng vùng kinh tế Phúc Trạch với 160 hộ đội viên, quản lý, khai thác hơn 684 ha đất các loại. Theo phản ánh của người dân xã Phúc Trạch, trong khi người dân vùng bưởi Phúc Trạch và cây dó trầm đang thiếu đất sản xuất thì gia đình các đội viên ở tổng đội lại thực hiện việc bán và chuyển nhượng đất cho các hộ dân ở địa phương khác mang tính đầu cơ đi ngược lại với mục đích ban đầu của dự án. Ông Phan Văn Xuân, ở xóm 1 (xã Phúc Trạch) cho rằng, trước đây Nhà nước giao đất cho các gia đình đội viên với mục đích khai thác, quản lý và lập nghiệp chứ không phải giao đất để bán. Nếu các gia đình không có nhu cầu sử dụng thì phải bàn giao cho địa phương quản lý, tổ chức sản xuất. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Phan Văn Tính, đến thời điểm hiện tại đã có 27 hộ gia đình đội viên tiến hành sang nhượng, bán đất cho người khác. Mặc dù người dân rất bức xúc về việc sang nhượng, mua bán đất tại tổng đội, tuy nhiên trên thực tế, sau khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, địa phương không thể can thiệp việc mua bán, trao đổi đất giữa các hộ dân. Bên cạnh đó, khi giao đất các bên liên quan không có cam kết rõ ràng cho nên việc kiểm soát người dân mua bán, chuyển nhượng đất sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là điều không thể. Cũng theo phản ánh của chính quyền và người dân địa phương, một số diện tích đất sản xuất, nhất là phần diện tích gần 3 ha tại vị trí trung tâm xã hiện do tổng đội quản lý cũng đang bị bỏ hoang, gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân.
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Phan Kỳ, trên thực tế, sau khi chuyển sang tổng đội thì dự án xây dựng làng TNLN đã hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay đơn vị đang xây dựng đề án quản lý, vận hành bộ máy ở tổng đội theo hướng tự chủ, trường hợp mô hình mới hoạt động không hiệu quả, đơn vị sẽ lập phương án, bàn giao tài sản, đất đai cho địa phương. Đối với những tồn tại, khó khăn tại các làng TNLN trên địa bàn hiện nay, mặc dù đơn vị đã nhiều lần nghiên cứu, đề xuất thực hiện các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, song đến nay vẫn chưa tìm được hướng đi phù hợp.