Mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm trường phổ thông dân tộc nội trú, khi đề cập vụ hiệu trưởng Trường PTDTNT Thanh Sơn (Phú Thọ) bị tố xâm hại tình dục hàng loạt nam sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, để xảy ra vụ việc như thế này là “rất đau lòng”. “Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức nhà giáo trong các trường nội trú.” Bộ trưởng khẳng định.[1]
Quả thực đây là chuyện đau lòng mà bất cứ ai cũng phẫn nộ nếu nó xảy ra. Nhưng cũng xin có đôi điều lạm bàn.
Vấn đề đạo đức nhà giáo không còn bó hẹp trong phạm vi “trường nội trú”, bởi lẽ chuyện ông Đinh Bằng My xâm hại tình dục học sinh không còn là “trường hợp cá biệt”. Và vì thế, tầm mức của vấn đề không dừng ở “hồi chuông cảnh tỉnh” mà là báo động đỏ về đạo đức nhà giáo hiện nay.
Trường dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn
Công tác trong ngành đã lâu, nhưng tôi có cảm giác chưa bao giờ, ngành giáo dục xảy ra dồn dập những vụ việc tiêu cực khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người thầy như năm 2018 này.
Thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có hơn một chục vụ thầy cô giáo, hoặc là xâm hại tình dục, hoặc là bạo hành học sinh bị phanh phui trên báo chí và mạng xã hội.
Đó là các vụ mang tính chất bạo hành như vụ thầy giáo ở Phú Nhuận (TP.HCM) nhục mạ học sinh, vụ cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, vụ cô giáo trường THCS Thị trấn Vân Đình (Hà Nội) tát học sinh chảy máu miệng, gãy răng, vụ 231 cái tát ở trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình), vụ cô giáo ép học sinh tát bạn 50 cái ở trường tiểu học Quang Trung (Hà Nội), v.v…
Các vụ xâm hại tình dục học sinh gây chấn động dư luận: Vụ Nguyễn Quang Chung (giáo viên trường tiểu học Zơ Nông, Nam Giang, Quảng Nam vừa bị kết án 24 năm tù giam về 2 tội Dâm ô trẻ em và Hiếp dâm trẻ em), vụ thầy T.C.D ép 12 nữ sinh làm chuyện đồi bại trong các giờ học ở trường T.X (Huyện Hóc Môn, TP HCM); vụ Nguyễn Đình Lê, giáo viên Trường tiểu học An Thượng A, (Hoài Đức, Hà Nội) dâm ô với hàng loạt học sinh, và vừa mới đây là vụ hiệu trưởng Đinh Bằng My, v.v…
Với những ví dụ như thế, đủ để coi vấn đề đạo đức nhà giáo (sự tha hóa) đã đến mức báo động đỏ. Nếu không nhìn thẳng vào sự thật, “đau đầu” để có giải pháp và hành động đúng đắn, kịp thời mà chỉ “đau lòng” thì chuyện bạo hành, xâm hại học sinh sẽ chưa dừng lại.
Mặt khác, tôi đồng ý với Bộ trưởng “Trường hợp này (vụ ông Đinh Bằng My – người viết chú thích) cần lên án và pháp luật phải xử lý nghiêm” nhưng không tán thành khi Bộ trưởng nói “Tuy nhiên, ngành giáo dục, nếu chỉ dừng lại ở đó, là chưa đủ, bởi đi từ gốc, bản thân học sinh phải được giáo dục giới tính tốt, có kỹ năng phòng chống xâm hại. Chính học sinh phải là người tự bảo vệ mình”.[2]
Thì đấy, trường PTDTNT Thanh Sơn đã từng tổ chức chương trình “Ngoại khóa phòng chống xâm hại trẻ em năm 2018”. Trong chương trình ngoại khóa đó, chẳng phải ông Đinh Bằng My đã có phần hùng biện rất “thuyết phục” về nạn xâm hại tình dục trẻ em sao? Đó chính là bằng chứng sinh động về sự giả dối, vấn đề nhức nhối nhất đang hiện hữu trong môi trường giáo dục hiện nay.
Theo thông tin báo chí, để thực hiện hành vi dâm ô, ông My thường xuyên cho thầy cô giáo trong trường gọi học sinh lên phòng làm việc của mình. Vậy mà, hai phó hiệu trưởng cùng chủ tịch công đoàn nhà trường cũng như các thầy cô khác đều khẳng định không biết chuyện này?
Trong môi trường giáo dục mà người lớn - những thầy cô giáo - đều im lặng làm ngơ trước cái xấu của lãnh đạo, còn hiệu trưởng thì đe dọa, liệu các em học sinh có “tự bảo vệ” nổi mình?
Bộ trưởng hẳn còn nhớ cách ứng xử của Ban giám hiệu trường THCS Duy Ninh về vụ học sinh nhận 231 cái tát? Họ đã làm cái việc vô tiền khoáng hậu đó là phát phiếu “điều tra” theo kiểu trấn áp tinh thần, ép 23 em học sinh lớp 6.2 trả lời 19 câu hỏi nhằm mục đích “biến chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành như không” chỉ để níu giữ cái danh “trường chuẩn quốc gia”.
Video
Những đứa trẻ chưa thành niên liệu có thể “tự bảo vệ mình” trước những người thầy ở vị trí nắm quyền lực lớn nhất trong nhà trường như Sầm Đức Xương, Đinh Bằng My…?
Làm gì để giảm thiểu và đi đến chấm dứt tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trong trường học? Đây là câu hỏi lớn xã hội đang đặt ra cho cá nhân Bộ trưởng và lãnh đạo các cấp ngành giáo dục.
Giáo dục có rất nhiều vấn đề cần phải đại phẫu. Cá nhân người viết bài này chỉ ước mong đơn giản: Thầy ra thầy, trò ra trò. Để làm được điều đó, Bộ trưởng và các đồng sự hãy giảm nhẹ tư duy dự án, chăm lo chuyên môn, dành sự quan tâm nhiều hơn đến chuyện dạy - học và đời sống của thầy và trò, loại bỏ những giá trị ảo làm trầm trọng bệnh thành tích như sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên giỏi, trường chuẩn quốc gia, tỉ lệ thi cử, lên lớp,… giải phóng người thầy khỏi những ràng buộc hành chính vô nghĩa lý để họ toàn tâm toàn ý cho công việc chuyên môn của mình.
Nhà sư phạm nổi tiếng người Nga thế kỉ 19, Usinxki từng khẳng định: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.
Ý thức được điều đó, mong Bộ trưởng hãy “đau đầu” để hành động và kiến tạo, xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh chứ đừng dừng lại ở trái tim xúc cảm mà “đau lòng” xót thương!
Nguyễn Duy Xuân
------
[1]. Bộ trưởng Giáo dục cảnh tỉnh đạo đức nhà giáo sau vụ dâm ô, Tiền Phong, 18/12/2018.
[2]. Bộ trưởng GD&ĐT: Rất đau lòng vụ học sinh tố bị hiệu trưởng xâm hại, Zing News, 17/12/2018.