Ngày 31/10, ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký Quyết định số 42/2023/QĐ-UBND về việc quy định mức chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực kể từ ngày 10/11/2023.
Quyết định này áp dụng đối với 7 nghề đào tạo cho người khuyết tật (gồm tin học văn phòng, sửa chữa điện dân dụng, may công nghiệp, mây tre đan, sửa chữa xe máy, thú y) và 45 nghề đào tạo của 5 nhóm nghề (nhóm nghề nông – lâm – ngư nghiệp; nhóm nghề kỹ thuật – công nghiệp; nhóm nghề thương mại – dịch vụ; nhóm nghề nghệ thuật; nhóm nghề sức khoẻ - làm đẹp).
Nhiều cơ sở đào tạo ở Hà Tĩnh đã từ chối thẻ học nghề miễn phí của quân nhân xuất ngũ do vướng mắc, chưa được thanh toán kinh phí đào tạo của năm trước. (Ảnh: Trần Hoàn)
Quy định trên là căn cứ để xác định mức hỗ trợ chi phí đào tạo cho từng đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo quy định pháp luật.
Như vậy, kể từ ngày 10/11, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với nghề lái xe ô tô hạng B1 (13,9 triệu đồng), B11 (12,8 triệu đồng), B2 (13 triệu đồng), hạng C (15 triệu đồng).
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả trăm chiếc thẻ học nghề cho quân nhân xuất ngũ không được đón nhận tại các cơ sở dạy nghề ở Hà Tĩnh (Ảnh: Trần Hoàn)
Quyết định trên sẽ giúp chấm dứt tình trạng từ chối nhận thẻ học nghề của thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh. Đồng thời sẽ là cơ sở để các đơn vị đào tạo nghề thanh quyết toán số tiền nhiều tỷ đồng còn bị “mắc kẹt” suốt hơn 1 năm qua.
Trước đó vào ngày 23/10, ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Tĩnh có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến nội dung Báo VietNamNet phản ánh, trong đó thừa nhận: “Thời gian qua có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn hạn chế việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký học nghề của các học viên thuộc đối tượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an.
Điều này làm ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và quyền lợi của học viên mong muốn được học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Về nguyên nhân chậm thanh toán kinh phí đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Đặng Văn Dũng cho rằng, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2022, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an được áp dụng theo Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 và Nghị quyết số 262/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 43/2016 ngày 28/12/2016 của Bộ LĐTB&XH, việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh. Việc Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành nội dung trên là trái quy định, phải bãi bỏ.
Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an sẽ được miễn phí đào tạo nghề lái xe hạng B1,B2, C. (Ảnh: Trần Hoàn)
Để kịp thời ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và chi phí đào tạo nghề, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu trình UBND tỉnh xem xét.
UBND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có kiến nghị đề xuất với với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn địa phương thực hiện.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, Bộ Tài chính và Bộ LĐTB&XH đã có các văn bản trả lời nhưng nội dung vẫn còn chung chung nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Vì thế, tổng số tiền chưa thanh toán cho 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lên tới hơn 6,23 tỷ đồng.