Quyết tâm thực hiện nỗi trăn trở
Với 70% diện tích là đồi núi, khe suối nên tình trạng học sinh đuối nước vào dịp hè luôn cao nhất tỉnh. Thấu hiểu điều đó chính quyền địa phương huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng như ngành giáo dục trở thành một nỗi trăn trở.
Nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn đuối nước ở trẻ em, HS là do các em không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý khi xảy ra tai nạn đuối nước, môi trường sống không an toàn, có nhiều ao hồ, sông suối, trong khi đó lại thiếu sự quan tâm của cha mẹ, người thân.
Để khắc phục tình trạng này chính quyền huyện Hương Khê đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau xây dựng các bể bơi trong trường học nhằm phục vụ hoạt động giáo dục thể chất, công tác phòng chống thương tích, phòng tránh đuối nước trong trường học.
Không chỉ đưa nội dung GD kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước vào các hoạt động thường xuyên tại các nhà trường, ngành GD-ĐT Hà Tĩnh còn triển khai tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, HS cho cán bộ, giáo viên.
Trao đổi với phóng viên thầy giáo Nguyễn Hải Dương- Giáo viên giáo dục thể chất Trường tiểu học thị trấn Hương Khê cho biết, đây là năm thứ hai trường tổ chức dạy bơi cho các em. Đây là một hoạt động thể thao ý nghĩa thu hút rất nhiều học sinh tham gia.
Hè năm 2017 trường đã đón nhận dạy bơi khoảng 200 em học sinh, chủ yếu học sinh tiểu học. Sau khóa học phần lớn học sinh đều được dạy kỹ năng bơi và thành thạo, chỉ một số em quá nhỏ chưa tiếp thu các thầy sẽ tiếp tục cho các em học tiếp đến khi bơi thành thạo mới thôi.
Trường tiểu học thị trấn Hương Khê là trường có số học sinh học bơi lớn nhất huyện nên được lắp đặt hai bể bơi với 3 thầy giáo luân phiên nhau dạy.
Theo thầy Lê Ánh Dương – Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Hương Khê, dạy bơi là giúp dạy các em kỹ năng sống, kỹ năng thích nghi với môi trường để hạn chế tối đa những rủi ro.
Với số lượng học sinh đông trường tiểu học thị trấn Hương Khê được đầu từ 2 bể bơi nhằm đáp ứng nhu cầu học bơi của các em. Dù mới mở được hai đợt hè nhưng trường đã có hơn 300 học sinh bơi thành thạo. Đây là một điều đáng mừng, cũng nhờ đó mấy năm trở lại đây thị trấn không có một học sinh nào bị đuối nước, thầy Dương tự hào chia sẻ.
Huyện đẩy mạnh công tác chống đuối nước
Theo báo cáo trên toàn huyện Hương Khê sẽ cho lắp đặt 24 bể bơi, (23 bể bơi trong 23 trường tiểu học và 1 bể bơi trong trường trung học cơ sở) trong đó có 16 đơn vị đã hoàn thành kế hoạch tổ chức dạy bơi.
Thầy Trần Đình Hùng – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hương Khê cho biết: Hương Khê là một huyện miền núi có địa hình phúc tạp, nhiều núi đồi, sông suối, số lượng học sinh lớn, hơn 2000 học sinh phải đi học qua cầu, thuyền. Chỉ riêng năm 2018 đã có 5 trường hợp đuối nước thương tâm với 6 em học sinh chết đuối. Đặc biệt vào mùa mưa lũ toàn huyện có tới 50% học sinh phải nghỉ học không thể tới trường vì ngập lụt.
Không đâu xa riêng lũ lụt 2016 có những trường phải nghỉ học tới 1 tháng. Thấu hiểu được vấn đề này sau đợt mưa lũ vào cuối năm 2016, UBND huyện Hương Khê cũng như phòng giáo dục đã xin MC Phan Anh và được đồng ý tài trợ 23 bể bơi thông minh cho 23 trường tiểu học trên toàn huyện, với một bể bơi trị giá 65 triệu đồng.
Thầy Hùng cho biết, đến nay 16 trường đã lắp đặt và tiến hành dạy bơi cho các em, còn một số trường còn có một số khó khăn nên chưa thể lắp đặt được. Chỉ sau một năm đi vào hoạt động, bể bơi thông minh kết quả ban đầu đạt được rất tốt. Việc học bơi giúp trang bị cho các em học sinh được những kỹ năng phòng chống đuối nước.
Cũng theo thầy Trần Đình Hùng – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Hương Khê, việc thực hiện bể bơi thông minh trong trường học có nhiều mặt tích cực nhưng để thực hiện được đồng bộ thì cũng còn có một số khó khăn. Một số trường khó khăn về nguồn nước sạch. Hay như việc đảm bảo vệ sinh cho các em thì cần có dung dịch để khử nhưng hiện tại lượng cung cấp cho các bể bơi của tuyến huyện vẫn không thể đủ. Ngoài ra, một số trường nhà đa năng rộng có thể đặt bể bơi nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu đưa ra ngoài và làm mái che, tuy nhiên làm nhà mái che chứa bể bơi chi phí lớn, nhiều trường không có kinh phí để thực hiện, nhận thức của phụ huynh về việc dạy bơi cho con cũng chưa thật sự cao…
Điều ghi nhận khi đưa bể bơi đa năng vào trường học giúp cho các em học sinh có một sân chơi thể thao bổ ích trong dịp hè. Không những thế, việc làm này nhằm trang bị cho các em những kỹ năng phòng chống đuối nước vì sau một khóa học toàn bộ học sinh đều biết bơi thành thạo. Đây là một mô hình hoạt động rất hiệu quả và đáng được nhân rộng trên địa bàn toàn tình tỉnh.
Diễm Phước
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng