Hà Tĩnh: Bị tố ép các trường mua phần mềm y tế học đường, trưởng phòng "họ nói rờ rờ"

Thứ ba - 10/12/2019 10:17
Vừa qua dư luận tại Hà Tĩnh xôn xao về thông tin Phòng GD-ĐT Can Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bị tố “ép” các nhà trường ký hợp đồng cung cấp phần mềm hệ thống quản lý y tế học đường. PV Infonet đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo phòng về sự việc này.
Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Can Lộc
Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Can Lộc

Mua để lãnh đạo bằng lòng

Trên trang mạng cá nhân của mình, V. L. viết: “Thông tin đáng tin cậy của một số giáo viên công tác tại huyện Can Lộc, hiện nay, phòng GD&ĐT đang bắt các trường học trên địa bàn ký hợp đồng cung cấp phần mềm hệ thống quản lý y tế học đường (Smart Health) với Công ty TNHH GP SCHOOL, địa chỉ số 03/22/1197 Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội”.

Theo hợp đồng này, phần mềm hệ thống quản lý y tế học đường (Smart-Health) có giá là 8 triệu đồng, thời hạn sử dụng 1 năm. Bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi, nếu bên mua không có bất kỳ thông báo nào thì thời hạn sử dụng phần mềm được tự động gia hạn. Phí gia hạn theo quy định của nhà cung cấp tại thời điểm thu phí là không quá 15% phí ban đầu.

Cũng theo facebook V.L, hiện nay, các nhân viên y tế học đường đã được điều chuyển sang ngành y tế phụ trách, công tác tại các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện hoặc các Trung tâm y tế, Trạm xá. “Nếu còn nhân viên y tế học đường thì các nhân viên này sẽ phụ trách, còn bây giờ nhân viên y tế đã chuyển đi, ai sẽ phụ trách phần này”, một Hiệu trưởng (không công khai danh tính) bức xúc.

“Điều kì lạ là các nhà trường, các chủ tài khoản là người sẽ trực tiếp kí hợp đồng, nhưng không được bàn bạc, không hề chủ động đề xuất, nhưng từ Phòng ép xuống nên vô cùng ngán ngẩm. “Không kí thì lãnh đạo phòng không bằng lòng, mà kí thì cay đắng lắm. Nên chịu như bò chịu đực”, một bạn chua chát”, V.L viết.

“Theo điều tra của chúng tôi, hiện nay phầm mềm trở thành vấn nạn, là nơi trục lợi của một nhóm cơ hội, là nơi ngậm đắng nuốt cay của các chủ tài khoản.

Môt Hiệu trưởng gọi điện trao đổi: “Thầy ơi, từ trước đến nay, phần mềm ép theo kiểu ni (này). Nào là phần mềm quản lí thư viện- thiết bị, nào là phần mềm Kiểm định chất lượng giáo dục, nào là phần mềm kế toán tài chính mà mỗi phần mềm như vậy có giá cao ngất ngưởng 15 triệu đồng. Mua những phần mềm ấy chủ yếu làm bằng lòng lãnh đạo còn chẳng để làm gì”, V.L. thông tin.

 
T2019121012 1
V. L. đăng tải thông tin trên facebook cá nhân

“Nói thật với thầy, từ trước đến nay chỉ có 1 phần mềm khả dụng là phần mềm quản lí Tài chính. Nhưng từ năm thứ 2 trở đi, chúng em không phải chỉ trả 15% số tiền gia hạn mà đến 33,3% (nghĩa là mỗi năm phải trả thêm 5 triệu đồng). Như vậy, phần mềm là mềm cho 1 nhóm người mà thôi. Thầy thử nhân lên số các trường, tiền hàng tỷ cả đấy”, V.L tiếp tục.

Triển khai theo chỉ đạo của Sở

Trước những thông tin nói trên, để có cái nhìn khách quan, đa chiều, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Can Lộc. Nói về thông tin phòng “ép” các trường mua phần mềm quản lý y tế học đường, Trưởng phòng Nguyễn Thị Hường, chất vấn: “Đơn vị nào mà phản ánh rờ rờ (ý là nói không có căn cứ-PV) thế. Khi đưa thông tin thì phải nắm bắt qua Phòng đã chứ. Mới nghe nói mà đưa thông tin thì có đúng luật không?”.

“Đành rằng việc họ thông tin thì không cấm được nhưng thông tin phải đúng, phải có cơ sở, kể cả những người cung cấp thông tin và người viết lên việc đó. Đúng sai là anh phải chịu trách nhiệm, cứ nghe nói rồi viết lên là không được. Không phải cố làm Bao Công để bảo vệ các trường mà không coi Phòng, coi Sở ra gì”, Vị trưởng phòng nói thêm.

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục Can Lộc, Phòng triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Sở. Công văn của Sở hướng dẫn các đơn vị tổ chức tập huấn triển khai, tất cả các Phòng đều thực hiện chứ đâu chỉ riêng Can Lộc.

“Tập huấn là để tiếp thu được đến mức độ nào, có sử dụng được hay không? Việc đó giao các trường thôi, trường nào cần thì dùng, không cần thì thôi, ai bắt ép được. Phòng cũng không có quyền bắt trường phải sử dụng hay không sử dụng”, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo Can Lộc khẳng định.

“Riêng Can Lộc, chúng tôi để cho Hiệu trưởng phát biểu, cái gì được, cái gì chưa được, rồi đề xuất, sau đó đưa hồ sơ về tiếp tục nghiên cứu. Phòng sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến chứ có chỉ đạo gì đâu, có bắt ép gì đâu”.

 
T2019121012 2
Hợp đồng cung ứng phần mền quản lý y tế học đường với giá 8 triệu đồng/năm

Theo bà Hường, không phải chỉ tiếp cận mấy chục phút là đánh giá được phần mềm tốt hay không tốt. Khi người ta đã nghiên cứu ra, chắc chắn là có tác dụng. Có những cái mặc dù không chuyên môn thì hiệu trưởng vẫn quản lý được: “Phần mềm nó liên thông, chẳng hạn cháu mầm non 5 tuổi, sức khỏe như thế này thì sang năm sau lên tiểu học, người ta vẫn theo dõi được. Kể cả khi hết tiểu học lên THCS người ta vẫn theo dõi quá trình sức khỏe của cháu này được”.

PV đặt vấn đề, hiện nay tại các trường học đã sử dụng rất nhiều phần mềm bắt buộc trả tiền, loại phần mềm này có giá giao động từ 8 triệu đến 15 triệu đồng/năm. Về vấn đề này Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Can Lộc khẳng định: “Tất cả các phần mềm bây giờ đang miễn phí hết, vấn đề là các trường có dùng hay không thôi. Có thể nó đắt nhưng thật sự có hiệu quả cho hàng ngàn học sinh thì vẫn nên làm. Riêng Can Lộc thì chưa làm kinh doanh bất cứ phần mềm nào cả”.
Trần Hoàn
Theo Infonet.vn

Link gốc bài viết: https://infonet.vn/ha-tinh-bi-to-ep-cac-truong-mua-phan-mem-y-te-hoc-duong-truong-phong-ho-noi-ro-ro-post324541.info

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây