2 năm qua, chất lượng học tập, thi cử của học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 Ảnh: Như Ý
Thống kê cho thấy, 5 năm qua, điểm thi trung bình chung của cả nước “phong độ” không ổn định do phụ thuộc vào đề thi. Trong đó, đề thi khó nhất là năm 2018, điểm trung bình cả nước chỉ là 4,85, trong khi năm 2017 là 5,19. Cũng vì năm 2018 đề thi phân hóa mạnh nên phát hiện gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Điểm trung bình năm 2020 cao nhất trong 5 năm vì chuyển kỳ thi từ 2 mục đích song song vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH còn 1 mục đích là xét tốt nghiệp THPT. Năm 2021, mục đích của kỳ thi không thay đổi nhưng do thí sinh bị ảnh hưởng 2 năm liên tiếp của dịch COVID-19 nên chất lượng không được như mong muốn.
Đi vào cụ thể các địa phương, có thể thấy, các tỉnh thành xoay quanh tốp 10 ổn định là Nam Định, Bình Dương, Ninh Bình, An Giang, Vĩnh Phúc, Bạc Liêu, Hà Nam và TPHCM. Các địa phương “trồi sụt” (năm lọt tốp năm không) là Hải Phòng, Lâm Đồng, Vĩnh Long.
Đối với tốp giữa, một số địa phương đã có bước nhảy vọt về chất lượng giáo dục. Thanh Hóa từ vị trí thứ 50 năm 2017 đã vượt 18 bậc trong 5 năm để lên vị trí 32 năm nay. Một tỉnh khu vực Tây Bắc cũng có sự vươn lên đáng kể là Lai Châu, từ vị trí 59 năm 2017 vươn lên vị trí 45 năm nay.
Trong khi đó, một số địa phương lại tụt hạng như Đồng Nai, từ vị trí 27 năm 2017 tụt xuống vị trí 38 năm nay, Kon Tum từ 20 xuống 40.
Tuy nhiên, đáng nói nhất là tốp các địa phương đứng cuối, đặc biệt là 3 vị trí cuối cùng. Trong 5 năm, Hà Giang chỉ có 2 năm (2018 và 2019) xếp vị trí áp chót (62), 3 năm còn lại đều đứng cuối bảng xếp hạng. Trong 5 năm, Hòa Bình có 4 năm đều đứng ở vị trí 61, năm nay tụt xuống 62. Cao Bằng có 4 năm ở vị trí 60, năm nay ở vị trí 61.
Số liệu thống kê giai đoạn qua còn cho thấy, số các địa phương có điểm trung bình dưới điểm trung bình của cả nước thường chiếm 30/63 tỉnh, thành phố. Bộ GD&ĐT cũng như Chính phủ luôn có chính sách quan tâm phát triển giáo dục tại “3 Tây” (Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Bắc). Số liệu cho thấy, 5 năm qua, khu vực Tây Nam bộ không còn là vùng trũng giáo dục khi có một số địa phương đã lọt tốp 10 của cả nước như An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu...
Trong tốp 10 tỉnh ở cuối bảng xếp hạng cũng không có địa phương nào thuộc Tây Nam bộ, mà chủ yếu là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đông Bắc bộ.
Môn tiếng Anh: Thể hiện rõ khoảng cách giáo dục
Phổ điểm môn tiếng Anh năm nay nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội do “mất chuẩn” thông thường khi xuất hiện với đồ thị 2 đỉnh thay vì hình chuông 1 đỉnh.
Theo nhóm chuyên gia phân tích của Tiền Phong, tuy “mất chuẩn” nhưng phổ điểm của các địa phương lại nói “rất chuẩn” về chất lượng đào tạo môn học này. Điểm trung bình giai đoạn 5 năm qua của môn tiếng Anh có chiều hướng tăng lên nhưng 4 năm trước tăng khá chậm, mức tăng chỉ 0,2-0,5 điểm. Năm nay, so với năm ngoái, điểm trung bình môn tiếng Anh vọt lên từ 4,57 lên 5,84 điểm.
Năm nay, điểm trung bình của TPHCM là 7,226, cao hơn rất nhiều so với điểm trung bình của cả nước và cao hơn 3,065 điểm so với tỉnh đứng cuối bảng là Hà Giang với 4,161 điểm.
5 năm qua, Hà Giang chỉ có 2 năm (2018 và 2019) xếp vị trí áp chót, 3 năm còn lại đều đứng cuối bảng xếp hạng về chất lượng giáo dục.
TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia độc lập, nói rằng, từ mấy năm trước bà đã nhận thấy sự chênh lệch, phân hóa vùng miền quá lớn trong dạy và học môn tiếng Anh.
Năm nay còn có dấu hiệu phân hóa, chênh lệch giữa các trung tâm của tỉnh thành với ngoại ô. Còn chênh lệch giữa các trung tâm tỉnh thành với nhau đang thu hẹp.
Tuy vậy, bà Quyên cũng không loại trừ khả năng đề cấu trúc, ma trận chưa ổn. Nhưng bà khẳng định, bà khá tự tin với nhận định về chênh lệch vùng miền. Trong đó có vấn đề thị trường giáo dục, bất bình đẳng xã hội và những vấn đề này rất khó khắc phục trong dạy và học môn tiếng Anh.
Link gốc: https://tienphong.vn/diem-thi-tot-nghiep-thpt-noi-len-dieu-gi-post1359943.tpo