Đề thi sai sót, “lọt" ra ngoài, Bộ Giáo dục nói: "Không ảnh hưởng"

Thứ năm - 28/06/2018 06:16
Tại buổi họp báo chiều 27.6, khi báo chí liên tục chất vấn việc đề thi môn văn, địa lý bị nhiều chuyên gia, giáo viên phản biện là có sai sót, có nghi ngờ lọt đề ra ngoài sớm, Bộ GDĐT vẫn khẳng định, kỳ thi THPT 2018 từ 25-27.6 diễn ra an toàn, các hiện tượng này không ảnh hưởng đến kết quả thi.

Đề thi lọt sớm là do thí sinh mang theo thiết bị thu không phát?

Trả lời tại họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia chiều 27.6, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, hiện tượng đề thi môn vật lý bị lọt ra ngoài sau một tiếng đồng hồ được báo chí phản ánh không ảnh hưởng đến kết quả của kỳ thi. Theo ông Trinh, ở điểm B khoản 4 điều 14 quy chế thi có quy định, các thí sinh được phép mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình, có chức năng thu nhưng không có chức năng phát.

 de thi sai sot, “lot' ra ngoai, bo giao duc noi: 'khong anh huong' hinh anh 1

Buổi họp báo diễn ra từ 16h chiều 27.6. Ảnh: VP

“Khả năng là học sinh tự do không thi hết các môn. Các em có sử dụng các thiết bị được phép mang vào phòng thi có khả năng thu nhưng không phát (ví dụ như máy trợ thính). Khi các em thi xong ra ngoài đã mang theo hình ảnh đề thi chứ không phải mang đề thi ra. Chúng tôi sẽ ghi nhận và tiếp thu. Trong các năm tới, chúng tôi sẽ xem xét xem có cần cho các thí sinh mang các thiết bị thu vào phòng thi không?”, ông Trinh nói.

Về đề thi môn văn, ông Trinh khẳng định không có sai sót về mặt từ ngữ như phản ánh của dư luận.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ GDĐT về kỳ thi cũng không hề nhắc đến các vấn đề đang khiến dư luận xôn xao nhiều ngày nay như: sự cố đề thi, sai sót đề thi, phản ứng của nhiều chuyên gia, giáo viên về đề thi quá khó...

Cụ thể, về vấn đề đề thi, Bộ GDĐT cho biết, đề thi gốc được bàn giao cho các hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời và đảm bảo tính bảo mật cao. Các Sở GDĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi tại địa phương, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các điểm thi của hội đồng thi.

 de thi sai sot, “lot' ra ngoai, bo giao duc noi: 'khong anh huong' hinh anh 2

Thí sinh đội mưa đi thi vào sáng 27.6 tại điểm thi Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Lê Liên

Đề thi Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 phù hợp với hình thức thi đã công bố, tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đồng thời tăng cường phân hoá kết quả thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC.

“Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài Ngành Giáo dục, đề thi năm nay bám sát chương trình, phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có độ phân hóa cao, đáp ứng được 2 mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, TC.

Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các Điểm thi trên phạm vi cả nước. Một số hiện tượng vi phạm Quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của Kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức” - đại điện Bộ GDĐT thông tin.

Nhận định về toàn bộ kỳ thi, Bộ GDĐT cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được tổ chức thành công, đáp ứng các mục tiêu đề ra, đảm bảo phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Độ khó tăng lên so với năm 2017 là điều... hiển nhiên

Đánh giá về ý kiến "đề thi năm nay khó", TS Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, nói về độ khó của đề thi thì phải căn cứ vào nội dung. Tuy nhiên, Hội đồng ra đề thi tuân thủ đúng theo chỉ đạo. Nội dung đề thi đều nằm trong chương trình lớp 12, 11 chủ yếu là 12 với tỷ lệ 12 chiếm 80 85%, kiến thức lớp 11 chiếm 15 tới 20%. Toàn bộ nằm trong chương trình phổ thông. Cấu trúc đề thi thì giữ nguyên, không thay đổi so với năm 2017. Cụ thể, vẫn là 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao nhưng vẫn nằm trong nội dung phổ thông. 

Đối với các môn thi thì dù là tự luận như ngữ văn cũng có các cấp độ của câu hỏi, từ dễ đến khó, chia làm 4 cấp độ: nhận biết – thông hiểu – vận dung – vận dụng cao. Có 1 số câu hỏi được tăng độ khó lên, dành cho thí sinh khá giỏi. Có 50 - 60% câu hỏi cơ bản trong đề thi trắc nghiệm. Còn lại là các câu để phân loại, muốn phân loại được thì khó phải tăng lên.

Nếu so sánh với năm 2017 thì độ khó tăng lên là điều hiển nhiên vì nội dung kiến thức mở rộng cả vào phần kiến thức lớp 11. Tuy nhiên các em thí sinh đã được thông báo sớm từ khi các em học lớp 11. Chính vì thế việc thêm nội dung lớp 11 cũng tạo ra diện rộng của nội dung kiến thức khiến đề thi khó hơn. Trước đó, Bộ GDĐT đã công bố 1 đề thi tham khảo, không phải đề thi mẫu, chỉ dung để tham khảo về mặt cấu trúc với câu hỏi đều nằm trong lớp 11 và 12, để thí sinh biết. 

"Cân bằng độ khó giữa các mã đề thi, phải học tập nước ngoài. Chúng tôi sẽ cố gắng học tập, mài giũa để cân bằng tiếp tục về mã đề thi. Chúng tôi xin khẳng định rằng cần phải có thời gian để tiếp tục hoàn thiện ngân hàng đề thi" - TS Hồng nói. 

 

"Khâu chuẩn bị năm nay rất kỹ càng, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt là sự vào cuộc của các bộ, ban ngành đã chung tay cho một kỳ thi thành công. Ban chỉ đạo thi của các tỉnh, địa phương vào rất sâu sát. Điều đáng nói là giám thị không bị xử lý vi phạm kỷ luật, các thí sinh cũng không sử dụng các phương tiện công nghệ cao, số lượng thí sinh vi phạm cũng rất ít so với tổng số thí sinh tham gia kỳ thi" - Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định. 

Nguồn tin: Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây