Vượt đèo lội suối tới lớp
Cô giáo Hồ Thị Loan (SN 1987), người dân tộc Chứt, quê quán ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại, cô đang giảng dạy tại điểm trường lớp dân tộc Chứt mầm non Hương Lâm, huyện Hương Khê. Từ nhà đến điểm trường cách nhau hơn 30km, đường đi rất khó khăn.
Cô giáo trẻ Hồ Thị Loan bám bản "gieo chữ" vùng biên Hà Tĩnh.
Mỗi ngày, cô giáo Loan dậy từ lúc gà còn chưa cất tiếng gáy, vội vã làm công việc nhà, chuẩn bị đồ ăn, sách vở cho các con rồi tất tả đi làm. Cô Loan phải đi sớm mới kịp 7 giờ có mặt tại trường, đón học sinh mẫu giáo. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô giáo trẻ miệt mài tới lớp “gieo chữ”, gieo khát khao, hy vọng cho các em.
Điểm trường lớp dân tộc Chứt thuộc địa phận giáp ranh biên giới Lào, điều kiện kinh tế kém phát triển. Nuôi dạy trẻ vốn đã là công việc vất vả thì việc chăm lo cho những đứa trẻ dân tộc Chứt lại càng khó khăn gấp bội. Bà con sinh sống nhờ nguồn thực phẩm tự cung tự cấp, nhiều hủ tục tồn đọng.
Để tới được điểm trường phải trải qua hành trình vất vả, nhọc nhằn. Khi trời nắng thì không khí nóng bức, oi ả, gió cuốn bụi đất bay mù mịt. Những con đường sỏi đá quanh co, gập ghềnh, những con dốc đổ đứng như thách thức các thầy cô. Khi trời mưa thì không kể hết được gian nan. Khắp đường đi là bùn đất, sình lầy, nhiều đoạn phải xuống dắt xe đi bộ. Thậm chí, để qua những đoạn đường khó, cần phải một người đẩy phía sau xe. Tới lớp, người cô lấm lem bùn đất.
Quãng đường đến trường dài hơn 30km, đường xấu nên việc đi lại rất vất vả.
Vì đường đi lại khó khăn nên cô Loan mất một tiếng di chuyển. Sau mỗi ngày, cô về nhà lúc mặt trời đã tắt nắng. Vất vả nhất là ngày mưa lũ, điểm trường như một hòn đảo chìm trong biển nước, đường ngập hết, cầu cống bắc qua bị chia cắt. Khi ấy, thầy cô phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Cô giáo Hồ Loan chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Khi mới nhận công tác, tôi rất hoang mang, lo lắng. Nhưng giờ tôi đã hòa đồng với cuộc sống đồng bào nơi đây. Các thầy cô thường trêu nhau rằng đặc sản vùng này là ngã xe. Thầy cô nào bám bản một thời gian cũng toàn vết trầy xước. Ngã xe là chuyện thường bởi đường trơn trượt lắm. Tuy vất vả nhưng có một cô giáo đi cùng xe tôi, có người bầu bạn trò chuyện, con đường đến trường bớt trống trải hơn”.
Những hôm trời mưa to, nước dâng ngập khiến việc đi lại càng gian nan hơn.
“Chồng tôi trước là bộ đội biên phòng. Sau đó, anh ra quân, về nhà làm công việc tự do. Hiện tại, anh công tác xa gia đình nên việc sinh hoạt của con cái do một mình tôi cáng đáng. Hai đứa con còn nhỏ nên cuộc sống “thiếu trước hụt sau”. Hằng ngày, hai con tự dắt nhau đi học, tự chăm sóc cho nhau, chỉ đến tối muộn mẹ mới về cơm nước. Nhiều lúc thương con nhưng không biết làm thế nào, hai bên nội ngoại ở xa, không hỗ trợ được”.
Quyết bám bản vì trót "say nghề"
Điểm trường lớp dân tộc Chứt, nơi cô giáo Hồ Loan đang giảng dạy có 8 lớp học, 15 giáo viên, tổng cộng 249 học sinh. Điều kiện cơ sở vật chất của trường rất khó khăn, chỉ có một dãy nhà 2 tầng, còn lại là dãy nhà cấp bốn xây dựng từ lâu, xuống cấp trầm trọng. Trang thiết bị không đảm bảo đáp ứng việc giảng dạy.
Điểm trường lớp dân tộc Chứt thuộc trường mầm non Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Cô giáo Loan công tác trong nghề được 13 năm. Trước kia cô dạy ở trường mầm non Hương Vĩnh 11 năm, sau đó chuyển về trường mầm non Hương Lâm theo sự phân công của phòng giáo dục. Tuy công việc vất vả nhưng cô vẫn miệt mài “bám bản”, dành trọn tình yêu thương cho các em nhỏ. Với cô, mỗi ngày, được tới trường, được lắng nghe tiếng nói cười ríu ríu, ngắm ánh mắt trong veo hồn nhiên là mọi mệt mỏi tan biến.
Nhiều hộ gia đình nơi đây không cho con tới lớp. Thấy những trường hợp như vậy, cô giáo Loan lại lặn lội tới từng nhà, vận động cha mẹ các em. Công việc này tốn nhiều thời gian, công sức nhưng bằng tấm lòng yêu trẻ, cô giáo Loan vẫn kiên trì thực hiện. Mong muốn của cô là tất cả các em nhỏ nơi vùng biên Hà Tĩnh được tiếp cận tri thức, văn minh.
Với cô giáo Hồ Loan, mong muốn lớn nhất là các em nhỏ được tiếp cận trí thức, văn minh.
Một câu châm ngôn mà cô giáo Hồ Loan vô cùng tâm đắc: “Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt sự giàu có. Mà đó phải là con đường dẫn lối con người vươn tới cái Chân và thực hành cái Thiện”. Lấy đó làm kim chỉ nan, hơn 10 năm qua, cô luôn tận tình dìu dắt, dạy dỗ các em từ những bài học vỡ lòng. Cô Loan dạy các em nhỏ phải biết ngoan ngoãn, lễ phép, kính trên nhường dưới, chăm chỉ, thật thà.
Cô giáo Liên, Hiệu phó trường mầm non Hương Lâm cho biết: “Cô giáo Hồ Loan về trường công tác được hơn 2 năm. Cô luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao phó. Cô giáo Loan được các đồng nghiệp, cha mẹ học sinh quý mến; các em học sinh kính trọng, biết ơn. Vượt quãng đường xa xôi để tới điểm trường giảng dạy nhưng chưa bao giờ tôi thấy cô Loan than thở vất vả”.
“Nếu như cha mẹ cho ta sự sống thì chính thầy cô giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng, tử tế”. Cô giáo Hồ Loan là minh chứng chân thật nhất cho câu nói đó. Bằng tấm lòng yêu mến trẻ thơ, trái tim nhiệt huyết, tinh thần hăng say, cô giáo Loan đã bám bản, miệt mài “gieo chữ” vùng non, ươm mầm xanh nơi vùng biên giới xa xôi.
Link https://www.doisongphapluat.com/doi-song/chuyen-chua-ke-ve-co-giao-moi-ngay-vuot-60km-cong-con-chu-len-vung-cao-o-ha-tinh-a346517.html