Cần bổ sung gần 95.000 biên chế giáo viên giai đoạn 2021-2025

Thứ bảy - 28/08/2021 16:26
Ngày 28/8, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị toàn quốc Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm và được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị này đó là tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; vấn đề chi ngân sách cho đầu tư, phát triển giáo dục…
 
20210828019
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên và thừa 10.178 giáo viên các cấp học. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và các vùng thuận lợi. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; chưa sử dụng thành thạo giải pháp dạy học trực tuyến để quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động học tập. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp Mầm non là 77,8%, Tiểu học là 69,4%, Trung học cơ sở là 83,3%, Trung học Phổ thông là 99,9%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn địa phương rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời, có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Căn cứ số liệu thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp Trung học Phổ thông và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số), không bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh được bổ sung biên chế giáo viên mầm non năm 2019.

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Tỷ lệ chi cho con người (chi lương, các khoản theo lương) còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên tại các trường. Nhiều địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% chi chuyên môn theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, gây khó khăn cho công tác bảo đảm chất lượng dạy và học tại các địa phương. Việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19, học sinh phải học trực tuyến, tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền internet còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo viên là yếu tố then chốt làm nên thành công của đổi mới giáo dục. Muốn phát triển giáo dục bền vững, cần có đội ngũ giáo viên tâm huyết. Một số chính sách như: Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là từ phía địa phương, Bộ Nội vụ, trong đó cần có chính sách việc làm. Đồng thời, cần có giải pháp để giải bài toán về chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới quản lý trường học, đổi mới phương pháp dạy học và tiếp tục đầu tư cho thầy cô giáo; đầu tư công nghệ trong giáo dục, đặc biệt là ở miền núi. Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách, đào tạo giáo viên giỏi để phát triển giáo dục.

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh thiếu khoảng 7.843 giáo viên, chủ yếu là ở cấp Mầm non và Tiểu học. Đây là vấn đề không chỉ của mỗi Nghệ An mà nhiều tỉnh, thành phố khác.

Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng cho biết: Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học của tỉnh còn thiếu so với yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, thiếu biên chế giáo viên gây khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2021-2022, địa phương còn thiếu 1.696 giáo viên, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022-2023 ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Vì vậy, tỉnh Kon Tum đề xuất với Chính phủ quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương; hỗ trợ nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định về cơ chế đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ: Ngân sách đầu tư cho phát triển giáo dục tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và tăng nhanh quy mô giáo dục hằng năm. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao tuy được quan tâm đầu tư nhưng còn nhiều khó khăn; vẫn còn nhiều phòng học chưa được kiên cố hóa. Thiết bị dạy học tối thiểu mua sắm từ giai đoạn trước 2003-2007, thực hiện thay sách giáo khoa đến nay đã hết hạn sử dụng, hằng năm đã mua sắm bổ sung nhưng được rất ít.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục về tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học ở vùng cao còn hạn chế. Dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài khiến học sinh phải nghỉ học; học trực tuyến trong điều kiện thiếu thiết bị học tập cũng ảnh hưởng một phần đến kết quả học tập của học sinh.

Đặc biệt, còn thiếu giáo viên so với định mức ở tất cả các cấp học, bậc học, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên chuyên biệt (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc), nhân viên y tế, bảo vệ, cấp dưỡng, thư viện, thiết bị.

Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi, vùng cao nhiều khó khăn mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, rà soát ban hành mới danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non sửa đổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo...

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đề xuất Chính phủ cần quan tâm, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương và trên toàn quốc. Hiện nay, Gia Lai còn thiếu 3.721 giáo viên, tập trung chủ yếu vào bậc mầm non và tiểu học. Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo Luật Giáo dục chưa có lộ trình đầy đủ.

Trước thực trạng trên, ngành Giáo dục và Đào tạo xác định, một trong những  phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021 - 2022 là thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn cho giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng giáo viên theo hướng linh hoạt để các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được bố trí đủ định mức giáo viên theo quy định. Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việt Hà (TTXVN)
Theo baotintuc.vn
 
Link gốc: https://baotintuc.vn/giao-duc/can-bo-sung-gan-95000-bien-che-giao-vien-giai-doan-20212025-20210828131704244.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây