Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ đã báo cáo về định hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Bộ Giáo dục cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ cơ bản giữ nguyên như năm 2022.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; đồng thời, xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy, sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, trọng tâm là kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Năm 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức bảo đảm an toàn, nghiêm túc; có hơn 1 triệu thí sinh đã đăng ký dự thi, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 98,75%.
Đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Cũng về kỳ thi này của các năm sau đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng khối Sở vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã cho biết sẽ có những thay đổi của kỳ thi từ 2025 và đã có một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia.
Trước đó, năm 2020, báo cáo Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực về định hướng Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025, Bộ này cũng cho hay từ năm 2023, sẽ chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện.
Quá trình đổi mới thi cử bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của dư luận vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh mà còn tác động trực tiếp đến tổ chức giảng dạy, ôn tập tại các trường phổ thông.
Vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, điều quan trọng nhất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực.
Những yêu cầu này tạo ra không ít thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện xây dựng phương án thi từ 2025, nên cần thời gian để tính toán kỹ lưỡng.
Cho đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ, các địa phương đã và đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về các phương án thi.
Bên cạnh xây dựng và hoàn thiện phương án Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 - 2024 theo hướng ổn định, các địa phương cũng cẩn trọng nghiên cứu phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với nhiều đổi mới theo lộ trình.
Cũng tại báo cáo này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói về các giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.
Trên cơ sở đề xuất này, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông năm học 2022-2023.
Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó khăn.
Địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.
Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; chỉ đạo sắp xếp các điểm trường hợp lý, phù hợp với điều kiện của địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp thành lập các trường ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách và các giải pháp đồng bộ khác...
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tuyển đủ số giáo viên được Bộ Chính trị quyết định bổ sung cho năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo;
Đồng thời ập trung chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; khảo sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách đối với giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và thực trạng hoạt động nghề nghiệp của giáo viên các trường chuyên biệt, làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với điều kiện, tình hình mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.