Bám trụ bản làng '3 không' để gieo con chữ ở miền Tây xứ Nghệ

Thứ hai - 07/09/2020 12:38
Hình ảnh thầy, cô và những người lính Biên phòng cõng học sinh băng rừng, vượt suối vận động học sinh đến lớp khai giảng năm học mới không còn lạ lẫm với người dân miền Tây Nghệ An.
Từ TP Vinh, chúng tôi vượt chặng đường gần 300km đến với xã Mỹ Lý và Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn). Thầy cô Trường Tiểu học 2 ở các xã này phải sinh hoạt trong điều kiện không có điện lưới, không nước sạch sinh hoạt, không sóng điện thoại… bởi nơi đây chỉ có 4/25 bản có điện.

Cõng học sinh đến trường khai giảng

Thầy Lữ Văn Chắn, giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 (xã Mỹ Lý), cho biết cứ khi nào có mưa là nước suối dâng lên chia cắt đường khiến mọi người đi lại rất khó khăn và nguy hiểm.

“Hơn một tuần trước, nước tràn đập khe Xiển, thầy trò phải cõng xe máy qua. Vào mùa mưa nước chảy xiết, thầy hoặc cô đi qua một mình rất khó khăn để vượt qua suối” – thầy Chắn chia sẻ.
 
20200907005
Các thầy cô ở xã Mỹ Lý thường xuyên phải băng suối ở đập khe Xiển để đến trường đứng lớp

Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 có 5 điểm nhỏ và 1 điểm chính. Điểm xa nhất là ở bản Nhọt Lợt, cách điểm chính khoảng 20km. Đây là điểm trường có địa hình đồi dốc, đi lại khó khăn và phải vượt qua nhiều khe suối có nước chảy xiết đổ xuống dòng sông Nậm Nơn.
 
20200907006
Hơn 1 tuần trước, các thầy phải khiêng xe máy để băng qua khúc suối nguy hiểm khi có mưa đổ về

Trung uý Phạm Thành Đăng – Đồn Biên phòng Mỹ Lý dẫn cháu Già Bá Thông (sinh năm 2010, học lớp 4A) là con nuôi tại đồn đến Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 chuẩn bị khai giảng năm học mới. Hai 'bố con' phải vượt qua những chặng đường núi dốc gồ ghề, hiểm trở và nhiều con suối để đến điểm trường chính.

Em Thông thuộc diện gia đình hộ nghèo người H'Mông có 7 khẩu, ở bản Nhọt Lợt được đồn Biên phòng nhận nuôi từ năm 2019.

Thanh xuân 15 năm ‘cắm bản’ nuôi con chữ

Thầy Trần Minh Kiên (sinh năm 1980, quê ở huyện Tân Kỳ) là giáo viên có thâm niên 15 năm tại Trường Tiểu học Mỹ Lý 2. Từ năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Vinh, thầy từ thị trấn Mường Xén thuê xe máy chở vào trường Mỹ Lý.

“Quãng đường dài 60km. Dọc đường đi, tôi gặp cơn bão số 5, mưa gió ngập hết đường, ướt hết quần áo. Xe không thể đi tiếp, tôi đành gửi đồ đạc ở dọc đường và trở lại thị trấn Mường Xén. 3 ngày sau mới đi vào lại” –thầy Kiên nhớ lại chặng đường gian nan ngày đầu.
 
20200907007
Thầy Kiên (áo đỏ) và các thầy cô trong trường Tiểu học Mỹ Lý 2 trò chuyện với bộ đội Biên phòng.

Các thầy cô ở đây kể thêm có 6 bản dọc tuyến xã Mỹ Lý 2 đi bộ rất khó khăn và ở các điểm trường không có sóng điện thoại.

“Ở cùng một xã nhưng có khi phải chờ hàng giờ để gửi một lá thư tay thông báo đến các điểm trường vì không có sóng điện thoại. Còn đi xe máy phải mất hơn 1 tiếng mới đến điểm trường bản Xốp Dương và Cha Nga. Có ngày, chúng tôi chỉ chờ người dân đi qua để gửi nhờ một lá thư” – thầy Kiên chia sẻ

Cũng theo các thầy cô, vì đi lại quá vất vả nên dù dạy học ở trong một xã nhưng đầu tuần đi thì cuối tuần mới về nhà một lần. Quãng đường 40km nhưng thầy cô ở đây phải chạy xe gần 4 tiếng đồng hồ trong điều kiện thời tiết nắng ráo.

“Ở lâu thì cũng quen với khó khăn rồi, nhưng vẫn thấy khổ nhất là những ngày mưa lũ, có lúc khiêng xe qua sông mà tôi sợ mất mạng. Ở đây không như ngoài thị trấn, nhiều khi muốn về đưa con đi chơi cũng là một mơ ước”, thầy Kiên bộc bạch.

Cũng vì điện, nước chưa có nên ở trường dù quạt trần lắp sẵn nhưng không có điện để sử dụng, máy tính có nhưng không thể vào mạng. Mùa nắng có quạt nhưng mồ hôi nhễ nhại, mùa mưa thì trời tối sẫm không thể dạy học...

Ông Xồng Bá Cha, Hiệu trưởng Tiểu học Mỹ Lý 2, cho biết mùa mưa năm ngoái cả trường bị ngập, thiệt hại nhiều trang thiết bị dạy học. Tổng học sinh ở 6 điểm là 246 cháu, trong đó học sinh bán trú là 106 em.

Thầy hiệu trưởng bày tỏ “hy vọng sớm có 2 cây cầu để thầy trò và người dân đi lại thuận tiện hơn từ trung tâm xã vào bản xa Nhọt Lợt, Cha Nga và Sốp Dương".

Đại uý Nguyễn Xuân Sơn – Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn 2 xã Bắc Lý và Mỹ Lý có 25 bản điểm trường, trong đó có 9 trường học chính gồm 3 cấp Mầm non, Tiểu học và THCS. Học sinh chủ yếu đồng bào người Thái, H’Mông, Khơ Mú với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 70%.

Vào dịp các dịp Tết cổ truyền, nghỉ hè và đầu năm học mới, lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên phối hợp với nhà trường cùng đi vận động các em có ý định bỏ học đến trường trở lại.

“Các em học sinh người H’Mông đến tuổi dậy thì ở cấp THCS dễ bị bắt làm vợ. Đặc biệt khối lớp 9, nếu gia đình định hướng không tốt thì dễ bỏ học và đi lấy chồng” – Đại uý Sơn thông tin.
 
20200907008
Trung uý Phạm Thành Đăng dẫn em Thông đến trường chuẩn bị khai giảng năm học mới
 
20200907009
Cõng học sinh vượt suối là chuyện bình thường mỗi khi mùa mưa lũ
 
20200907010
Hai bố con bên bờ suối cùng máy thuỷ điện nhỏ
 
20200907011
Chăm con nuôi còn hơn cả con mình
 
20200907012
Người dân đi lại qua suối khó khăn
 
20200907013
 
20200907014
Thầy cô cõng học sinh băng qua suối
 
20200907015
 
20200907016
Vào mua mưa, nước dâng cao trên các con suối nên rất cần những cây cầu
 
20200907017
Bộ đội Biên phòng đồn Mỹ Lý cõng học sinh đến trường trước năm học mới
 
20200907018
Các thầy nỗ lực khiêng xe vượt suối để vào trường chuẩn bị khai giảng
Quốc Huy
Theo vietnamnet.vn

Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bang-rung-vuot-suoi-mang-con-chu-cho-hoc-tro-noi-mien-tay-xu-nghe-671624.html?fbclid=IwAR0p0m6V3n1ZGR15ZAj1vTK932diy9OQbuI2KV9KbOUJdhDkZCUHiGXRh_0

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây