Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Trong khi quy định trước đây, giáo viên tiểu học chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, giáo viên THCS có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Với quy định mới này, Bộ Giáo dục và đào tạo ước tính từ ngày 1/7/2020 đến hết năm 2030, hơn 250.000 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS phải được đào tạo để nâng cao trình độ.
Trước quy định mới, cô giáo Nguyễn Thu A. (Hà Nội) lo lắng cho biết, hai vợ chồng đều là giáo viên dạy cấp hai, đều thuộc diện phải đi học để nâng chuẩn. Giờ nếu không đi học để đạt chuẩn thì sẽ có nguy cơ mất việc.
“Việc nâng chuẩn được chia thành hai giai đoạn từ nay đến 2025 và từ 2025- 2030. Nếu tôi đi học trong giai đoạn đầu, nghĩa là sau hơn 20 năm công tác, bây giờ tôi lại phải đi học ôn thi đầu vào một môn văn chuyên ngành và hai môn khác, trong khi vẫn phải đảm bảo tiết dạy ở trên lớp”, cô Thu A. bày tỏ.
Trong khi chồng cô Thu A. là giáo viên dạy thể dục tốt nghiệp hệ trung cấp trường ĐH thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) cách đây hơn 20 năm. Thời điểm đó, bằng của anh đủ điều kiện dạy ở bậc học THCS.
“Trước quy định mới, tôi bắt buộc phải học lên đại học. Hiện tôi đã mua hồ sơ của một trường đại học có chuyên ngành thể dục thể thao. Đầu vào sẽ là 3 bộ môn: bài kiểm tra chạy 100m kèm hai môn lý thuyết.
Môn chuyên ngành với chúng tôi không đáng lo, nhưng hai môn lý thuyết tôi sợ không đạt. Nhưng có người đã kịp trấn an tôi và hứa hẹn "cứ nộp đủ tiền, đủ hồ sơ sẽ lo liệu"”, thầy giáo này bày tỏ.
Thầy giáo này cũng đặt ra các vấn đề: Liệu quy định mới có vô tình tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng thu tiền của giáo viên chỉ để hợp lý hoá bằng cấp? Câu chuyện chạy điểm, chạy bằng có xảy ra không? Trong khi đó đối tượng giáo viên, nhất là giáo viên môn phụ ngoài lương chẳng có khoản nào thêm, lấy đâu ra tiền mà "chạy".
Thầy giáo này tâm sự thêm: “Ngặt nỗi, như tôi cũng chỉ còn 11 năm là nghỉ hưu. Giờ mà không chuẩn hoá theo yêu cầu thì cũng không biết làm gì. Thôi đành phải cố chứ cũng chẳng biết kêu ai nữa”.
Ảnh minh họa
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Tiểu học – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thừa nhận, với bất kì nghề nào, việc nâng cao kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp luôn là việc phải làm, đặc biệt với các nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc, giao tiếp với mọi người, làm việc thiên về trí óc.
“Giáo viên phải đi tập huấn là bình thường. Tuy nhiên, nếu đặt ra quá nhiều các cấp bậc, các loại chuẩn nọ kia, việc học tập sẽ dễ rơi vào tình trạng chồng chéo. Bản thân giảng viên ĐH chúng tôi cũng là người thường xuyên đi tập huấn, nâng chuẩn giáo viên các loại, chương trình học rất nhiều phần chồng chéo. Chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng có những phần cần nâng cao thì không thấy được nâng, có những phần không cần thì học đi học lại”, TS Vũ Thu Hương bày tỏ.
Bà Hương cho rằng trên thực tế có rất nhiều giáo viên đã tốt nghiệp ĐH nhưng khi tính bậc lương lại tính theo bậc Cao đẳng. Đến khi yêu cầu đi học nâng hạng, nâng chuẩn, họ có thể rơi vào danh sách phải đi học. Điều này gây rất nhiều bức xúc cho giáo viên.
“Đó là chưa kể các giáo viên có trình độ Cao đẳng nhưng sau thời gian làm việc, tích lũy, họ có tay nghề và trình độ cao nhưng không được công nhận mà vẫn buộc phải đi học nâng chuẩn. Khi đó, việc học nâng chuẩn đã không còn giữ được giá trị mà còn làm giáo viên vất vả, bức xúc”, TS Vũ Thu Hương phân tích.
Chia sẻ về khó khăn khi triển khai quy định trình độ mới đối với những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, TS Vũ Thu Hương cho rằng, khó khăn đầu tiên sẽ là áp lực cả về thời gian lẫn tiền bạc với giáo viên khi liên tục đi học để nâng chuẩn, nâng hạng.
Hiện nay việc nâng chuẩn hay tập huấn chỉ được tiến hành vào cuối tuần hoặc dịp hè. Các lớp nâng chuẩn, nâng hạng, rồi nâng cao tiếng Anh, máy tính, tập huấn các chương trình… sẽ khiến người giáo viên bị quá tải, làm giảm sức lao động của giáo viên.
Trong quá trình đi dạy nâng hạng, nâng chuẩn cho giáo viên TS Vũ Thu Hương nhận được nhiều than phiền từ các cô giáo khi lịch làm việc kín mít trong tuần.
“Bản thân tôi đi dạy nâng hạng, nâng chuẩn khá nhiều và thấy hiện tượng các giáo viên đem vở học sinh đến để tranh thủ viết mẫu, chấm bài…. Điều đó cho thấy việc học nâng chuẩn, nâng hạng đã khiến giáo viên cạn kiệt thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và thậm chí cả thời gian chuẩn bị bài cho học sinh.
Hơn nữa, việc di chuyển đến lớp học nâng hạng, nâng chuẩn rất khó khăn. Các giáo viên, đặc biệt là giáo viên miền núi thậm chí phải thuê phòng ở để học cho tiện. Chi phí và thời gian rất căng thẳng với họ”, TS Vũ Thu Hương bày tỏ.
Mặc dù đến hết năm 2030 mới là hạn chót hoàn thành việc nâng chuẩn bằng cấp cho giáo viên nhưng TS Vũ Thu Hương cho rằng, việc cần làm lúc này là phải đồng bộ tất cả các chương trình tập huấn, nâng hạng để tránh tình trạng chồng chéo.
Ngoài ra, việc học tập nâng hạng, nâng chuẩn nên tiến hành dưới dạng học online. Các chương trình học, các bài kiểm tra nên tiến hành dưới dạng trực tuyến để giúp giáo viên thu xếp được thời gian tốt hơn là việc học tập trung.
“Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đồng bộ các lớp tập huấn để tránh việc giáo viên phải đi tập huấn quá nhiều. Các chứng chỉ nào đã có thì có thể được xét miễn cho giáo viên. Nếu chúng ta làm mọi việc gọn gàng và hợp lý, việc tập huấn nâng chuẩn, nâng hạng sẽ giúp giáo viên hơn là gây phiền hà cho họ”, TS Vũ Thu Hương kiến nghị.
Theo infonet.vietnamnet.vn
Link gốc: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/lam-sao-tranh-phien-ha-cho-250-000-giao-vien-phai-nang-bang-theo-luat-giao-duc-2019-257532.html