Ấm áp ngôi nhà chung của học sinh dân tộc thiểu số Hà Tĩnh

Thứ ba - 02/10/2018 05:11
Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh từ lâu đã là ngôi nhà đặc biệt của học sinh người dân tộc thiểu số Hà Tĩnh. Nơi đây quy tụ hàng trăm em học sinh đến từ hơn 10 dân tộc với nhiều hoàn cảnh khác nhau cùng học tập và lớn lên.

Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (đóng tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) được thành lập vào năm 1996. Đây là cơ sở giáo dục công lập chuyên biệt, được Nhà nước thành lập cho các em dân tộc thiểu số, con em gia đình dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh

Hàng năm có hàng trăm em học sinh từ nhiều dân tộc thiểu số tại Hà Tĩnh như: Chứt, Lào, Mường, Thái, Mán, Nguồn, Tày, Khơ-me, Sán Dìu, Mã Liềng đến lưu trú và học tập.

Trải qua hàng chục năm xây dựng, đến nay hàng ngàn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã được rèn luyện, học tập và trưởng thành.

Thầy Đặng Thái Mân, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết, năm học 2018-2019, nhà trường có 220 em học sinh, trong số đó có 208 em là người dân tộc thiểu số. Trong đó, nhiều nhất là dân tộc Lào 98 em, dân tộc Mường 44 em, dân tộc Mán 30 em và nhất là có 20 em dân tộc Chứt... Số học sinh này đến từ nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn…

Ngôi trường này quy tụ hàng trăm em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Tĩnh

“Mỗi dân tộc lại có những nét đặc trưng về văn hóa, phong tục khác nhau nên việc giúp các em hòa nhập, học tập cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương và trách nhiệm của cán bộ giáo viên, tất cả các em đã như trong một nhà khi ở nội trú và học tập ở trường”, thầy Mân cho biết.

Theo thầy Mân, khó khăn nhất là việc giúp cácem học sinh dân tộc Chứt hòa nhập và học tập tại trường. Trình độ văn hóa, nhận thức, phong tục… của người dân tộc Chứt vẫn còn có khoảng cách khá lớn so với các dân tộc còn lại. Nhiều lúc, các em chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng bản địa khiến các giáo viên gặp khó khăn trong việc giao tiếp, dạy dỗ các em.
 
Ngoài kiến thức, việc dạy kỹ năng sống và giúp các em học sinh dân tộc hòa nhập cộng đồng là rất quan trọng.

“Có em dân tộc Chứt, khi bình thường thì vẫn ra ngoài chơi vui vẻ với các bạn, nhưng cứ đến giờ học là trốn ở phòng, thầy cô bạn bè thuyết phục thế nào cũng không chịu đi học. Có em thì học được vài bữa lại bỏ về nhà. Nhưng cũng có nhiều em, trong quá trình học tập đã hòa nhập rất tốt, dần mạnh dạn hơn rất nhiều. Nhà trường cũng thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cán bộ ở địa bàn dân tộc Chứt nói riêng và các dân tộc khác nói chung để phối hợp tốt trong việc quản lý, dạy dỗ các em”, thầy Mân chia sẻ.

Không giống như nhiều ngôi trường khác, trường THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh ngoài việc giảng dạy kiến thức, thì một trong những mục tiêu quan trọng nhất là trau dồi, phát triển kỹ năng sống, tự lập và hòa nhập cho các em học sinh.

Ngay từ khi nhập học và ở nội trú, các giáo viên trong trường luôn phải thay nhau cùng xuống sinh hoạt với các em. Mỗi phòng ở nội trú có 6 đến 8 em. Các giáo viên dạy các em từ những điều nhỏ nhất như giờ ăn, giấc ngủ, giặt quần áo đến vệ sinh cá nhân…

Vì học sinh ở đây có nhiều lứa tuổi với tâm sinh lý khác nhau, nên việc nắm bắt tâm lý các em cũng rất quan trọng. Ngoài giờ lên lớp, tối nào các thầy giáo cũng luôn phải thay phiên nhau ở lại để đồng hành với các em trong ăn uống, sinh hoạt và học tập hàng ngày.

Nhờ sự tận tình của cán bộ giáo viên và nhân viên trong trường, chỉ sau một thời gian nhập học thì hầu hết các em học sinh đã biết làm mọi việc để tự lập cuộc sống của mình.

“Việc quản lý và dạy dỗ các em học sinh dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn, vất vả hơn so với nhiều ngôi trường khác. Tuy nhiên, nếu đến với các em bằng cái tâm, quan tâm và yêu thương bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm thì sẽ cảm nhận được niềm vui rất lớn khi được chứng kiến các em trưởng thành, hòa nhập cộng đồng trong quá trình học tập và phát triển tại trường”, thầy Mân xúc động cho biết.

Tác giả bài viết: Mai Nguyễn

Nguồn tin: Infonet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây