Năm 2018 cũng là năm thứ 8 chiến dịch do tổ chức hoạt động vì người tự kỷ Autism Speaks phát động này được triển khai. Trong đó ở Việt Nam là năm thứ 3 các hoạt động tổ chức cộng đồng nhận thức về chứng tự kỷ được các Trung tâm, tổ chức liên kết thực hiện các hoạt động có ý nghĩa dành cho người tự kỷ.
Hưởng ứng ngày nhận thức về Hội chứng tự kỷ ở trẻ em, phóng viên có cuộc trao đổi với Ông Hoàng Văn Quyết – Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày Mới, Hội Khoa học Tâm lý Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu, ứng dụng các hoạt động tâm lý cho các trẻ em tự kỷ ở Hà Nội.
- Phóng viên: Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi! Đầu tiên, xin ông có thể cho biết, cơ duyên nào đưa ông đến với nghề dạy trẻ em tự kỷ mà không phải là một lĩnh vực khác?
Tôi là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục. Sau khi ra trường, tôi có tham gia một dự án tư vấn tâm lý cho phụ huynh học sinh của Thầy giáo, TS.Nguyễn Minh Đức (Trưởng Khoa Giáo dục – Học viện Quản lý Giáo dục). Dự án này thực hiện đánh giá trên trẻ mầm non và chúng tôi mới nhận ra, ở các trường mầm non có nhiều trẻ thật đặc biệt.
Qua đó, tôi được tiếp xúc và cảm thấy lo lắng trước hình ảnh về những cậu bé có khuôn mặt trắng trẻo, ngây thơ xinh xắn nhưng chỉ thích chơi một mình, hầu như không tham gia bất kỳ hoạt động nào ở lớp, không chơi với các bạn; thậm chí có trẻ đến 3 tuổi vẫn chưa có ngôn ngữ, những sử dụng điện thoại rất giỏi, có trẻ từ ba tuổi đã biết đọc báo, nhưng không hiểu gì... Trẻ hầu như thu mình và sống với thế giới riêng của các bé, một thế giới bí ẩn và hoàn toàn khác với sự vui tươi hồn nhiên của các trẻ em bình thường.
Sau một dự án kéo dài gần 5 tháng đó, như một cơ duyên, những hình ảnh về các trẻ em tự kỷ cứ xuất hiện trong đầu tôi gieo nên những nỗi niềm trắc ẩn, thúc đẩy tôi tiếp tục học hỏi, nghiên cứu chuyên sâu và dạy các bé tự kỷ. Cũng từ đấy đến giờ, lòng hăng say hỗ trợ cho các bé luôn thường trực trong tôi, mỗi trẻ tự kỷ có những đặc điểm riêng, không trẻ nào giống trẻ nào. Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới, thế giới ấy đầy bí ẩn nhưng cũng chứa rất nhiều yêu thương, cảm thông và hy vọng.
- Thông thường, việc giáo dục cho trẻ ở độ tuổi mầm non hay cho các trẻ tự kỷ thường phù hợp với nữa giới. Ông có nghĩ vậy?
Theo tôi, quan điểm mới về chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung trong thời đại mới của thế kỷ 21 là công việc không phải chỉ dành riêng cho người phụ nữ. Nhưng mỗi đứa trẻ lớn lên là sự tổng hòa của những mảnh ghép, trong đó mảnh ghép yêu thương của người mẹ cũng như người bố đóng vai trò quan trọng.
Đối với các trẻ sinh ra mắc các hội chứng tự kỷ, thì vai trò của cả bố mẹ là cực kỳ quan trọng. Chăm sóc một trẻ tự kỷ rất khó và mất nhiều thời gian công sức hơn, do đó sự chia sẻ trong chăm sóc giúp trẻ ngày càng có định hướng tốt hơn. Cũng vậy, việc dạy trẻ tự kỷ, các cô giáo có thể làm rất tốt.
Tuy nhiên các thầy giáo cũng có thế mạnh riêng. Bí quyết quan trọng để dạy một đứa trẻ tự kỷ là phải “xâm nhập” được vào thế giới riêng của trẻ bằng các liệu pháp tâm lý giáo dục và có được hình ảnh một người hướng dẫn vừa khiến trẻ “sợ” cũng vừa khiến trẻ “yêu quý”. Chính vì thế, công việc dạy trẻ tự kỷ, người thầy giáo hay cô giáo cũng tốt và quan trọng hơn là người dạy phải có một hệ thống các kỹ năng chuyên sâu về các liệu pháp tâm lý giáo dục để hướng dẫn và dẫn dắt trẻ, hiểu về thế giới của trẻ và giúp trẻ từng bước hòa nhập có hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Quyết – Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày Mới đang thực hiện đáng giá cho trẻ tự kỷ.
- Suốt chặng đường gắn bó với nghề, Ông có cảm nhận gì về quá trình dạy các trẻ tự kỷ có khác với trẻ thường hoặc các lớp học kỹ năng khác không?
Theo tôi, điều này là hoàn toàn khác. Dạy trẻ tự kỷ, thực sự là một chặng đường không hề đơn giản. Thầy cô giáo phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, cùng học với các bé. Không những thế còn phải nắm vững kiến thức chuyên môn vì mỗi bé là một giáo trình, tùy theo từng biểu hiện nặng nhẹ khác nhau mà có những phương pháp can thiệp khác nhau. Đó là một hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách, hành trình ấy phải luôn có sự xúc tác từ tâm sức và tình yêu thương xuất phát từ gia đình và từ chính các giáo viên dạy trẻ.
Nhiều sinh viên và các giáo viên không thể kiên trì được với nghề cũng vì những điều tưởng như đơn giản ở đứa trẻ khác như chơi ghép hình, xâu hạt, nói ạ, bà..., nhưng đối với trẻ tự kỷ lại là điều thần kỳ. Bởi với trẻ tự kỷ, hướng dẫn 10 lần, 20 lần, thậm chí 100 lần, các con mới làm được những hành động đơn giản nhất như ngồi ghế, khoanh tay, nuốt cháo… thì những khả năng chơi, các phát âm và giao tiếp là điều như nằm ngoài sự tưởng tượng. Giáo viên phải dạy tất cả mọi thứ, từ những động tác đơn giản như thè lưỡi, liếm môi, thổi, nhai, chỉ tay bằng một ngón; hoặc cầm, nắm đồ vật; thậm chí tập lăn, lộn, bò… và dùng các liệu pháp trị liệu khác nhau trong những khoảng thời gian dài thì con mới biết cách thực hiện.
Sự an ủi và niềm vui lớn nhất của giáo viên dạy trẻ tự kỷ là sự tiến bộ mỗi ngày của các con. Sự thay đổi đó tuy ít và chậm, nhưng đối với cả thầy và trò đều rất giá trị. Ví dụ như giao viên có thể dành tới 10 tháng để dạy một bé biết "ạ", biết “xin” khi cho kẹo, "chào mẹ" khi mẹ đón,…
Sự tiến bộ của từng trẻ tự kỷ không nhiều nhưng chỉ cần sự thay đổi ở từng hành vi nhỏ nhất, thói quen đơn giản nhất cũng là niềm vui lớn hơn so với dạy trẻ bình thường. Do đó, có nhiều phụ huynh mong chờ một tiếng gọi “mẹ” mà phải kiên trì liên tục trong cả năm trời, để rồi khi con gọi được một tiếng “mẹ” dù chưa tròn môi cũng vỡ òa sung sướng gọi điện cho thầy với niềm hạnh phúc và tự hào.
Do đó dạy trẻ tự kỷ, thực sự là một hành trình chứa rất nhiều cảm xúc, với những cũng bậc khác nhau, những lúc vỡ òa sung sướng vì con biết phát âm, cũng có lúc áp lực lo lắng khi cả tháng trời không thấy con tiến bộ gì thêm… có những lúc cả gia đình và thầy giáo nín thở để chờ đợi một sự tiến bộ dù rất nhỏ của các con.
- Kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhât sau một hành trình gắn bó với trẻ tự kỷ?
Suốt hành trình gắn bó với trẻ tự kỷ, mỗi trẻ có những đặc điểm riêng, thế giới riêng nên tôi có rất nhiều kỷ niệm nhưng nhớ nhất, có lẽ là hình ảnh một cậu bé của một gia đình ở khu vực Cầu Giấy, khi con được 18 tháng tuổi, bố mẹ cho đi khám ở bệnh viện và được kết luận có dấu hiệu tự kỷ. Lúc này gia đình có gọi tôi về dạy tại nhà cho con. Trong giai đoạn đầu, con rất khó làm quen với người lạ, suốt 3 tháng trời cứ nhìn thấy thầy giáo là bạn ấy khóc và nôn chớ ra khắp nhà, ngày nào cũng vậy. Và khóc ròng suốt cả buổi học 90 phút. Tuy nhiên sau hơn 3 tháng, con làm quen được và hợp tác thì con học tốt và đến nay có nhiều tiến bộ rõ rệt.
Hay hình ảnh về một cậu bé có dấu hiệu tự kỷ, bé rất giỏi vẽ. Các kỹ năng xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp của bé rất hạn chế. Nhưng bé có thể vẽ được khoảng 100 mẫu các logo khác nhau của các nhãn hiệu nổi tiếng hoặc vẽ được gần 50 mẫu các loại xe khác nhau từ xe tải, xe oto,… Nhưng bé chỉ biết vẽ mỗi oto và logo, còn lại bé không biết bắt chước để vẽ được một hình tam giác, hay hình vuông đúng…
Và còn rất nhiều hình ảnh khác nữa, mỗi trẻ tự kỷ đều có những đặc điểm rất riêng, một thế giới đầy màu sắc và đáng được yêu thương trân trọng và sự đồng cảm từ cộng đồng để cùng giúp trẻ hòa nhập.
- Hôm nay là ngày nhận thức về tự kỷ (ngày 2/4 –PV), với ngày này, ông có chia sẻ gì về hoặc tâm nguyện nào cho các em tự kỷ?
Ở trung tâm chúng tôi, hàng nằm về ngày này, thường có những hoạt động viết ước mơ vào tờ giấy và thả vào quả bóng bay, sau đó, thổi căng bóng bay cho bay lên trần nhà. Những ước mơ đó tuy giản dị thôi nhưng cũng đầy yêu thương như: “Bé biết nói”, “Bé biết giao tiếp”, “bé hòa nhập”, “sang năm chúc bé được lên lớp 1”,… Và cứ như thế, mỗi năm ước mơ ấy càng được nối dài hơn…
Đối với những giáo viên như chúng tôi nói riêng và các bậc phụ huynh học sinh nói chung, luôn mong chờ và hưởng ứng về ngày này. Ngày thế giới nhận thức về trẻ tự kỷ để luôn nêu cao tinh thần yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau, cùng giúp đỡ các trẻ tự kỷ. Những hưởng ứng mạnh mẽ về ngày mồng 2 tháng 4 trong những năm gần đây đã giúp cho cộng đồng hiểu biết nhiều hơn về các trẻ tự kỷ, ngày càng thu hẹp hơn những khoảng cách kỳ thị, phân biệt hoặc thiếu tôn trọng với người tự kỷ.
Ở Việt Nam, những năm gần đây, được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến các giáo viên dạy trẻ tự kỷ như chúng tôi cùng như hỗ trợ các gia đình trẻ tự kỷ. Đó là những may mắn lớn. Đặc biệt Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ra Thông tư Số 03/2018/TT-BGDĐT với những quy định về hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng, là cơ hội lớn để các trẻ em tự kỷ có môi trường hòa nhập xã hội tốt hơn.
Bởi vì, hiện nay việc tạo điều kiện cho trẻ tự kỷ hòa nhập tại các trường bình thường là điều vô cùng khó khăn. Nhiều bé đã được can thiệp sớm, đã trở thành những bé bình thường nhưng vẫn bị các trường từ chối nhận dạy vì sợ ảnh hưởng đến những bạn khác, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, hay những nhận thức sai lầm của người lớn như không cho con mình tiếp xúc với trẻ tự kỷ vì sợ bị “lây” tự kỷ.
Tôi cũng mong rằng, ngày nhận thức về Trẻ tự kỷ luôn được sự quan tâm từ cộng đồng để tạo tính lan tỏa có hiệu quả hơn. Để môi trường xã hội chấp nhận, hiểu và cảm thông nhiều hơn đến các em tự kỷ, hiểu và cảm thông nhiều hơn đến những người hằng ngày được làm việc với trẻ tự kỷ như chúng tôi. Để chúng tôi có thể viết tiếp những giấc mơ hòa nhập cho trẻ tự kỷ, cũng như được xã hội đón nhận và có những môi trường hòa nhập phù hợp cho trẻ tự kỷ.
- Cảm ơn Ông về những chia sẻ rất xúc động về một nghề rất đặc biệt!
“Hội chứng tự kỷ ảnh hưởng tới khoảng 70 triệu người trên toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình cứ 160 người thì có một người tự kỷ. Hiện có tới 80% số người tự kỷ trưởng thành không có việc làm, phải sống phụ thuộc. Đây là con số đáng lưu tâm, cần được xã hội nhận thức và có các chính sách hỗ trợ phù hợp”.
Minh Minh
Theo ĐS&TD
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn