Cơ duyên đến với Báo Gia đình & Xã hội
Tôi về Báo Gia đình & Xã hội theo Quyết định phân công, điều chuyển công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Lê Thị Thu. Anh Ngô Khang Cường, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục kiêm Tổng Biên tập Báo khi đó đã viết thư gửi Bộ trưởng, đề nghị chuyển tôi sang Báo. Bộ trưởng gọi tôi lên bảo: “Em sang làm Tổng Biên tập Báo nhưng vẫn phải kiêm Tổng Biên tập Tạp chí một thời gian, vì chưa tìm được ai thay”. Vậy là ngày 8/01/2007 tôi chính thức về Báo Gia đình & Xã hội, kiêm nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em. Tôi đi về giữa Báo và Tạp chí một thời gian và sau đó đề nghị Bộ trưởng chuyển anh Nguyễn Thành Phong, Phó Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội về phụ trách Tạp chí Gia đình và Trẻ em thay tôi.
Trong thời gian ở Tạp chí, tôi đã xây dựng trang thông tin điện tử Giadinh.net.vn với đội ngũ biên tập viên khoảng 10 người. Khi tôi đi, mọi người đều có nguyện vọng được cùng tôi về Báo Gia đình & Xã hội. Tôi báo cáo Bộ trưởng, xin chủ trương đưa toàn bộ trang thông tin điện tử Giadinh.net.vn cùng đội ngũ cán bộ, biên tập viên về Báo. Được lãnh đạo Ủy ban đồng ý, các vụ chức năng giúp tôi giải quyết về mặt pháp lý như đền bù cho Tạp chí, chuẩn bị nhân sự cho Tạp chí. Tạp chí phải làm thủ tục trả lại tên miền và cùng lúc Báo Gia đình & Xã hội mua lại tên miền Giadinh.net.vn. Phòng Báo điện tử của Báo Gia đình & Xã hội được thành lập. Tháng 3/2007, lễ khai trương Giadinh.net.vn được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong. Bộ trưởng Lê Thị Thu nhấn nút chính thức lên sóng. Báo Gia đình & Xã hội là một trong số các báo sớm có trang thông tin điện tử. Nhờ có cách tiếp cận riêng nên Giadinh.net.vn đã sớm chiếm lĩnh bạn đọc, có số lượng bạn đọc đứng tốp đầu các trang thông tin điện tử, đặc biệt là về đề tài gia đình.
Cảm ơn đội ngũ cán bộ phóng viên
Tôi tiếp quản Báo Gia đình & Xã hội ở thời điểm tờ báo đang gặp những biến cố về tổ chức, bộ máy và khó khăn về tài chính. Số lượng xuất bản giảm sút, nội bộ nhiều “tâm tư”, nhiều các bộ phóng viên xin chuyển công tác, trong đó có những phóng viên cứng cựa. Chính vì thế mà anh Phùng Ngọc Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã rất chân tình, không dưới hai lần khuyên tôi ở lại Tạp chí Gia đình và Trẻ em, nơi tôi đã gần 15 năm phụ trách, gắn bó với nó, đang phát triển rất tốt. Khi đó, tôi đang là Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Đảng bộ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng phân công, điều chuyển công tác, không thể không chấp hành.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là đội ngũ cán bộ phóng viên của Báo rất trẻ trung, năng động, yêu nghề. Có điều, tình yêu đó chưa được kích hoạt đúng mức, một số tâm tư chưa được giả tỏa. Nếu quy tụ được, đây là lực lượng đầy tiềm năng, có thể làm nên mọi chuyện.
Điều quan tâm đầu tiên là xây dựng khối đoàn kết nhất trí và hoàn thiện các Quy chế, Quy định để các hoạt động của Báo đi vào khuôn khổ. Các văn bản quản lý nhà nước, Nội quy cơ quan được lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành như: Quy định chức năng nhiệm vụ; Quy chế làm việc; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Báo; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy định về khen thưởng xử phạt trong thực hiện nội dung và xuất bản; Nội quy ra vào cơ quan; Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức... Các văn bản này đã tạo nên một hành lang, một môi trường hoạt động thuận lợi cho cán bộ, phóng viên thực hiện công khai, phát huy sức mạnh tập thể để hoàn thành nhiệm vụ.
Một quy định chắc là ít cơ quan nào có là: Trưởng phòng có quyền trả người cho Tổng Biên tập nếu cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Trưởng là người trực tiếp thẩm định kết quả thử việc cán bộ dự tuyển vào phòng mình và đưa ra đề xuất mang tính quyết định có tuyển dụng hay không sau khi cán bộ, phóng viên dự thi tuyển vào Báo đã lọt qua các vòng thi. Nickname “TBT-07” trên Messenger do Tổng Biên tập trực tiếp quản lý dữ liệu thông tin là nơi tiếp nhận tất cả mọi đề xuất, kiến nghị, thậm chí bức xúc, là nơi xả stress của cán bộ phóng viên. Mọi người có thể dùng Nickname ảo để cung cấp thông tin cho “TBT-07” nếu không muốn công khai. “TBT-07” giống như một hòm thư kín đã cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin để xử lý các vấn đề nội bộ. Có người nói tôi quản tướng chứ không quản quân. Quả không sai. Khi được tin tưởng giao việc, trao quyền, các Phó Tổng biên tập, các Trưởng phòng đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm và khả năng sáng tạo, quản lý điều hành các hoạt động rất hiệu quả, theo Quy chế làm việc và chức năng nhiệm vụ của từng vị trí. Cũng chính từ chủ trương đó mà đội ngũ cán bộ của Báo đã trưởng thành nhanh chóng, từ năng lực quản lý đến khả năng chuyên môn. Nhiều cán bộ của Báo Gia đình và Xã hội đã trưởng thành, được đề bạt làm Tổng biên tập, phó tổng biên tập các cơ quan báo chí.
Tiếp nhận được cán bộ, phóng viên tốt là điều may mắn của người làm quản lý. Chính lãnh đạo Báo phải cảm ơn những cán bộ có năng lực đã đầu quân về Báo, tâm huyết với Báo. Tôi thực sự rất vui vì trong suốt 11 năm rưỡi ở Báo, qua nhiều lần tuyển dụng cán bộ phóng viên, kết quả tuyển dụng đều rất chất lượng, khách quan, nghiêm túc. Một số người vẫn nghĩ vào cơ quan nhà nước thì phải “chạy”, phải theo “lệ làng” này nọ, nhưng thực sự mọi cán bộ về làm việc tại Báo Gia đình & Xã hội không bao giờ có các “lệ” đó.
Tôi rất biết ơn các anh em đồng nghiệp, lãnh đạo và cán bộ, phóng viên của Báo, trong suốt hơn 11 năm qua đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dốc hết năng lực, trí tuệ, đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng xây dựng và phát triển Báo Gia đình & Xã hội để có tầm vóc như hôm nay. Cho dù có chuyện này chuyện khác không thể tránh khỏi trong quan hệ đời thường giữa người này người nọ trong cơ quan, thậm chí có những hiểu lầm đáng tiếc nhưng thực tế đều chứng minh sự trong sáng, toàn tâm toàn ý của cả tập thể và lãnh đạo Báo vì sự phát triển của tờ báo máu thịt của mình.
Những năm tháng sôi động
TS Lê Cảnh Nhạc trao quà cho các hộ gia đình nghèo tỉnh Hòa Bình dịp Tết Nguyên đán 2011. Ảnh: Chí Cường
Báo nhanh chóng phát triển các ấn phẩm chuyên san, chuyên đề. Ngoài các số báo ra thường kỳ và Báo điện tử Giadinh.net.vn, Báo Gia đình & Xã hội xuất bản thêm số Cuối tháng; Chuyên san Mẹ yêu Bé ra hàng tuần; Chuyên đề Dân số Gia đình và Trẻ em dành cho vùng xa, vùng sâu và Chuyên đề Sức Khỏe ra 2 kỳ/tháng; Bản tin Dân số Vùng biển, đảo và ven biển ra 1 kỳ/tháng; Chuyên đề Tiềm Năng Việt ra 4kỳ/tháng.
Triển khai Tòa soạn hội tụ, tất cả phóng viên đều tác nghiệp song hành báo in và báo điện tử với cơ chế giao định mức cụ thể, chi tiết. Thu nhập có giới hạn tối thiểu nhưng không có giới hạn tối đa, tùy thuộc vào năng lực và kết quả làm việc của từng người vì mọi kết quả đều có thể định lượng, đong đếm được, căn cứ vào số lượng bạn đọc và mức độ hoàn thành các định mức theo quy ước tập thể về cách tính đã được toàn Tòa soạn thông qua. Một môi trường làm báo lành mạnh, khoa học, hiện đại, thân thiện, hiệu quả, công khai, minh bạch, có thể phát huy mọi năng lực tiềm ẩn- Đó là môi trường của Báo Gia đình & Xã hội. Báo vươn lên tự chủ một trăm phần trăm kinh phí hoạt động. Đời sống cán bộ phóng viên ổn định và ngày càng được nâng cao. Uy tín của báo in và báo điện tử trong lòng bạn đọc ngày càng được khẳng định. Các tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Chi hội nhà báo đều hoạt động rất hiệu quả. Tổ chức Đảng của Báo từ một chi bộ chỉ có 5 đảng viên đã phát triển thành Đảng bộ với hơn 30 đảng viên.
Hàng loạt các hoạt động văn hóa- xã hội từ thiện được triển khai như: Tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc “Mái ấm gia đình” (năm 2007); Cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ” nhân kỉ niệm 1.000 năm Thăng long - Hà Nội; Chương trình Gala nghệ thuật “55 năm vì hạnh phúc cuộc sống”; Cuộc vận động sáng tác thơ “Vì hạnh phúc cuộc sống” nhân dịp kỉ niệm 55 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam; Chương trình Gala nghệ thuật “Mái ấm gia đình”, trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi Thủ đô Hà Nội; Vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tổ chức trao quà cứu trợ cho nhân dân các tỉnh bị thiên tai, lũ lụt; Vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tổ chức xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo; Tổ chức chương trình “Chúng con luôn bên Mẹ”: Tặng quà, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho các mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách có công với nước tại nhiều tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Tĩnh; Trao tặng học bổng cho hơn 1.000 trẻ em nghèo vượt khó học giỏi của các tỉnh thành phố; Tổ chức trao quà Tết cho hàng ngàn gia đình các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hà Nội; Tổ chức khám chữa bệnh cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, mổ mắt miễn phí cho người cao tuổi thuộc diện chính sách, người nghèo các tỉnh miền Trung và Đồng bằng Bắc Bộ; Tổ chức các chương trình truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam truyền thông về sự nghiệp Y tế và Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Tổ chức Cuộc vận động sáng tác ca khúc “ Kỷ nguyên vàng vì hạnh phúc cuộc sống” (năm 2013). Nhiều ca khúc hay đã ra đời động viên toàn dân thực hiện chính sách dân số.
20 năm qua, Báo Gia đình & Xã hội vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2015); Hai lần được nhận Cờ thi đua của Chính phủ (2009 và 2013); Nhiều năm liền được Bộ Y tế công nhận là Tập thể lao động xuất sắc; Báo được trao tặng gần 30 Bằng khen của Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội.
Nhiệm vụ song hành
Trong quá trình 40 năm công tác, 30 năm làm báo, trong đó có 25 năm làm Tổng Biên tập, tôi ba lần được phân công kiêm nhiệm công tác quản lý nhà nước và Tổng Biên tập Báo. Năm 2001, khi đang làm Tổng biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em, tôi được Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh phân công kiêm nhiệm Chánh Văn phòng Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam. Năm 2009, đang làm Tổng Biên tập Báo Gia đình & Xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu phân công tôi kiêm nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, phụ trách công tác truyền thông báo chí của Bộ Y tế (khi đó chưa có Vụ Truyền thông, Thi đua, Khen thưởng mà công tác truyền thông báo chí nằm trong chức năng quản lý của Vụ Pháp chế).
Đến năm 2011, một ngày đẹp trời, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu gọi tôi lên bảo: “Tổng cục DS-KHHGĐ xin bổ sung Phó Tổng cục trưởng và lãnh đạo Tổng cục muốn đề bạt chú”. Ngừng một lát, Bộ trưởng nói tiếp: “Làm Phó Tổng cục trưởng thì rất bận rộn, phải tập trung tâm huyết, thời gian, nếu làm báo nữa thì sẽ rất vất vả, chú nghĩ sao?”. Như một phản xạ tự nhiên, tôi buột miệng nói: “Dạ báo cáo anh, em muốn đổi tất cả để làm báo cũng được”. Bộ trưởng nhìn tôi rất ngạc nhiên rồi nói: “Thôi được, cứ biết thế...”.
Khoảng 2 tuần sau, một buổi trưa, tôi tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Kim Tiến (lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Y tế). Chị vui vẻ cho tôi biết, Ban cán sự Đảng đã nhất trí đề bạt tôi làm Phó Tổng cục trưởng kiêm nhiệm Tổng Biên tập Báo Gia đình & Xã hội. Mấy hôm sau, Bộ trưởng triệu tập lãnh đạo Tổng cục lên làm việc về công tác tổ chức cán bộ. Anh Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng có ý kiến: “Trong Quyết định của Bộ trưởng không thể ghi kiêm nhệm chức danh Tổng Biên tập, vì theo chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục, chức danh Tổng Biên tập là do Tổng cục trưởng quyết định, và tôi hứa với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ sẽ ra Quyết định phân công đồng chí Lê Cảnh Nhạc kiêm nhiệm Tổng biên tập Báo”. Vậy là lần thứ ba tôi được phân công “kiêm nhiệm”. Cuộc đời làm báo không bị đứt đoạn. Niềm đam mê nghề báo vẫn có cơ hội được phát huy.
Đúng như Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã nói, công việc của Phó Tổng cục trưởng bận rộn thật. Cần phải thu xếp quỹ thời gian sao cho hợp lý và tổ chức công việc khoa học mới hoàn thành nhiệm vụ. Còn phải dành thời gian cho cho gia đình và sáng tác nữa…Gói gọn lại trong công vai trò Tổng Biên tập, tôi đặc biệt quan tâm mấy vấn đề: Đào tạo cán bộ; Định hướng; Tin tưởng; Giao quyền; Phân công; Đôn đốc; Kiểm tra. Bộ máy Báo Gia đình & Xã hội cứ thế chạy êm ru. Các Phó Tổng biên tập phụ trách các mảng chuyên môn chủ động chỉ đạo triển khái các hoạt động của Báo. Có thể nói, các Phó Tổng biên tập của Báo Gia đình & Xã hội đã sát cánh đồng hành cùng tôi trong thời gian qua có thể đảm nhận xuất sắc vai trò Tổng Biên tập của bất kỳ tờ báo nào nếu có cơ hội phát triển. Tất cả các khâu duyệt bài vở xuất bản đều được kết nối thực hiện qua mạng. Đi công tác nước ngoài hoặc các địa phương trong nước, tôi đều có thể duyệt bài ở bất kỳ đâu, mọi công việc ở Tòa soạn vẫn chạy êm. Báo tránh được các sai sót đáng tiếc, chất lượng ngày một nâng cao.
Sắp tới, thực hiện Quy hoạch báo chí của Chính phủ và Bộ Y tế, Báo Gia đình & Xã hội và cơ quan báo chí của Bộ sẽ hòa nhập về một tòa soạn báo trực thuộc Bộ Y tế. Lãnh đạo Bộ đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông, báo chí và luôn quan tâm đến đội ngũ những người làm báo của ngành. Báo điện tử có lợi thế đặc biệt trong xu hướng báo chí hiện đại, dần dần thay thế báo in. báo điện tử Gia đình & Xã hội (Giadinh.net.vn) đã và đang phát huy tốt vai trò của mình, có khả năng tự chủ tốt, cần được tiếp tục đầu tư xứng đáng để tăng cường hiệu quả trong công tác truyền thông của ngành. Tôi tin rằng đội ngũ cán bộ phóng viên Báo Gia đình & Xã hội sẽ phát huy mọi lợi thế để có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp truyền thông Y tế - Dân số trong thời gian tới.
TS Lê Cảnh Nhạc (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, nguyên Tổng Biên tập Báo GĐ&XH)
Theo Giadinh.net.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn