"Đường sắt cao tốc Bắc Nam cần vận chuyển cả hàng hoá để giải quyết nút thắt logistics"

Thứ tư - 20/11/2024 18:01
Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường khi thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam tại hội trường Quốc hội chiều nay (20/10). Đây là phát biểu gây chú ý do khác quan điểm với Chính phủ đề xuất tại Tờ trình dự án này.
d2024112004 0
Phối cảnh đường sắt tốc độ cao Bắc Nam (Ảnh vẽ AI, nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Ngày 20/11, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV bước vào ngày làm việc đầu tiên của đợt họp thứ hai, dự kiến sẽ kéo dài đến hết sáng 30/11.

Thảo luận tại Hội trường chiều 20/11 về chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã có bài phát biểu đáng chú ý.

Bày tỏ sự đồng tình nếu Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam (dự kiến sẽ thông qua vào sáng 30/11), đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, dự án này thoả mãn cả điều kiện cần và đủ của nền kinh tế Việt Nam ở bối cảnh hiện tại.

Thứ nhất, tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện khá thấp (37%), là dư địa tốt để huy động thêm khoảng 67 tỷ USD trong vòng 10 năm, khi đó nợ công cũng chỉ tăng lên khoảng 45% GDP, thấp hơn trần nợ công là 60%.

Thứ hai, nước ta có địa hình kéo dài, thuận lợi lưu thông hàng hóa và nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc Nam rất lớn, nhiều khu vực có tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác do nút thắt về chi phí logistic cao.

Thứ ba, quy mô nền kinh tế đang trên đà tăng nhanh nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa dọc hành lang kinh tế Bắc Nam trong tương lai sẽ rất lớn. Chúng ta đang cần tăng lưu thông hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Âu, Trung Đông và Bắc Á, để giảm bớt mức độ tập trung quá lớn vào một số thị trường có tiềm ẩn rủi ro như hiện nay.

"Do vậy, cần phát triển tuyến đường sắt Bắc Nam với tốc độ cao có thể kết nối liên vận với mạng lưới đường sắt các nước trong khu vực để giải quyết nút thắt về logistics và liên thông quốc tế", vị đại biểu nhấn mạnh.
 
d2024112004 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại hội trường chiều 20/11

Mặc dù rất cần thiết và đủ khả năng để đầu tư, nhưng theo đại biểu, đây là một dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước, do vậy cần phải được đánh giá rất kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất.

Từ đó, vị đại biểu cho rằng Chính phủ cần lưu ý một số vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất: Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa (không phải chỉ vận tải hàng hóa trong trường hợp cần thiết như đề xuất của Chính phủ - PV).

Nêu lý do, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mức độ tập trung dân số dọc theo tuyến Bắc Nam rất cao (bằng 1/10 tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải, bằng 1/2 tuyến Đài Bắc-Cao Hùng); nên nếu chỉ chở khách thì sẽ lãng phí khoảng 50% công suất, doanh thu chở khách sẽ không đủ bù đắp chi phí vận hành, có nguy cơ phải bù lỗ rất lớn giống như tuyến Đài Bắc - Cao Hùng của Đài Loan (Trung Quốc).

Mặt khác, nếu không vận tải hàng hóa thì sẽ không giải quyết được nút thắt về logistics của Việt Nam hiện nay, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa dọc hành lang kinh tế Bắc Nam và không liên vận với hệ thống đường sắt quốc tế.

Bởi vì, việc cải tạo tuyến đường sắt hiện hữu là đường đơn nên số đôi tàu chỉ tăng lên tối đa 1,5 lần so với hiện nay. Tuyến đường hiện hữu có hàng chục ngàn nút giao đồng mức với các đường dân sinh nên không thể tăng tốc độ chạy tàu so với hiện tại. Do vậy, năng lực vận tải hàng hóa tăng thêm sẽ không nhiều so với hiện tại đang đảm nhận (khoảng 1%).

Thêm vào đó, tuyến đường sắt chở hàng khổ 1m sẽ rơi vào cái bẫy bị cô lập, không liên thông được với hệ thống vận tải hàng hóa quốc tế (đều sử dụng khổ 1m435).

"Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải thiết kế, đầu tư để khai thác lưỡng dụng, cả hành khách và hàng hóa (không phải chỉ chở hàng hóa trong trường hợp cần thiết), đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa dọc tuyến Bắc Nam, kết nối với hệ thống vận tải liên vận quốc tế, thu hút và phân bố lại các hoạt động đầu tư đến các vùng miền có nhiều tiềm năng dọc tuyến đường sắt đi qua; để khai thác tối đa công suất, tăng nguồn thu, tránh thua lỗ phải lấy ngân sách bù lỗ hàng năm", ông Cường nêu quan điểm.

Vấn đề thứ hai: Việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

Đại biểu nêu bài học kinh nghiệm từ các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội (TP. Hà Nội) và Bến Thành – Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh), do nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng là nhà thầu nước ngoài dừng dự án và yêu cầu xử phạt thời gian chờ đợi. Thêm vào đó, quá trình vận hành, sửa chữa thay thế sẽ lệ thuộc mãi mãi vào nhà cung cấp nước ngoài.

Từ đó, đại biểu cho rằng, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì không chỉ rủi ro về thời gian (chưa biết khi nào hoàn thành) mà vốn có thể đội lên bao nhiêu chưa biết và nguy hại hơn sẽ lệ thuộc mãi mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Trong khi đó, đại biểu cho rằng, bài học kinh nghiệm khi chúng ta triển khai thành công tuyến đường dây 500KV mạch 3 với thời gian hoàn thành thần tốc, là do chúng ta làm chủ về công nghệ, chúng ta là người trực tiếp thi công, nên có thể vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

"Nếu kết hợp dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với các dự án đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ có một thị phần đường sắt khoảng 150 tỷ USD, là thị trường đủ lớn để nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, giúp doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, tự xây dựng, có chăng chỉ mua trọn gói một số bộ phận thật đặc thù, đơn chiếc như đầu máy, hệ thống điều khiển", ông Cường nói.

"Thực tế Vinfast đã nhận chuyển giao công nghệ để tự sản xuất ô tô, thì chắc chắn doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để nhận chuyển giao công nghệ đường sắt và tiếp tục nghiên cứu cải tiến, phát triển cao hơn.

Làm được như thế, chúng ta không chỉ có được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mà còn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình. Do vậy, việc chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ", vị đại biểu nói thêm.

Vấn đề thứ 3: Phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam không phải để cạnh tranh với hàng không về thời gian di chuyển, mà nhằm cấu trúc lại các phương thức vận tải, tạo cho người dân không có cơ hội lựa chọn hàng không được lựa chọn phương thức di chuyển nhanh và thuận lợi.

Do vậy, đại biểu cho rằng tuyến đường sắt phải tiếp cận tất cả những vùng tập trung đông dân cư (như Nam Định là tâm điểm của cả Thái Bình và Hưng Yên) để có thêm hàng triệu hành khách lựa chọn, chứ không phải là bỏ qua Nam Định để chạy thẳng cho nhanh tới Đà Nẵng, Nha Trang hay TP.HCM để cạnh tranh với hàng không.

Muốn vậy, các chuyến tàu cần phải được dừng lại đón và trả khách ở tất cả các ga, nhất là những ga không gần với các cảng hàng không để hành khách có thể di chuyển giữa hai địa điểm bất kỳ, ví dụ như từ Nam Định vào Hà Tĩnh, hoặc Ninh Bình vào Quảng Ngãi vào bất cứ thời điểm nào; không nên bỏ cách các ga nhằm mục tiêu tăng tốc độ rút ngắn thời gian.

Trước đó, phát biểu tiếp thu giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về chủ trương xây dựng dự án này tại phiên họp tổ sáng 13/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về công năng, tuyến đường sắt cao tốc này chỉ vận tải hành khách, chưa vận tải hàng hóa; tuy nhiên sẽ sử dụng lưỡng dụng khi cần thiết như phục vụ an ninh, quốc phòng và vận tải hàng hóa.

Lý do, theo Bộ trưởng, dự kiến từ nay đến 2050, nhu cầu vận tải hàng hóa dọc trục Bắc - Nam chỉ hơn 18,2 triệu tấn/năm, thì tính riêng hệ thống đường sắt cũ khi nâng cấp là đã đủ để đảm đương.
 
d2024112004 2
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nói về đường sắt cao tốc Bắc Nam sáng 13/11
 
Ngoài ra, chúng ta còn hai phương thức vận tải hàng hóa quan trọng là đường biển ven bờ và đường bộ. Ở tất cả các quốc gia có đường sắt, vận tải hàng hóa vẫn chủ yếu ưu tiên vận chuyển trên đường biển, đường thủy nội địa, sau đó mới đến đường bộ.

Về tốc độ, Bộ trưởng cho hay, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến sẽ có hai đội tàu, tàu thứ nhất công suất thiết kế lên đến 350 km/h, chỉ đỗ ở 5 ga chính. Ngoài ra, còn có thêm tàu cao tốc với tốc độ 280 km/h, đỗ ở nhiều ga hơn để người dân có thêm lựa chọn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây