Trả lời thắc mắc của độc giả Nguyễn Thị Cẩm Vân (31 tuổi, quê Hà Tĩnh), luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, Đoàn luật sư Hà Nội - cho biết người có hành vi sử dụng bằng lái xe giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu tài xế không biết đó là bằng lái giả thì theo Điều 21 Nghị định 46, phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển môtô, ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô mà không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Người vi phạm còn bị tịch thu giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Một bằng lái B2 bị làm giả. Ảnh: H.L.
Trường hợp tài xế cố ý làm hoặc sử dụng bằng giả để qua mắt cơ quan chức năng, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Người phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm, sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Còn người phạm tội làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên, sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Theo Zing.vn