Vậy nhưng, kể từ năm 1964 khi phát hiện ra mỏ sắt Thạch Khê đến nay, đã trải qua 3 lần dừng dự án khai thác vào các năm 1987, 1997-1998 và 2011. Theo Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ-người tham gia nghiên cứu, tiếp cận các tài liệu dự án từ đầu đến nay-các giai đoạn của quy trình thực hiện đã xảy ra nhiều bất cập, sai sót, như báo cáo tiền khả thi không thực hiện khoan thăm dò nước ngầm, không nghiên cứu caster; số liệu về thủy văn, nước ngầm chỉ là từ mô hình. Đánh giá tác động môi trường và dự báo khả năng tiêu thụ, sử dụng quặng không được tiến hành (từ năm 2002 đến 2004). Đặc biệt, thiết kế kỹ thuật cho dự án điều chỉnh không có giá trị khoa học v.v..
UBND tỉnh Hà Tĩnh và người dân Thạch Khê muốn dừng dự án. Hàng chục năm qua, họ đã chịu đựng khó khăn, vất vả do thiếu nước sạch, các công trình phục vụ di dân, tái định cư còn dang dở, không được cấp đất ở, không được tách thửa để xây dựng nhà cửa. Việc sản xuất cũng không được đáp ứng do thiếu nguồn nước, cơ sở hạ tầng không được đầu tư xây dựng, nhiều cơ sở trường học, công sở đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, xây dựng. Trong khi đó, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đề xuất tái khởi động Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Tương tự như vậy, năm 2020, trước những khó khăn, bất cập, UBND tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan theo hướng quy hoạch quặng để dự trữ cho sau này, khi đủ điều kiện sẽ khai thác có hiệu quả, trước mắt cho phép triển khai các dự án kinh tế khác trong khu vực đã quy hoạch titan.
Thi công bóc đất cát tại mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: TTXVN
Ngày 11-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau khi thị sát mỏ sắt Thạch Khê, đã chỉ đạo: Việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi. Sau đánh giá, trường hợp có lợi thì tổ chức triển khai, nếu chưa có lợi thì dừng lại và tiếp tục nghiên cứu.
Không chỉ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, ở những lĩnh vực khác như bất động sản, xây dựng, thủy điện v.v.. tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo” tồn đọng đã gây ra nhiều hệ lụy, thiệt hại cho người dân và toàn xã hội.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, như trường hợp mỏ sắt Thạch Khê, là do các chủ đầu tư đã không thực hiện điều tra, khảo sát, lập kế hoạch dự án bảo đảm tính khoa học, hiệu quả mang tính khả thi, đến khi triển khai xuất hiện tình huống bất lợi là đành “đắp chiếu dự án”, không có cách xử lý hữu hiệu, đành chịu thất thoát, lãng phí vốn liếng, công sức và thời gian, đồng thời gây bao khổ cực cho người dân trong vùng dự án.
Các chủ đầu tư không lạ gì điều đó. Nhưng nếu làm đúng quy trình, khảo sát, thăm dò, lập các loại báo cáo một cách đầy đủ, chính xác ắt hẳn sẽ làm tăng chi phí. Đặc biệt, báo cáo đánh giá tác động về môi trường-sinh thái, về xã hội, dân cư ở các dự án lớn đòi hỏi có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước và thế giới. Đó là chưa xét đến khía cạnh chính các báo cáo khoa học này là cơ sở để cơ quan chức năng kiến nghị dừng, hoãn hoặc rút quyết định đầu tư.
Rõ ràng, tính khả thi và sự bền vững của bất kỳ dự án, quy hoạch nào đều phải thiết lập ngay từ những bước đầu tiên là khảo sát, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để chứng minh hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế-xã hội. Chủ đầu tư không chỉ cần có tiềm lực tài chính, nhân lực và phương tiện, mà cần phải có lòng dũng cảm và trung thực-những yếu tố chủ quan quan trọng để dự án của họ được thuận buồm xuôi gió, tránh bị ngừng lại giữa chừng.