Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, sử dụng đất chậm triển khai, chiếm 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê giai đoạn 2012-2017. Trong số này có 47 dự án chậm tiến độ trên 24 tháng.
Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo có 119 dự án xây dựng nhà ở chậm tiến độ quá 24 tháng, còn báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì chỉ có 28 dự án chậm tiến độ hơn 24 tháng.
Nhưng báo cáo giám sát trực tiếp của HĐND thành phố Hà Nội và tổng hợp số liệu của 30 quận, huyện, thị xã lại ra con số 383 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, có nhiều dự án có trong báo cáo của chính quyền địa phương nhưng không có trong danh sách của các sở, ngành và ngược lại.
Số liệu thông kê dự án chậm đưa đất vào sử dụng ở các sở, ngành của thành phố thì “mỗi nơi một phách”. Dự án được HĐND thành phố Hà Nội tổng hợp ở quận, huyện cao hơn 2 lần báo cáo của đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực quản lý đất đai là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội?
Còn đối với chính quyền cơ sở, một số dự án “treo” nằm trong báo cáo của các sở, ngành nhưng không có trong danh sách dự án treo của địa phương. Sự “biến mất” khó hiểu và cũng khó giải thích khi chính quyền cơ sở lại không biết về dự án “treo” ở chính trên địa bàn mình quản lý?
Sự thiếu thống nhất trong số liệu dự án “treo” được từ các đơn vị biểu hiện yếu kém trong công tác phối hợp, quản lý Nhà nước về đất đai. “Độ vênh” của con số các dự án “treo” được báo cáo cũng đặt ra nhiều nghi ngờ, khi dự án vi phạm lại “vô tình” được bỏ ra khỏi danh sách thống kê?
Ngoài những dự án đã và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhiều dự án được chấp nhận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng nhiều năm không hoàn thành thủ tục về đất đai để được giao đất. Ví dụ như dự án Khu đô thị Việt Á (huyện Mê Linh) dự án Khu đô thị làng Việt cổ (huyện Hoài Đức) dự án Xây dựng chợ Lâm sản (quận Bắc Từ Liêm)…
Những dự án này chưa được giao đất, cho thuê đất nên có thể không vi phạm quy định Luật Đất đai. Tuy nhiên, giới đầu tư coi đây là kiểu hợp thức hóa chiếm giữ đất, điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất, khiến các chủ đầu tư khác có nhu cầu không vào được khu đất của dự án đã giữ chỗ. HĐND thành phố Hà Nội đánh giá, số liệu những dự án “xí phần” giữ đất này chưa được tổng hợp đầy đủ và trách nhiệm chính thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng.
Chưa nghiêm túc xử lý vi phạm
Trong quy hoạch phát triển đô thị mỗi thành phần là một dự án, khi dự án không thực hiện đúng, doanh nghiệp không triển khai dự án sẽ hỏng đi kế hoạch đã đặt ra và làm chậm quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Hệ quả dễ nhận thấy nhất là đất bỏ hoang phí, sử dụng sai mục đích, cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng các dự án “treo” là năng lực yếu của chủ đầu tư. Nhà nước cần xem xét đánh giá đúng khả năng của chủ đầu tư để khi giao đất. Đặc biệt, khu vực tỉnh Hà Tây cũ trước khi nhập vào Hà Nội là có câu chuyện xin – cho chạy thủ tục để được giao dự án “xí đất”. Sau đó, các chủ đầu tư mới bộc lộ là năng lực yếu khi thiếu vốn, thiếu nguồn lực, kinh nghiệm và hồ sơ pháp lý không đầy đủ.
“Hàng trăm dự án ở tỉnh Hà Tây cũ không triển khai được, các chủ đầu tư chỉ giữ đất và không có năng lực đầu tư thực hiện dự án, để càng lâu thì thiệt hại cho mọi phía đều nặng nề hơn. Do đó, cơ quan nhà nước cần thanh tra, kiểm tra và phải thu hồi khi dự án quá trì trệ” – ông Đính nói.
Theo Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội bên cạnh những chủ đầu tư năng lực yếu vẫn còn những chủ đầu tư cố tình vi phạm, thậm chí tái phạm. Nhiều dự án ở lõi của 4 quận nội thành, các chủ đầu tư không vướng mắc gì về tài chính, không vướng mắc gì về quy hoạch cũng chậm triển khai gần 10 năm.
Ông Nam nêu ví dụ, dự án ở 15 Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm) xây dựng trung tâm thương mại, vẽ rất đẹp nhưng “đắp chiếu” hơn 10 năm nay, vẫn là bãi đỗ xe gây mất an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy.
“Chủ đầu tư rất có năng lực tài chính nhưng phải chăng là giám sát chưa quyết liệt, chưa thể hiện trách nhiệm trong đôn đốc chủ đầu tư thực hiện. Thành phố vẫn cứ ưu tiên, nể nang các nhà đầu tư” – ông Nam cho biết.
Ngoài nguyên nhân chủ đầu tư năng lực yếu, việc “nể nang” trong xử lý các dự án treo đã khiến tình trạng này kéo dài. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đô thị hóa của thành phố Hà Nội, lãng phí hàng triệu m2 đất, nguồn tài nguyên quý giá và ảnh hưởng đời sống của người dân trong vùng dự án.
UBND thành phố Hà Nội khẳng định quyết tâm xử lý các dự án “treo” nhưng thực tế con số dự án đã được xử lý quá nhỏ. Vậy, giải pháp nào để Hà Nội xử lý và xóa bỏ sự tồn tại của các dự án “treo”?
Tác giả bài viết: Hoài Lam
Nguồn tin: Theo VOV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn