Tháng 8/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, chấp thuận chủ trương Dự án Khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng Lộc Hà tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà do Công ty CP Quốc tế Lộc Hà làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư trên diện tích 8,77ha, gồm khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp 5 tầng quy mô 3 sao, công suất từ 80-100 phòng; 30 căn biệt thự song lập và 53 căn biệt thự đơn lập cùng hệ thống nhà hàng và khu vui chơi giải trí... với tổng kinh phí đầu tư 241 tỷ đồng.
Tháng 8/2017, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu khách sạn nghỉ dưỡng Lộc Hà
Đến tháng 7/2019, Công ty CP quốc tế Lộc Hà đã ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT Hà Tĩnh cho giai đoạn 1 của dự án với diện tích hơn 7ha, hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Sau đó, tháng 12/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định cho phép dự án này được chuyển từ hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm sang thuê đất trả tiền một lần đối với diện tích đất nói trên.
Khu mộ tổ của một hộ dân nằm trong khu vực thuộc diện giải phóng mặt bằng nhưng đến nay người dân chưa đồng ý di dời
Sau 5 năm, dự án mới cơ bản hoàn thành hệ thống thoát nước
Dự án kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên diện mạo mới cho khu du lịch sinh thái biển Lộc Hà, góp phần đáp ứng các nhu cầu dịch vụ du lịch cho người dân, cho du khách, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách địa phương. Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án có thời gian hoạt động 50 năm và tiến độ thực hiện dự án 36 tháng.
Tuy nhiên sau 5 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư, đến nay dự án vẫn đang bỏ dở, nhiều hạng mục đắp chiếu do vướng mắc khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Người dân yêu cầu chủ đầu tư lấy đất phải đổi đất mới, song chủ đầu tư cho biết vượt quá khả năng nên khó đáp ứng
Theo tìm hiểu, hiện đang có 16 hộ dân ở xã Thịnh Lộc chưa đồng ý di dời địa điểm, đa số người dân yêu cầu chủ đầu tư phải có đất tương tự để đổi.
Ông Nguyễn Viết Hậu (SN 1975, trú thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) cho biết, để lấy đất phục vụ dự án, phía chủ đầu tư và UBND huyện Lộc Hà đã tiến hành kiểm đếm, đo đạc diện tích hơn 1.187m2 cùng nhà cửa, công trình phụ trợ, lăng mộ trên đất của gia đình, song mức đến bù đưa ra chưa thoả đáng nên ông không chấp nhận rời đi.
Vật liệu phơi sương, hoen gỉ do dự án chưa thể triển khai
Còn ông Nguyễn Viết Tự (trú thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) cho hay, gia đình ông có hơn 500m2 đất nằm trong khu vực thực hiện dự án, nhưng hiện chưa di dời bởi chưa có mảnh đất tương tự để thực hiện tái định cư.
"Chúng tôi không chống đối nhưng muốn rời đi thì phải có mảnh đất tương tự như vậy để tôi xây nhà cho con. Mảnh đất tái định cư phải có điện, có đường... Chừng nào chưa có đất để đổi thì chừng đó chúng tôi còn chưa đi. Vừa rồi họp tôi cũng đã nêu ý kiến với chủ đầu tư và huyện", ông Tự nói.
Bên trong dự án đang bị "đắp chiếu"
Tương tự, bà Phạm Thị Huề (SN 1949, xã Thịnh Lộc) cũng có mảnh vườn diện tích 755m2 cùng công trình đều nằm trong vùng quy hoạch dự án, nhưng chủ đầu tư chỉ đồng ý chi trả số tiền đền bù chưa đến 400 triệu đồng nên bà không đồng ý di dời.
"Ngoài việc đền bù số tiền thỏa đáng, chủ đầu tư và chính quyền phải bố trí đất tái định cư đúng bằng diện tích đất đã thu hồi. Gia đình tôi có 8 người con, trong đó có 2 người con trai đã được chia thừa kế một phần mảnh vườn này. Nên nếu doanh nghiệp thu hồi đất, thì ngoài lô tái định cư cho tôi thì chủ đầu tư phải xem xét cấp 2 lô đất khác cho hai người con trai của tôi", bà Huề nói.
Vật liệu xây dựng vứt ngổn ngang nhiều năm
Ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: "Tính từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư thì theo kế hoạch dự án phải được thực hiện xong trong vòng 36 tháng nhưng do vướng mặt bằng nên đang chậm tiến độ. Hiện có 16 hộ dân chưa đồng ý mức đền bù, họ yêu cầu đền bù đất cho họ, yêu cầu đổi đất chứ tiền thì không lấy nhưng doanh nghiệp hiện chưa tháo gỡ được, chưa có đất để đổi cho dân, vì thế đang gặp khó khăn".
Cũng theo ông Phong, đây không phải dự án tái định cư mà doanh nghiệp phải tự thỏa thuận mức đền bù với người dân. "Hiện xã cũng không còn quỹ đất để cấp", ông Phong nói.
Phía Công ty CP Quốc tế Lộc Hà cũng cho biết, suốt 5 năm qua, doanh nghiệp đã rất thiện chí, đến tận từng nhà dân để thỏa thuận, vận động nhưng những đòi hòi của dân là không có căn cứ, vượt quá khả năng đáp ứng của chủ đầu tư. Phần lớn đất của các hộ dân đều chưa có sổ đỏ, làm nhà trên đất trồng cây lâu năm nhưng yêu cầu đến vùng tái định cư phải có sổ đỏ, một số hộ dân khác đồng ý nhận tiền nhưng với mức giá quá cao Công ty cũng không đáp ứng được.
Hiện đang còn 16 hộ dân với hơn 1,5ha trong vùng ảnh hưởng vẫn chưa đồng ý với các phương án đền bù
Đại diện chủ đầu tư Dự án Khu khách sạn nghỉ dưỡng Lộc Hà cho biết: "Người dân đòi đền bù đất thổ cư nhưng huyện không đồng ý, không có quỹ đất, nếu có thì chúng tôi đã hỗ trợ lâu rồi. Người dân đòi giá đền bù trên trời nhưng chúng tôi vẫn đồng ý, vấn đề là người dân không chịu rời đi", đại diện chủ đầu tư nói.
Cũng theo chủ đầu tư, "Hiện chúng tôi đang trình tỉnh, xin quây phần đất của người dân chưa đồng ý lại, triển khai các phần đã được giải phóng mặt bằng, phần của dân chưa được giải phóng mặt bằng thì cứ để đấy trả lại cho người dân. Dự án này vướng một năm dịch bệnh, hiện đang làm hạ tầng, dự kiến cuối năm sau sẽ hoàn thành".
Link gốc: https://vietnamnet.vn/du-an-hon-200-ty-ven-bien-ha-tinh-dap-chieu-nhieu-nam-2095345.html