Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đảm bảo an toàn phòng dịch để sản xuất. (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, hơn 1,1 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” để sản xuất với số lao động tham gia là hơn 134 nghìn người. Tùy theo từng công ty, lao động lưu trú từ vài chục, vài trăm đến hơn 1 nghìn người, tuy nhiên tất cả đều thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để hạn chế thấp nhất bệnh dịch lây lan vào trong nhà xưởng.
Các doanh nghiệp muốn lưu trú người lao động tại công ty để làm việc phải đăng ký với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Sau đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai sẽ thành lập đoàn kiểm tra về điều kiện bố trí làm việc, nơi ăn, chỗ ở tại doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, doanh nghiệp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, đa số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” đều chấp hành nghiêm ngặt quy định 5K nên hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh vào trong doanh nghiệp. Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, có hơn 60 doanh nghiệp xuất hiện ca F0 trong nhà máy, nhưng được khống chế, dập dịch kịp thời nên sau vài ngày khử khuẩn, bóc tách F0, F1, F2 đưa đi cách ly, doanh nghiệp lại tiếp tục hoạt động trở lại.
Từ ngày 20/9, tỉnh Đồng Nai bắt đầu thực hiện kế hoạch về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương trong tình hình mới. Các doanh nghiệp đã lên kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Đồng Nai trong tình hình mới, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo dự thảo hướng dẫn thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, doanh nghiệp muốn bổ sung thêm lao động, thay lao động, đưa lao động trở lại nhà máy để khôi phục sản xuất thì lao động phải đến từ “vùng xanh”, tiêm ít nhất 1 mũi vaccine được 14 ngày trở lên hoặc người chữa khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày. Những lao động muốn đi về trong ngày buộc phải ở “vùng xanh” và các doanh nghiệp bố trí cho về theo lộ trình.
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 100 doanh nghiệp đăng ký mới, bổ sung lao động để từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Dự kiến trong tháng 10/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu sẽ tăng. Ông Hiroyuki Ishil, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức trên địa bàn huyện Long Thành cho biết, Khu công nghiệp Long Đức có 63 doanh nghiệp đang hoạt động, dịch bệnh trong hơn 3 tháng qua đã khiến nhiều nhà máy chỉ hoạt động 20% đến 50% công suất, ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng. Sau khi Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có chính sách mở cửa, trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhiều doanh nghiệp tại đây đã đăng ký bổ sung lao động để phục hồi sản xuất.
Đại diện Công đoàn công ty TNHH Pousung Việt Nam cho biết, Công ty vừa được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai chấp thuận bổ sung thêm 4.335 lao động ở vùng xanh vào làm việc. Theo đó, đến nay đã có gần 10 nghìn lao động trở lại công ty làm việc sau thời gian tạm ngừng việc để phòng dịch. Trong ngày 11/10, Công ty tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ lao động trong đợt 2. Đối với lao động cư trú tại huyện Trảng Bom sẽ đi làm tự túc bằng xe máy, còn lao động khác huyện sẽ được công ty bố trí xe đi đưa đón đi làm.
Trước đó, ngày 5/10, Công ty đã trở lại hoạt động ngày đầu tiên với 5.500 lao động đã đi làm. Đối với những lao động chưa đủ điều kiện làm việc sẽ được công ty trả 50% mức lương tối thiểu vùng. Sắp tới Công ty tiếp tiếp tục bổ sung thêm lao động để đáp ứng các đơn hàng cuối năm.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, cùng với chủ trương, chính sách, định hướng của Trung ương, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh thường xuyên theo dõi, phối hợp với các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất. Uỷ ban Nhân dân tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành ưu tiên cho những nhiệm vụ ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục nền kinh tế. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng thành lập Ban chỉ đạo phục hồi kinh tế, Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp./.
Link gốc: https://dangcongsan.vn/kinh-te/dong-nai-dam-bao-an-toan-moi-san-xuat-593672.html