Nhiều xưởng chế biến khoáng sản ở Quỳ Hợp tồn tại trong thời gian dài, thậm chí "chuyển nhượng" qua nhiều cá nhân nhưng thủ tục pháp lý thuê đất chưa đầy đủ. Ảnh: Xuân Thống
Gần 2 thập kỷ xưởng chế biến “ngoài vòng quản lý”
Là một trong những huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng, phân bố tập trung chủ yếu ở các xã Châu Hồng, Liên Hợp, Châu Lộc, Châu Cường, Châu Quang, Thọ Hợp, Đồng Hợp… song, trong nhiều năm qua, công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn huyện Quỳ Hợp còn không ít tồn tại, dẫn đến các vi phạm pháp luật phải xử lý cả hành chính và hình sự đối với nhiều tổ chức, cá nhân.
Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Quỳ Hợp, trên địa bàn hiện có 82 mỏ khoáng sản được cấp phép còn hạn; 78 mỏ hết hạn (trong số mỏ đã hết hạn có đến 50 mỏ giấy phép đã có quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh phải bảo vệ; nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ khai thác trái phép).
Đáng chú ý có 158 xưởng chế biến khoáng sản, trong đó có 43 xưởng (của 22 tổ chức, 21 cá nhân) chưa có thủ tục thuê đất theo đúng quy định.
Bà Lê Thị Đức, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, những năm qua, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; đồng thời tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, đoàn của các sở chuyên ngành về việc chấp hành quy định pháp luật của đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân.
Ngày 13/7/2021, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang 23 đối tượng đang có hành vi sử dụng các phương tiện máy móc khai thác đá trái phép tại khu vực núi Phá Củng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp.
Lực lượng chức năng điều tra làm rõ và xác định đối tượng Trần Văn B. là người tổ chức việc khai thác khoáng sản trái phép.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự.
Sau vụ án này, đã điều tra, mở rộng và khởi tố thêm nhiều đối tượng liên quan. Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, làm rõ, đề nghị kỷ luật Đảng và chính quyền nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác trong hoạt động khoáng sản. |
Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan khi các đối tượng khai thác trái phép thường manh động, liều lĩnh, thủ đoạn khai thác lợi dụng vào ban đêm, vào ngày nghỉ; quá trình khai thác cắt cử người “cảnh giới”, và sẵn sáng tẩu tán phương tiện vi phạm nhằm trốn tránh cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Thêm vào đó, hiện tại nhân lực làm nhiệm vụ này còn mỏng, đoàn kiểm ra của chính quyền địa phương không được trang bị công cụ, phương tiện và cả thẩm quyền, nghiệp vụ xác minh, điều tra, xử lý vi phạm.
Từ những lý do đó, trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp, cá nhân và công tác quản lý của cơ quan quản lý địa phương, các phường, xã gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến không thể xử lý triệt để, đủ sức răn đe.
Đại diện Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp nêu lên một thực tế hiện tại, đó là sau khi các lực lượng chức năng của bộ, của tỉnh ra quân đấu tranh truy quét các hoạt động vi phạm trong khai thác khoáng sản, tập trung điều tra, xử lý các hành vi vi phạm tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn (nhất là từ 2019 đến nay - PV) thì việc rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh đối với các xưởng chế biến khoáng sản ở Quỳ Hợp mới được quan tâm, chú trọng, quyết liệt hơn.
Số liệu từ huyện Quỳ Hợp cũng cho thấy, qua quá trình kiểm tra, rà soát các xưởng chế biến đá chưa thuê đất (43 xưởng) này đã xây dựng, sử dụng ổn định trong nhiều năm trước, giai đoạn từ 2004-2019, tập trung nhiều ở các xã, như: Thọ Hợp 17 xưởng, Đồng Hợp 9 xưởng, Châu Lộc 4 xưởng, Tam Hợp 5 xưởng, Liên Hợp 3 xưởng… Trong số 43 xưởng chưa có thủ tục thuê đất, có 25 xưởng chế biến nằm trong các cụm công nghiệp và khu chế biến đá tập trung, trong số đó có 18 xưởng nằm ngoài quy hoạch các cụm công nghiệp, khu chế biến đá tập trung và 3 xưởng có một phần thuộc khu công nghiệp và một phần nằm ngoài quy hoạch cụm công nghiệp (Cty Cổ phần (CP) Phương Huy Stone, Cty CP Đồng Tiên và Cty TNHH Khai thác và chế biến đá Phú Sơn).
Trung tuần tháng 7 vừa qua, có mặt tại huyện Quỳ Hợp, qua ghi nhận tại các xã có số xưởng chế biến khoáng sản nhưng chưa có thủ tục thuê đất thì một số xưởng đã tạm dừng hoạt động chờ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, còn một số xưởng đang hoạt động chế biến, có giao dịch mua bán.
Cũng theo Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp Lê Thị Đức, thời gian qua huyện đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và yêu cầu các tổ chức, hộ cá thể hoàn thành hồ sơ thuê đất theo quy định. Huyện cũng đã ban hành các văn bản yêu cầu các xã, thị trấn rà soát các xưởng chế biến khoáng sản chưa thực hiện thủ tục thuê đất.
Mới đây, ngày 15/5/2023, UBND huyện đã ra thông báo, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ xử lý lên cấp trên nếu vượt thẩm quyền và yêu cầu các tổ chức, hộ cá thể hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo đúng quy định.
Số liệu cung cấp cho thấy, thời gian qua đã xử phạt 11 hộ cá thể, trong đó 1 trường hợp thẩm quyền tỉnh, Thanh tra Sở TN&MT 1 trường hợp, huyện 5 trường hợp và xã 4 trường hợp; có 11 trường hợp không xử lý do đã dừng hoạt động, 3 trường hợp có cam kết tự tháo dỡ.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện cũng đã kiểm tra, tiến hành xử lý 3 trường hợp và 3 trường hợp đang trong quá trình chờ cấp có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trong lúc chờ cấp trên hướng dẫn và đơn vị tư vấn thì các tổ chức, hộ cá thể ở xưởng chế biến phải dừng hoạt động khiến đơn hàng ứ đọng, lao động địa phương mất việc làm. Ảnh: Văn Thanh
Khó xử lý dứt điểm
Qua tìm hiểu, quá trình tập trung kiểm tra, tham mưu xử lý các trường hợp đối với doanh nghiệp và các hộ cá thể cũng đã nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều từ xã, huyện, tỉnh.
Một số cho rằng địa phương làm như thế là mạnh tay, căng quá, đột ngột; một số cho rằng ảnh hưởng hoạt động sản xuất, chế biến cũng như trong việc thực hiện các cam kết đơn hàng, kế hoạch sản xuất, việc làm nhân công…
Mới đây, qua làm việc với đoàn kiểm tra của UBND tỉnh tại huyện Quỳ Hợp, huyện cũng đã nêu lên thực trạng tình hình cũng như có những kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đối với hoạt động khoáng sản nói chung, các xưởng chế biến khoáng sản nói riêng.
Trong quá trình các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư và hồ sơ thuê đất còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để tháo gỡ, huyện đã có văn bản báo cáo gửi Sở TN&MT, UBND tỉnh hướng dẫn huyện làm thủ tục thuê đất. Sở TN&MT cũng đã có văn bản xin ý kiến về chủ trương xử lý đối với các xưởng chế biến đá trên địa bàn đến các sở, ngành liên quan, nhưng đến nay huyện Quỳ Hợp chưa nhận được văn bản hướng dẫn. (Báo cáo ngày 16/6/2023 do Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Trần Đức Lợi nêu).
|
Liên quan đến đề xuất, hướng dẫn thủ tục thuê đất trên địa bàn thì hiện nay, trong số các dự án của 22 tổ chức chưa thuê đất đã có 14 tổ chức được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện hồ sơ giao đất; có 14 tổ chức nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư thực hiện tại Trung tâm Dịch vụ công tỉnh; 4 tổ chức chưa nộp hồ sơ thuê đất.
Theo kết quả cho ý kiến của các sở, ngành thì trong quá trình lập hồ sơ xin chủ trương và lập hồ sơ thuê đất, các tổ chức gặp nhiều khó khăn khi 13/14 dự án nộp tại tỉnh không đảm bảo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020 do không đảm bảo khoảng cách an toàn đến khu dân cư, khoảng cách an toàn môi trường, chưa có quy hoạch nông thôn mới, chưa có giấy phép môi trường của dự án đầu tư xây đựng hạ tầng cụm công nghiệp và khu chế tác đá tập trung, chưa xây dựng hạ tầng công trình bảo vệ môi trường.
Đối với 21 hộ cá thể chế biến khoáng sản, hiện đã có 11/21 hộ nộp hồ sơ xin thẩm định nhu cầu thực hiện dự án tại UBND huyện. Qua rà soát hồ sơ của các hộ cá thể cũng gặp khó khăn, vướng mắc do chưa có giấy phép môi trường của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và các cụm công nghiệp chưa hoàn thiện hạ tầng công trình bảo vệ môi trường, không đảm bảo khoảng cách an toàn đến khu dân cư, công trình công cộng, sông suối… khoảng cách an toàn môi trường và chưa có quy hoạch nông thôn mới.
Theo Phòng TN&MT Quỳ Hợp, quá trình giải quyết những vướng mắc còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: VT
“Huyện đang tập trung hướng dẫn doanh nghiệp, hộ cá thể thuê tư vấn, hỗ trợ họ để tạo chuyển biến trong công tác này. Dù biết rằng việc đó là sai phạm, hoạt động không có thuê đất phải chấp hành nhưng hộ cá thể có cái khó khi chủ yếu huy động từ nguồn vốn vay ngân hàng, mua đất để làm, nên việc hoàn thiện thuê đất cũng khó. Huyện rất đau đầu trong việc này. Do đó, việc đình chỉ không thể triệt để”, lãnh đạo Phòng TN&MT Quỳ Hợp thẳng thắn nhìn nhận.
Rõ ràng trước thực trạng công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản gặp nhiều khó khăn khi giải quyết, xuất phát từ nguyên nhân trong một thời gian dài, chính quyền các cấp ở huyện Quỳ Hợp đã thiếu kiếm tra, nếu không nói là đã “buông lỏng”, chưa làm tròn trách nhiệm để các tổ chức, cá thể xây dựng, sử dụng tiến hành chế biến, sản xuất khoáng sản. Do vậy, bên cạnh đồng hành, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp, hộ cá thể hoàn thiện các thủ tục cần thiết đảm bảo đủ quy định thì tỉnh Nghệ An, các ngành chức năng cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, các cá nhân, tổ chức đối với hoạt động này.
Báo Thanh tra tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Link gốc: https://thanhtra.com.vn/dieu-tra/dieu-tra-theo-don-thu/nhieu-vi-pham-tai-cac-xuong-che-bien-khoang-san-213155.html